Đi định cư nước ngoài – vì sao đi? Đi như thế nào để an cư lạc nghiệp?

Mấy năm gần đây, định cư nước ngoài dường như trở thành trào lưu ở Việt Nam. Vì sao người ra đi? Người giàu hay người nghèo đi nhiều hơn?

3 câu chuyện thực tế mình chứng kiến, đủ để thấy ai cũng có lý do riêng, nhưng giàu nghèo không phải là lý do chính.

Một. Bên nhà chồng mình có ông anh họ, đi xuất khẩu lao động sang Đức rồi ở lại. Anh làm bếp, chị dọn phòng khách sạn, ở tít 1 cái đảo bé bé, kiểu như Lý Sơn nhà mình, mà bọn Đức chỉ ra để du lịch. Anh ngày nào cũng uống rượu, uống nhiều vì… buồn, hơn 20 năm không thoát cái tâm trạng “thân cu li nơi xứ người”. Nhưng bảo về thì anh nhất định không. Vì dù sao, ở đó, con anh được học miễn phí, hết cấp 2 có người tư vấn cẩn thận, nên rẽ đi học nghề hay lên tiếp high school để vào đại học, ngoài tiếng Anh còn phải học thêm 1 ngoại ngữ nữa. Tương lai của nó, anh yên chí là sẽ khá khẩm hơn bố nhiều. Chị vợ anh có lần bị trúng gió, méo mồm theo cách gọi của người Việt mình, vào bệnh viện khám, họ túm ngay lên cáng cấp cứu, làm đủ thứ xét nghiệm, rồi lại nguyên 1 chuyến trực thăng chở vào đất liền vì bệnh viện ngoài đảo nhỏ, không đủ khả năng chữa trị. Tất cả bảo hiểm trả.

Hai. Có người bạn mình đi du học ở Mỹ rồi ở lại làm việc, làm cho KPMG hẳn hoi (nhưng 1 tỉnh nhỏ thôi). 3-4 năm mới thấy vợ chồng nó dắt con về thăm ông bà 1 lần. Nó bảo mỗi lần về tốn kém phết, ở Mỹ, đi làm thuê kiểu như vợ chồng nó, dù là công ty Big4, cũng chỉ vừa đủ sống, lương có tăng chút, thưởng nhiều chút thì nộp thuế quá nửa rồi. Mà cũng buồn. “Lý tưởng nhất là thứ 2-6 đi làm ở Mỹ, cuối tuần lại về VN. Người Mỹ bên ngoài trông vậy thôi, chứ họ lạnh lùng lắm, việc ai người nấy lo.”. Nhưng cũng nhất định không về. Nó bảo, làm việc ở Việt Nam khó chịu lắm, dù là công ty nước ngoài vẫn “banana cả nải”. Với cả, ở bên đó, từ giáo viên, bà lao công hay ông bảo vệ, cứ nói chuyện với con nó là quỳ hẳn xuống, để mặt ngang mặt với bé, nói đàng hoàng như 2 người lớn với nhau, chứ không kiểu “con còn nhỏ, con phải nghe lời người lớn” như ở Việt Nam. “Tao chẳng định lấy PR đâu, con tao học xong lớp 12 là tao về, nó sinh ra ở Mỹ, có quốc tịch Mỹ rồi, đại học không kiếm được học bổng thì vay chính phủ. Nhưng giờ thì vẫn phải cố”.

Ba. Tuần trước 2 đứa đi Mũi Né chơi, nghỉ ở 1 cái resort nhỏ nhỏ xinh xinh. Bà chủ tắm biển ngày 3-4 lần, xởi lởi kể “chị thích biển lắm, nên ông xã mua cái resort này cho chị”. Òa! Đại gia đây. Mình ướm “chị có định đi định cư nước ngoài không?”. “Chị có thẻ xanh Mỹ rồi. Cho tụi nhỏ nó đi học. Với cả, tiền bạc mình cũng phải rải bớt ra, không để một giỏ được. Chứ ở Việt Nam vẫn là sướng nhất em ạ”.

Đấy, giàu có lý do của giàu, nghèo có lý do của nghèo, anh công nhân hay cô trí thức đều có lý do hợp lý để tìm đường ra nước ngoài. Quanh đi quanh lại, lớn nhất cũng chỉ là “vì tương lai con em chúng ta”, hoặc là để nó được học hành tử tế, hoặc là được tiếp cận với nền văn minh tiên tiến. Tiểu gia thì đi định cư là một cách kiếm tiền nuôi con, đại gia thì là cách để giữ gìn của để dành cho đời sau. Thứ nữa là đến lý do an toàn – hoặc là an lành cho sức khỏe vì quá ngán ngẩm với môi trường độc hại của Việt Nam, hoặc là để đảm bảo những lúc ốm đau vì quá sợ hãi với nạn quan liêu ở các bệnh viện, hoặc với người giàu thì là an toàn cho tài sản của họ, có biến cũng không sợ mất hết.

Có nên định cư ở nước ngoài không?

Ngày trước, Mỹ là thiên đường cho những người ấp ủ giấc mơ quốc tịch thứ 2, nhưng 1-2 năm trở lại đây, tình hình Mỹ bất ổn khiến nhiều người ngại, giới đại gia thì phát hoảng vì chính sách thuế – tiền làm ra ở Mỹ, ở Việt Nam hay ở đâu đâu cũng phải khai báo, cũng bị tính thuế, không dám giấu vì bị phát giác thì nộp phạt quá nhiều, lại có nguy cơ tước thẻ xanh. Úc cũng là đích đến của nhiều người, nhưng giờ dân nhập cư đông quá, chính phủ phải cho tiền để họ đi học tiếng Anh, kẻo có ngày tiếng Anh không còn phổ biến ở Úc nữa, đông người rồi nên điều kiện nhập tịch cũng trở nên khó khăn hơn. Vì thế, xu hướng hiện nay dân Việt định cư nghiêng nhiều về Canada và châu Âu. Ai thích cổ kính, tinh tế, sang chảnh hoặc có người thân ở châu Âu thì chọn mấy nước như Malta, Bồ Đào Nha, Síp, Ireland,… Ai thích hiện đại, trẻ trung và vẫn “gần gần Mỹ” thì chọn Canada. Quan trọng hơn là những nước này điều kiện, chi phí dễ thở hơn so với Mỹ, Anh, Úc hay New Zealand.

Nói sơ sơ thì vậy thôi, chứ đi sâu vào thì “nghề chơi cũng lắm công phu”, mỗi chương trình định cư đều có cái hay cái dở riêng, tùy điều kiện và nhu cầu của mỗi gia đình mà chọn. Anh chị em bạn nào quan tâm sâu hơn đến chủ đề này thì chấm 1 cái hoặc còm cái tên nước cần tìm hiểu vào đây, mình xin chia sẻ cụ thể thêm nhé!