Đổ xô “đánh bạc” du học làm thêm: Sống trong sợ hãi, nhọc nhằn
Trái với những cam kết hấp dẫn về việc làm, thu nhập, cuộc sống của nhiều du học sinh đầy thử thách khắc nghiệt.
Tư vấn “trên trời”
Trong vai sinh viên vừa tốt nghiệp đại học chưa có việc làm, PV Báo Giao thông được Giám đốc tên T. của một công ty tư vấn du học Hàn Quốc trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) giới thiệu lộ trình, chi phí kèm theo những quyền lợi khá hấp dẫn. Theo đó, lộ trình bao gồm học tiếng và học đại học bên Hàn Quốc sẽ kéo dài khoảng 5 năm. Tuy nhiên, trước hết học sinh sẽ phải học tiếng Hàn Quốc trong vòng 3 – 4 tháng với chi phí 10 triệu đồng từ lúc học đến khi bay. “Chúng tôi rất mong các học viên trong thời gian này phải học thật nhanh, thật tốt tiếng. Như vậy, sang bên đó kiếm việc làm rất dễ… Mức lương có thể đạt từ 200 – 400 USD/ngày và hoàn toàn có đủ chi phí để trang trải học phí”, ông T. nhấn mạnh.
Du học sinh Nguyễn Xuân Huy (SN 1993, trú quán xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) bị tai nạn lao động, phải điều trị tại BV Hàn Quốc với thương tật hơn 90%
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay, các trường của Hàn Quốc một năm sẽ có 4 kỳ nhập học vào các tháng 3, 6, 9, 12. Thế nhưng, ông T. khẳng định, học sinh của đơn vị này có thể đi tất cả các tháng trong năm và có thể hoàn tất mọi thủ tục để nhập học trong thời gian ngắn nhất.
Cũng theo ông T., sau từ 1 – 2 năm học tiếng bên Hàn Quốc, học sinh sẽ phải thi để đạt được TOPIK 3 – đây là điều kiện bắt buộc để chuyển lên học chuyên ngành đại học. Trung bình các trường sẽ có học phí khoảng 120-130 triệu đồng/năm. Nhưng khi học năm tiếp theo chuyên ngành sẽ có cam kết học bổng từ 30 – 70%, đỡ được một khoản không nhỏ tiền học phí cho các du học sinh. Ông T. cũng cam kết, khi học sinh sang đến Hàn Quốc sẽ được công ty hỗ trợ việc làm, dịch vụ chuyển trường…
Theo luật của nước sở tại, sau 6 tháng du học sinh mới được ra ngoài làm thêm không quá 28 tiếng/tuần. Nhưng ông T. tiết lộ, chỉ cần 3 tháng là có thể ra làm thêm. Nếu bị cảnh sát hỏi, trung tâm sẽ có hỗ trợ bảo lãnh(!?) Cũng theo vị giám đốc này, sẽ có 3 loại visa (giấy phép cư trú): Visa học nghề, visa phỏng vấn và visa “thẳng”. Trong đó, loại visa phỏng vấn được ông T. khuyến khích lựa chọn với chi phí 9.500 USD bao gồm 1 năm học phí, 6 tháng ký túc xá, một năm bảo hiểm, vé máy bay, phí đăng ký nhập học, dịch vụ xử lý hồ sơ, xin visa… Trong khi loại visa học nghề với chi phí từ 8.000 – 10.000 USD cũng với các dịch vụ nói trên nhưng chỉ khác là có 6 tháng học phí. Đó là chưa kể đến số tiền về công cụ hỗ trợ nghề, rất tốn kém.
Đáng chú ý, để được cấp visa du học điều kiện cần mỗi sinh viên phải có sổ tiết kiệm ngân hàng trị giá 10.000 USD gửi từ 6 tháng trở lên. “Nếu gia đình không đáp ứng được, công ty sẽ có cách nhờ ngân hàng làm chứng minh tài chính với chi phí là 10 triệu đồng”, T. thẳng thắn ngã giá.
Cực nhọc sau “ánh hào quang”
“Hàn Quốc là một giấc mơ đẹp và cũng đắng lắm chị ạ”, N.T.L., quê Hưng Yên đang theo học tại một tỉnh miền Trung của Hàn Quốc, bắt đầu câu chuyện du học tiếng của mình như thế. Ngay từ khi bước chân ra đi, rất nhiều học sinh vừa tốt nghiệp THPT, nhà không có điều kiện như L. đã phải gánh trên vai khoản nợ 250 triệu đồng. Khó khăn thực sự đến khi qua thời hạn 6 tháng, đủ các khoản tiền dồn dập lên đầu: Tiền gia hạn visa, tiền phòng chuyển ra ngoài ở, tiền sinh hoạt… “Đa phần bọn em đã phải gọi về nhà cầu cứu viện trợ. Nói là Hàn Quốc không thiếu việc nhưng chỉ đúng với người thật giỏi tiếng và có người quen. Còn học sinh mới như chúng em tiếng chỉ bập bõm, xung quanh toàn người xa lạ thì tìm việc khá vất vả”, L. cho hay.
Công việc ở gần trường đã kín người, nên sinh viên mới đều phải đi xa để tìm chỗ làm. Cả đi lẫn về đã mất khoảng 2-3 tiếng xe buýt trong khi trường chỉ cho phép làm thêm 4 tiếng/ngày. Chính vì thế, hầu hết sinh viên phải đi làm nhiều hơn giờ quy định, dù biết rằng bất cứ lúc nào cũng có thể bị cảnh sát bắt và trục xuất về nước. Ra đường là nhìn trước nhìn sau, sợ sệt, gặp ai cũng sợ bị bắt.
“Nếu làm trong xưởng, ít nhất phải làm đủ 8 tiếng, thậm chí có bạn còn làm tới 12-13 tiếng thâu đêm để tăng thu nhập. May mắn gặp chủ tốt không sao, gặp phải chủ xấu họ coi như nô lệ chửi mắng thậm tệ, thậm chí còn tìm đủ cớ quỵt lương. Công sức bỏ ra lại không nhận được đồng lương nào nhưng cũng không dám hé răng nửa lời vì mình là lao động bất hợp pháp”, L. kể lại.
Đi làm kiếm tiền học đã khốn đốn, du học sinh còn áp lực gánh nặng kinh tế ở quê nhà. L. chia sẻ: “Lúc nào trong đầu cũng đặt câu hỏi làm thế nào để kiếm tiền, nên bọn em liên tục stress. Nhiều bạn bí quá trốn ra ngoài bất hợp pháp, cũng có bạn phải từ bỏ trở về nước vì không chịu nổi áp lực”.
Mỗi ngày lao động cật lực 8 tiếng tại một quán ăn, cả thứ bảy và chủ nhật, L. cũng kiếm được khoảng 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, L. cho hay, số thu nhập này chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống và đóng tiền học nơi xứ người. Đáng nói, thời gian lao động chủ yếu vào buổi tối, nhiều sinh viên không còn sức để học trên lớp vào ban ngày. “Mỗi ngày, bọn em chỉ có khoảng 3-4 tiếng nghỉ ngơi còn lại lao vào làm. Sáng lên lớp hầu hết sinh viên đều ngủ gục trên bàn nên sức học lại càng yếu. Sợ nhất học kém phải mất tiền thi lại thì coi như mất thu nhập của cả tháng”.
Trước những lời tư vấn hấp dẫn của các công ty môi giới, L. cho biết: “Họ chỉ biết đưa sinh viên sang còn không hề có chuyện giúp đỡ tìm việc. Mức lương cao vài trăm USD/ngày chỉ dành cho giáo sư cao cấp chứ đâu tới lượt sinh viên. Còn nếu muốn đạt học bổng thì phải đạt điểm trung bình các môn chuyên ngành hơn 3,5. Đây là mức điểm rất khó với những sinh viên vừa học, vừa làm như chúng em”.
Cũng theo L., nhất định phải qua mốc 6 tháng đầu mới được đi làm thêm nếu không sẽ bị coi là bất hợp pháp. “Nếu bị bắt, công ty du học không liên quan tới việc bảo lãnh, chỉ có người thân mang quốc tịch Hàn Quốc hoặc các giáo sư tại trường mới làm được việc này. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất nhạy cảm và nhiều hệ lụy nên hiếm khi nhờ được người bảo lãnh cho sinh viên”, L. chia sẻ.
“Ngay từ đầu, sinh viên du học tiếng đã xác định mục đích chính muốn kiếm tiền chứ không phải học. Do vậy, khi thu nhập chỉ đủ trang trải chứ không đủ trả nợ, nhiều bạn phải bỏ học làm thêm, chấp nhận rủi ro có thể bị trục xuất về nước bất cứ lúc nào. Trước khi đặt bút ký vào hồ sơ, các bạn hãy tìm hiểu cuộc sống và công việc tại nơi sẽ du học. Rất nhiều khó khăn, rủi ro phía trước nếu muốn vừa đi làm, vừa theo học. Nếu chưa trang bị đầy đủ điều kiện và kỹ năng cần thiết thì không nên vội vàng”. Vũ Anh Sơn, Cựu lao động Hàn Quốc chia sẻ
Theo:baogiaothong.vn