Du học Mỹ về nước khó tìm việc vì quá tự tin, ảo tưởng lương cao: ‘Tốn bảy tỷ đồng đi du học, lương vẫn ba cọc ba đồng’
‘Du học sinh thất nghiệp không phải vì bằng cấp mất giá, mà vì họ quá tự tin, ảo tưởng mức lương như trời Tây dù kinh nghiệm không có’.
Có bằng cấp quốc tế, vốn ngoại ngữ tốt, tuy nhiên nhiều du học sinh Việt rơi vào cảnh khó tìm được việc sau khi trở về nước. Nhiều người đặt câu hỏi: “Có phải bằng cấp du học đã mất giá?”.
Trả lời vấn đề này, độc giả Peter.adams nêu quan điểm: “Thực ra lý do không hẳn là các du học sinh không hiểu thị trường Việt Nam, mà tôi thấy chủ yếu là bởi các bạn không hiểu chính mình.
Tôi phỏng vấn mỗi năm tầm 500 ứng viên để tuyển dụng cho một công ty IT lớn. Và trong sáu năm làm công việc này, tôi chưa tuyển một ai du học ở nước ngoài về.
Không phải vì các bạn kém, mà do quá tự tin vào khả năng của mình. Một số bạn đánh giá quá cao việc mình có bằng ở nước ngoài nên khá ảo tưởng mặc dù kinh nghiệm còn non nớt hoặc thậm chí chưa có gì.
Hầu hết các bạn mặc dù mới ra trường nhưng đều mong muốn một vị trí tốt, lương thưởng cao… Một số bạn đã có kinh nghiệm thì hô mức lương không tưởng, gấp vài lần lương của người phỏng vấn (mặc dù lương của người phỏng vấn cũng hàng nghìn USD rồi).
Nếu các bạn có năng lực, hãy chấp nhận bắt đầu với một xuất phát điểm vừa phải, rồi người ta sẽ thấy kết quả công việc của bạn và cất nhắc, tăng lương. Đừng đòi hỏi quá nhiều khi mới bắt đầu”
Đồng quan điểm, bạn đọc Hung bổ sung: “Tôi đã tham gia phỏng vấn vài trăm ứng viên cho công ty IT ở Hà Nội. Rất nhiều trong số đó là các bạn du học nước ngoài về.
Và thực tế, về chuyên môn, các bạn du học sinh không giỏi hơn sinh viên IT trong nước là bao và chúng tôi không tuyển được ứng viên nào như thế.
Internet ra đời đã làm cho thế giới phẳng. Các bạn học trong nước (thậm chí ở các tỉnh xa) giờ đây cũng có đầy đủ cơ hội tiếp cận công nghệ cao, công nghệ mới y như các bạn học ở nước ngoài. Thế nên, vấn đề ở đây là con người chứ không phải là chuyện học ở đâu”.
‘Tốn bảy tỷ đồng đi du học, lương vẫn ba cọc ba đồng’
Theo Cuộc khảo sát về khả năng có việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên các trường đại học năm 2021, do công ty tư vấn nhân sự Emerging của Pháp thực hiện, kỹ năng và kinh nghiệm quốc tế chỉ đạt điểm trung bình 6,4/10 về mức độ quan trọng đối với khả năng xin được việc.
Thay vào đó, các nhà tuyển dụng lại quan tâm tới nhiều yếu tố khác như: sự xuất sắc về học thuật; am tường về kỹ thuật số; sự chú trọng vào nghề nghiệp; kỹ năng mềm và kiến thức số; sự chuyên môn hóa.
Điều đó cho thấy, các nhà tuyển dụng ngày nay đã không còn coi bằng cấp nước ngoài là ưu tiên hàng đầu cho các ứng viên trúng tuyển.
So sánh cán cân giữa du học sinh và những sinh viên tốt nghiệp trong nước, độc giả Poolzi nhận định: “Thực tế cho thấy, cùng một vị trí công việc thì năng lực của bạn có bằng cấp nước ngoài không thể hơn gấp đôi các bạn học trong nước
Thế nên, không thể đòi hỏi lương cao hơn quá nhiều so với mặt bằng chung. Tôi tin chắc, các bạn đã đi du học, năng lực tốt và có cơ hội làm việc ở nước ngoài, sẽ chẳng ai chịu về nước tìm việc cả. Chỉ những bạn không tìm được việc ở trời Tây mới bắt đầu nghĩ đến việc về nước.
Riêng về Công nghệ thông tin, chưa chắc các bạn du học sinh đã hơn được dân IT trong nước. Có thể các bạn được đào tạo bài bản hơn, nhưng khả năng ứng biến thì không thể bằng mấy bạn trong nước được, bởi những người giỏi thực sự đã được giữ lại nước ngoài làm việc rồi.
Nhưng người thuộc hàng bình thường cũng chỉ ngang với người học trong nước mà thôi. Vây nhưng khi về nước, đi tìm việc, nhiều bạn luôn ảo tưởng, đòi hỏi mức lương như ở trời Tây, nên kết quả là chẳng công ty nào chịu nhận”.
Cùng chung quan điểm, bạn đọc David Pham cho rằng, bằng cấp nước ngoài không còn tạo ra lợi thế quá khác biệt ở thời điểm hiện tại: “Cách đây hơn mười năm, tôi cũng là du học sinh tự túc loại làng nhàng, sang nước phát triển vừa học vừa làm.
Nhưng ngay cả cái đám làng nhàng như tôi cũng có nhiều kiểu. Có kiểu chỉ ‘du’ nhưng không ‘học’, có kiểu tận dụng cơ hội ra nước ngoài để học bằng mọi giá nhằm có chút ưu thế khi về nước tìm việc.
Thời điểm đó, du học sinh thực sự có nhiều ưu thế hơn hẳn, nhưng bây giờ lợi thế này không còn do nền giáo dục ở Việt Nam cũng ngày một phát triển, thế giới Internet rộng mở, nên người không có điều kiện du học cũng có thể tự hàm thụ được kiến thức và tham khảo kinh nghiệm từ nước ngoài.
Ngày nay, doanh nghiệp vận hành theo kinh tế thị trường, nếu du học sinh không có gì nổi bật thì chắc chắn sẽ thua các bạn học trong nước.
Những người học trong nước thường biết thân biết phận, nên có cách tiếp cận nghề nghiệp chiến lược hơn, chịu khó đi từ xuất phát điểm thấp rồi dần dần xây dựng năng lực để có thu nhập cao hơn, chứ không hay đòi hỏi cao ngay từ đầu như du học sinh”.
‘Du học không giàu là đầu tư lỗ’
Trước đây, các nhà tuyển dụng có xu hướng nghĩ rằng trải nghiệm một hệ thống giáo dục nước ngoài khiến sinh viên tự do và sáng tạo hơn. Họ coi du học phương Tây là tốt nhất.
Điều này khiến bằng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài giống như giấy thông hành cho sinh viên. Nhưng khi các trường đại học trong nước thăng hạng trên các bảng xếp hạng thế giới, bằng cấp du học không còn là lựa chọn hàng đầu khi về nước xin việc.