Du học chấp nhận đánh đổi để trưởng thành
Du học – việc đánh đổi đầu tiên là xa gia đình
Điều này nếu nói ra thì quả thực hiển nhiên đến nỗi ai cũng biết, nhưng phải thật sự đặt mình vào hoàn cảnh của những du học sinh xa nhà, bạn mới có thể thấu hiểu hết cảm giác xa nhà, xa gia đình là như thế nào? Đương nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó. Xa gia đình cũng là một điều tốt khi mà bạn đã chuẩn bị sẵn tinh thần và sẵn lòng chinh phục mọi thử thách. Nhưng phải đến những lúc bạn ốm đau, những lúc cảm thấy stress nặng nề, những lúc chán chường và tuyệt vọng thì nỗi nhớ nhà dường như nó xâm chiếm toàn cơ thể bạn. Lúc đó mới thèm cái cảm giác được ba mẹ chăm bẵm, quan tâm săn sóc nó xa xỉ đến nhường nào!
Đặc biệt, là thời điểm khi năm hết, Tết đến. Trừ những người có điều kiện và may mắn ra thì du học gần như chắc chắn đồng nghĩa với mất Tết. Một mình bạn chống chọi trong căn trọ lạnh lẽo, cô độc, nhớ lại không khí Tết đầm ấm bên gia đình. Thời điểm mà người người nô nức đi chợ xuân, sắm Tết, thì bạn đang vật vã ở một chỗ làm thêm nào đó. Thời điểm mà nhà nhà vui vẻ xum vầy ăn bữa cơm tất niên, chờ đón giao thừa thì bạn đang một mình với bữa cơm bụi lạnh ngắt, hay một chiếc bánh mì để lót dạ.
Tất cả nỗi nhớ ấy chỉ có thể giải tỏa qua những trang báo, những thước phim tài liệu trên truyền hình, qua những bức ảnh, trạng thái của người thân, bạn bè trên Facebook. Thế nhưng, càng nhìn lại càng thấy xót xa, chạnh lòng và tủi thân. Gọi điện về cho ba mẹ, chúc ba mẹ sức khỏe, phải cố tỏ ra là mình sống rất tốt để ba mẹ không phải lo lắng. Nhưng rồi ngay sau khi cúp máy, những giọt nước mắt không biết từ đâu kéo tới, cứ thay nhau lã chã rơi xuống.
Du học là thách thức bản thân
Chấp nhận việc đi du học có nghĩa là bạn sẽ phải sống một cách tự lập hoàn toàn. Những việc như sắp xếp công việc cá nhân, sinh hoạt tập thể với mọi người, đều là bạn phải “tự thân vận động”. Đó là lần đầu tiên bạn vật lộn với những chuyến xe buýt bởi vì không quen đường. Tiếp xúc với mọi người từ nhiều vùng, miền khác nhau trên thế giới, làm sao để dung hòa? Bất đồng ngôn ngữ, bất đồng về văn hóa, bạn đều phải tự vượt qua. Để rồi khi tìm được một người Việt học chung trường thì vỡ òa trong cảm xúc, vì ít nhất bạn đã có người tâm sự, để cảm thấy mình không bị lạc lõng ở thế giới này.
Đó là những lúc ốm đau, một mình trong căn gác trọ trống vắng, thèm một bát cháo hành tía tô mẹ nấu, thèm được mẹ chăm nom, săn sóc, nhưng phải tự mò dậy xuống y tế xin thuốc.
Rồi mùa đông đến, bạn sẽ thấm thía như thế nào là cái rét thấu xương của mùa đông, nhưng vẫn phải vật lộn với công việc làm thêm để kiếm thu nhập, trang trải cho cuộc sống. Là những khi bạn bè tụ tập vui vẻ, còn lại một mình trong kí túc xá thênh thang, rộng lớn.
Tất cả đều sẽ cho bạn “nếm trải” thế nào là hương vị nước ngoài, bởi thực tế khác xa phim ảnh, không hề hào nhoáng và xa hoa như bạn đã từng nghĩ đâu. Vì vậy, khi du học cần có sự nỗ lực, quyết tâm gấp 5, gấp 10 lần bình thường. Có như vậy, bạn mới hòa nhập và tồn tại được trong môi trường mới này.
Người lạ lạc lối ngay trên chính quê hương mình
Người ta có câu: “Sống lâu ở đâu quen ở đó”. Có nghĩa là bạn có thời gian dài sinh sống ở nước ngoài thì phong cách sống, thói quen của bạn cũng thay đổi. Như vậy, đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận một điều rằng khi đi du học trở về bạn có thể sẽ không nhận ra quê hương mình nữa. Rất có thể một lúc nào đấy bạn sẽ cảm thấy mình trở thành ‘người lạ’ trên chính mảnh đất vốn rất đỗi thân quen. Cái lạ lẫm ở đây không phải là vì nhà cửa, quán xá thay đổi quá nhanh mà là vì tác phong, lối suy nghĩ của bạn đã trở nên quá khác biệt so với những người đồng hương của mình. Nói cách khác, rất có thể bạn sẽ bị ‘sốc văn hoá ngược’ – hội chứng thường gặp ở du học sinh hay những người quay về quê hương khi đã có khoảng thời gian dài sống ở nước ngoài.
Khi bạn đã quen với việc mọi người thường xuyên nói “Xin lỗi/ Cảm ơn”; hay việc xếp hàng, dừng xe đúng vạch quy định…, cảm giác thất vọng và khó chịu sẽ dễ xảy ra khi bạn về Việt Nam. Hay đến cả những mối quan hệ tưởng chừng như vô cùng khăng khít khi xưa thì giờ đây bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng trong mối quan hệ đó dường như đã xuất hiện một “vực sâu” mà khó có thể lấp đầy. Sau một thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ ‘lắt léo’ hơn bạn tưởng và việc tái hoà nhập với môi trường mà bạn đã lớn lên cùng không phải là chuyện đơn giản.
Chấp nhận đánh đổi
Thú thật, cho đến giờ phút này, tôi vẫn thấy du học là quyết định đúng đắn trong cuộc đời của tôi. Du học cho phép tôi khám phá thế giới, cho phép tiếp cận với những thứ văn minh, tiên tiến nhất. Bạn cũng sẽ “tích cóp” được lại nhiều kinh nghiệm hơn và hình thành cho mình có sống độc lập và mạnh mẽ hơn. Người Việt thường nói ‘trăm nghe không bằng một thấy’. Mình vẫn tin rằng để có thực sự ‘thấm’ và cảm nhận được bất kể điều gì, bạn phải trải nghiệm, chứ chỉ nghe kể lại hay đọc sách vở thôi là chưa đủ.
Ông bà ta cũng có câu: “Ếch ngồi đáy giếng”. Nhiều người cứ nghĩ rằng mình đã thật sự xuất sắc. Ấy thế nhưng, phải đi ra thế giới bên ngoài thì mới thấy được kiến thức, hiểu biết ngoài kia là mênh mông, vô hạn. Ta cũng chỉ là những hạt cát nhỏ trong cái hoang mạc rộng lớn mà thôi.
Đối với tôi, cái được lớn nhất của việc đi du học là khám phá ra đam mê của bản thân. Nhiều bạn vẫn thường hỏi mình rằng làm thế nào để khám phá được đam mê của bản thân. Quả thực đây là câu hỏi rất khó vì đến giờ mình vẫn không biết trả lời sao cho chuẩn bởi vốn dĩ tìm được điều mình yêu thích là một cái may mắn rất lớn và đôi khi bạn sẽ bắt gặp được nó một cách vô cùng bất ngờ.
Thật sự, tôi phải cảm ơn quyết định du học ở nước ngoài, bởi môi trường học tập ở đây luôn luôn cho tôi bộc lộ hết những tài năng của mình, khuyến khích và cổ vũ tôi. Chính vì vậy, mà tôi thực sự tìm ra được thứ gì làm tôi đam mê và thứ gì không. Mình chưa bao giờ chủ đích đi du học để tìm được đam mê của bản thân nhưng may thay việc sang Đức đã tình cờ dẫn dắt mình đến với ngành tâm lý học. Tất cả chỉ là một sự tình cờ không thể dự báo trước, thế nhưng nếu ngày đó mình không đi du học, có lẽ bây giờ mình đang không ở Đức theo đuổi tấm bằng tiến sĩ ngành tâm lý học.
Tuy nhiên, tôi không đảm bảo được du học có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ tìm ra được niềm đam mê của bản thân bởi vốn dĩ trong cuộc sống chẳng bao giờ có cái gì là đảm bảo cả đúng không? Nhưng việc tôi có thể khuyên bạn đó là nếu bạn không cho mình một cơ hội, không dám thử thách thì làm sao có hy vọng tìm được đam mê của bản thân? Hãy cho bản thân mình một cơ hội và hãy cho du học một cơ hội. Bạn sẽ không cảm thấy hối tiếc đâu !
Tôi rất thích câu nói “Cứ vun trồng rồi thứ gì đó sẽ mọc lên” và tôi tin chắc rằng việc chấp nhận đánh đổi đi du học sẽ mang lại kết quả tích cực đối với các bạn.