Du học sinh: Đằng sau những đồng tiền mua quà là máu và nước mắt
“Mới đi XXXX về à? Quà đâu?”
Đó là câu cửa miệng của người Việt Nam mỗi khi được nghe “ai đó” thông báo rằng mới đi đến một nơi nào đó và vừa về. Bất kể nơi đó xa xôi tận bắc bán cầu, cách nửa vòng trái đất hay chỉ đơn giản là sang địa phương bên cạnh cách 1 con sông. Bất kể người đó là người thân thích, bạn bè hay hàng xóm cạnh nhà. Bất kể người đó đi học hành, du lịch, thăm thú hay đơn giản chỉ là chuyến đi vội vàng do công việc. Tất cả đều sẽ nhận về từ những người xung quanh 1 câu hỏi chung:
“Quà của anh/chị/em/cô/dì/chú/bác/tao đâu?”
Đó là cái văn hóa! Ừ thì đành rằng, cũng không có gì to tát cả. Thực ra, người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn luôn có thói quen trao đi và tặng lại những món quà. Đó là những biểu hiện hết sức ấm áp của mối quan hệ cộng đồng, xã hội. Người được đi xa, đến những chân trời mới, được ngắm nhìn phong cảnh, thưởng thức những đồ ăn thức uống đặc sản và họ nghĩ tới những người ở nhà. Họ mua những món đồ từ các nơi xa xôi, không nề hà tay xách nách mang. Họ mang về làm quà cho những người ở nhà, với mong muốn người ở nhà cũng cảm nhận được chút gì đó cái không khí, cái phong vị của vùng đất xa xôi đầy thú vị. Những món quà có thể giá trị chỉ rất nhỏ, nhưng ý nghĩa tinh thần thì vô cùng to lớn.
Đáng lẽ là như vậy!
Việc trao đi và nhận lại là tự nguyện. Không ai ép buộc ai, cả người trao và người nhận đều vui vẻ.
Thế nhưng thực tế trong cuộc sống, chúng ta bắt gặp không ít những tình huống éo le về văn hóa quà cáp của đời sống hiện đại ngày nay. Ở đây không bàn sâu xa gì đến quà biếu, quà sinh nhật, hối lộ hay có mục đích gì kèm theo. Chỉ ở một khía cạnh đơn giản đó là quà của những người đi xa về đã có vô vàn thứ chuyện để bàn. Và nạn nhân của những tình huống éo le đó không ai khác chính là Việt kiều và du học sinh!
Việt kiều, theo chúng ta hiểu là người Việt định cư bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, họ có thể đang mang quốc tịch Việt Nam hoặc/và quốc tịch của nước sở tại. Họ sinh sống và làm việc ổn định ở nước ngoài. Còn du học sinh là những người đi học ở một nước khác nước hiện tại đang sinh sống nhằm bổ sung thêm kiến thức, ngành nghề nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập của bản thân hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tài trợ. Đó, rành rành là như vậy, ấy thế mà du học sinh về nước lại cứ bị đối đãi như Việt kiều? Và tất nhiên gánh nặng “Quà của anh/chị/em/cô/dì/chú/bác/tao đâu?” cũng như Việt kiều luôn!
Bởi vậy, đã có biết bao câu chuyện dở khóc dở cười xoay quanh câu chuyện quà cáp của du học sinh về nước.
Bài đăng của du học sinh Hàn Quốc nhận được nhiều đồng cảm
Không ít những bài đăng than thở của du học sinh về vấn đề này đã được chia sẻ rộng rãi, cảm thông của cộng đồng du học sinh nói riêng và cộng đồng mạng nói chung:
Có bạn du học sinh, sau khi thông báo về nước, hết người này đến người kia nhắc khéo quà cáp, đến mức hành lí khổng lồ chẳng có chỗ để đồ của chính mình.
Có bạn du học sinh, miệt mài làm thêm chỉ mong đủ tiền mua cái vé về thăm quê, mà nghĩ gánh nặng quà cáp nên chẳng dám về, cố “cày” thêm 1 năm nữa cho đủ cả tiền quà mới dám về 1 chuyến.
Có bạn du học sinh, nhịn ăn nhịn tiêu, làm thêm ngày đêm để dành tiền mua quà, vì biết chắc chắn sẽ nhiều người hỏi, vì biết về Việt Nam sẽ phải “vung tay quá chán” vì mang mác Việt kiều.
…
Thế nhưng đâu chỉ có vậy, lúc kiếm tiền cực khổ với mong muốn nhìn thấy nụ cười, nghe thấy lời cảm ơn từ những người nhận quà, du học sinh không ngờ rằng mình sẽ phải “nuốt ngược nước mắt vào trong” khi thấy phản ứng của những người được nhận quà”
Có người nhận quà xong chẳng nói câu nào.
Có người chê thẳng mặt: Việt kiều, đi nước ngoài về mà tặng đồ rẻ, chợ bán đầy.
…
Ai ơi có biết chăng, đằng sau những đồng tiền mua quà là máu và nước mắt của du học sinh đó!
Ảnh: Caty Vu
“Họ chẳng cần biết chúng mình làm cái gì bên đấy. Họ chỉ biết du học là sướng là lắm tiền, không biết rằng chúng mình đã phải chiến đấu với cuộc sống ngoài kia”
“Nhiều khi mua kẹo bánh mà người ta không ưng cũng bị chê nữa, trong khi mình đi làm mửa mật ra mới tiết kiệm được tiền mua”
“Du học sinh chứ có phải tỷ phú hay đại gia về nước đâu mà có tiền mua quà xịn hàng hiệu các kiểu”
“Đôi lúc còn phải nhịn ăn để mua thỏi son cho bạn đó”
“Mỗi lần gọi điện mà họ cứ nghĩ như mình sang đây đi hốt tiền như hái lá mít”
“Khổ cả tháng lương góp vào chỉ để đủ tiền về nước thăm bố mẹ vì nhớ nhà. Làm như quà từ trên trời rơi xuống, chỉ việc ở nhà có tiền tiêu ý. Nghe mà muốn đấm nhau”
“Tốt nhất khỏi tặng, vật chất cao hơn tình nghĩa. Đi có ai tặng được cái gì mà đòi hỏi. Có lòng thì lời hỏi thăm nhau cũng quý giá”
Giấc ngủ vội của du học sinh
Du học sinh khi trở về, cái cần nhất là cảm giác của gia đình, là quây quần bên mâm cơm, là gặp lại chuyện trò với bạn bè, người thân; kể cho nhau nghe những câu chuyện nơi xứ mình, xứ người sau thời gian dài xa cách. Chỉ đơn giản vậy thôi!
Ai ơi, xin hãy để những trải nghiệm khi trở về của du học sinh được trọn vẹn.
Bởi họ đã mơ ước và mong ngóng ngày về biết bao nhiêu.
Bởi họ đã vất vả học tập làm việc bên xứ người như thế nào.
Họ xứng đáng được vui vẻ hạnh phúc khi trở về nhà và mọi món quà của họ đều đáng được trân trọng!
Đỗ Kiều/Tin Nhanh Online