Đích đến của ngành Y ?

Tại Hội nghị trực tuyến “Nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tăng cường năng lực y tế cơ sở” ngày 14/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh không phải là “khẩu hiệu hô hào” mà là “đích đến” của toàn ngành Y.

30-40% bệnh nhân tuyến trên có thể điều trị ở tuyến dưới

Y tế cơ sở bao gồm hệ thống y tế thôn, bản, xã/phường/thị trấn, y tế quận/huyện/thị xã. Đây được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, cũng là tuyến đầu – “người gác cổng” của hệ thống y tế Việt Nam. Y tế cơ sở có vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp, gần dân nhất. Người dân cũng dễ tiếp cận hệ thống này với chi phí thấp, công bằng xã hội.

Hiện nay ở nước ta, có 11.793 trạm y tế tuyến xã, 684 bệnh viện gắn với trung tâm y tế đa chức năng. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng nghiệp nước ngoài đánh giá rất cao hệ thống, mạng lưới y tế cơ sở rộng lớn của Việt Nam. Trên thực tế, các mục tiêu Thiên niên kỷ hoàn thành phần lớn dựa vào hệ thống này.

Báo cáo chỉ số hài lòng của người bệnh dựa trên kết quả đánh giá độc lập từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2017 cho thấy, mức độ hài lòng của người bệnh nội trú đối với chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh đạt mức 79,6%. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2016 công bố tháng 4/2017 cho thấy, các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện đã có thay đổi lớn về chất lượng, người dân đã hài lòng hơn với các dịch vụ y tế.

Dù đánh giá tích cực về những tiến bộ của hệ thống y tế cơ sở, nhưng phát biểu trước hàng nghìn cán bộ y tế (qua hệ thống trực tuyến), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế của y tế cơ sở hiện nay. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc người dân thiếu niềm tin vào y tế cơ sở.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, có đến 30-40% bệnh nhân điều trị ở tuyến Trung ương có thể giải quyết ở tuyến tỉnh. Tương tự, 30-40% bệnh nhân ở tuyến tỉnh có thể điều trị ở tuyến huyện. “Ở tuyến Trung ương, có tới hàng nghìn người khám tăng huyết áp, tiểu đường… nhưng có không ít trạm y tế xã lại chỉ có vài ba người khám, trong khi bệnh này ở xã có thể quản lý tốt. Thực tế, các trạm y tế lại chưa quản lý được tốt bệnh mãn tính không lây, chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Dân không tin tưởng, đổ hết lên tuyến trên”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối vẫn “loay hoay” với tình trạng quá tải, trong khi đáng ra tuyến này phải tập trung cho kỹ thuật cao, sâu, khó. Hiện vẫn có những bệnh viện khám tới 6.000-7.000 bệnh nhân/ngày cũng vì bệnh nhân không tin ở tuyến dưới. Bộ trưởng đề nghị, sắp tới các bệnh viện như vậy phải khống chế lượng bệnh nhân khám dưới 4.000 người/ngày để tập trung phát triển kỹ thuật cao.

Ngoài ra, việc chăm sóc của bệnh viện chưa toàn diện, chưa đảm bảo tỷ lệ 1 bác sĩ, 3 điều dưỡng. Một bệnh nhân vào thì có 3-4 người nhà vào. Người nhà bệnh nhân vẫn chăm sóc, bệnh viện chưa chăm sóc toàn diện. Xác định có rất nhiều nguyên nhân trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, có nguyên nhân cơ chế tài chính chưa đủ chi trả để nâng cao chất lượng cán bộ. Chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng, kể cả nhân lực, số lượng, chất lượng, cơ cở vật chất, không đồng đều giữa các vùng miền. Do đó, thời gian tới phải tính toán, nghiên cứu cơ chế tài chính sao cho bệnh nhân vào viện có thể yên tâm “giao” cho nhân viên y tế chăm sóc toàn diện.


Khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định. Ảnh: TL

Khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định. Ảnh: TL.

“Làm hài lòng người bệnh” không phải là hô hào khẩu hiệu

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, một hạn chế khác của y tế cơ sở là chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Nhiều người dân chưa quan tâm đến sự phòng, nâng cao sức khoẻ, khám, phát hiện sớm còn yếu, phải có bệnh mới đi chữa. Số lượng, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít. Trạm y tế xã chỉ được thực hiện được 50-70% các dịch vu kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến…

“Nhân lực y tế cơ sở còn yếu và thiếu” – Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định và nói – “Nếu bác sĩ suốt đời làm ở trạm y tế xã thì sao mà giỏi được”. Do đó, trong 26 trạm y tế xã được chọn làm thí điểm triển khai theo nguyên lý y học gia đình đã ký kết với các bệnh viện tuyến Trung ương, cử bác sĩ Trung ương về xã cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ ở tuyến dưới. Ngoài việc trung tâm y tế huyện, bác sĩ tuyến huyện, tỉnh cũng luân phiên về xã như bấy lâu nay lên tuyến trên học tập. “Như vậy mới có nhân lực tốt, dân mới tin tưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. Cùng đó, Bộ trưởng đề nghị sắp tới, 100% bác sĩ ở trạm y tế phải được đào tạo theo nguyên lý y học gia đình theo hình thức trực tuyến.

Để nhân rộng mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cần quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mãn tính tại trạm y tế. Trước mắt làm ngay bệnh tiểu đường, huyết áp, hen phế quản. Trong đó, theo Bộ trưởng, Sở Y tế các tỉnh, thành phải chỉ đạo bệnh viện tỉnh, trung tâm y tế/bệnh viện huyện chuyển người bệnh mắc các bệnh lý không lây nhiễm về xã, chuyển thuốc theo Thông tư 39 cho trạm y tế.

“Khi tôi đến các trạm y tế xã nhiều nơi, chúng tôi thấy tủ thuốc các trạm thuốc lèo tèo, không có Trung cấp Dược đứng quầy. Trong khi đó, cũng có những trạm y tế ở Bạc Liêu, Đồng Tháp rất linh hoạt, xã hội hoá, tạo niềm tin, thu hút tới 100 bệnh nhân tới khám một ngày”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Cùng đó, người đứng đầu ngành Y tế cũng cho biết, để nhân rộng mô hình này phải triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản theo Thông tư 39; truyền thông giáo dục sức khoẻ với những nội dung như: Ăn uống hợp vệ sinh, luyện tập, phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia; các kiến thức phòng chống bệnh, dịch… Lập hồ sơ quản lý sức khoẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, vừa qua, ngoài cải thiện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, xây dựng bệnh viện xanh – sạch – đẹp – thân thiện… ngành Y tế phát động “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Bộ trưởng khẳng định, đây không phải là sự hô hào, khẩu hiệu, phong trào mà thực sự là đích đến của mọi dịch vụ ngành Y tế phấn đấu.

Theo Võ Thu/ giadinh.net.vn