Du học sinh đón Tết: “Năm ấy, cả nhà đã cùng nhau khóc qua mạng”

Cứ vào dịp này mỗi năm, người người nhà nhà lại nô nức sắm Tết, sẵn sàng đón một năm mới sum vầy bên gia đình. Thế nhưng có những người khác lại phải đón một cái Tết xa quê hương chẳng được trọn vẹn. Đó chính là du học sinh.

Tết Online chỉ xem được, nghe được chứ không chạm tới được

Những ngày tháng dài ròng rã học xa nhà của du học sinh bỗng trở nên đau thắt lại khi đến những ngày cận Tết. Không khí những ngày trước Tết ở Việt Nam không đâu có được. Sự hối hả lúc này khác hẳn sự hối hả của những ngày làm việc thường ngày, vì nó chất chứa cả sự háo hức của bọn trẻ nhỏ khi được nghỉ học và chuẩn bị nhận lì xì, niềm hân hoan của những người sắp được về quê ăn Tết, và đặc biệt là niềm hạnh phúc khi quây quần bên người thân tổng kết một năm đã qua, chuẩn bị hành trang cho năm mới sắp tới.

Du học sinh đón Tết: Năm ấy, cả nhà đã cùng nhau khóc qua mạng - Ảnh 1.

Trong khi đó, phần lớn nước trên thế giới không ăn Tết âm lịch nên khoảng thời gian này, khi chúng ta đang háo hức sắm Tết hay chuẩn bị những kế hoạch vui chơi cho kỳ nghỉ dài lại chính là những ngày đi học bình thường của các du học sinh. Họ lên mạng đọc báo thấy Tết, gọi điện về nhà thấy cây đào, cây mai thế nhưng chẳng cách nào chạm tới được. Và điều khiến họ thấy chạnh lòng nhất có lẽ chính là mất đi sự háo hức khi cùng bố đi sắm cây cảnh trang trí góc vườn nhỏ hay cùng mẹ làm bữa cơm tất niên quây quần bên gia đình. Không khí tất niên ấy chẳng cách nào cảm nhận được khi cách nhà hàng chục ngàn kilomet.

“Năm đầu tiên đón Tết qua Facetime, cả gia đình đã khóc qua mạng”

Bạn bè ở Việt Nam khi nhìn thấy cậu bạn du học của mình đăng những bức ảnh tổ chức gói bánh chưng và làm tiệc Tết ở nước ngoài, họ đều nói rằng: “Tết đông vui lại tự do, thích thế!”. Thực ra đón Tết với bạn bè vui thì vui đấy, nhưng không khí bên gia đình thì không bao giờ có được. Và cô đơn nhất chính là cái khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, khi pháo hoa bắn lên đầy hân hoan ở Việt Nam cuối cùng cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày hối hả khác ở chân trời xa. Khi những cô, cậu bé chỉ vừa qua tuổi trưởng thành gọi điện về chúc Tết gia đình – lúc ấy chắc hẳn phải trốn khỏi một lớp học nào đó – họ đã phải nén lại tất thảy sự xúc động trong tim mình.

Du học sinh đón Tết: Năm ấy, cả nhà đã cùng nhau khóc qua mạng - Ảnh 2.
Không chỉ là sự hụt hẫng của du học sinh mà ngay cả gia đình ở Việt Nam cũng xúc động vì mong nhớ và trống vắng trong khoảnh khắc đầu tiên đón năm mới. P.V.Hoàng – du học sinh Anh chia sẻ: “Năm nay khi mà mình đã về hẳn Việt Nam sau 6 năm đi học, bố mẹ mới kể lại rằng buổi tối Giao thừa đầu tiên không có mình ấy, họ đã không dám nhìn vào màn hình camera. Vì cứ càng nhìn thấy mình thì lại càng khóc, thật sự rất muốn ôm mình mà không được”.

Sự cô đơn càng được cảm nhận sâu sắc khi những thói quen bao năm nay cùng làm với gia đình ngày Tết bỗng dưng chỉ còn là kỷ niệm. Đêm 30 năm nào cô con gái nhỏ cũng ngồi cùng gia đình xem Táo Quân, điểm lại những sự kiện nóng hổi trong năm với tiếng cười giòn giã. Thế nhưng giờ lại chẳng còn nữa!

Du học sinh đón Tết: Năm ấy, cả nhà đã cùng nhau khóc qua mạng - Ảnh 3.
Thực tế bây giờ muốn xem Táo Quân ở Mỹ, Anh, hay bất kỳ nơi nào trên thế giới không hề khó, nhưng cái gây cười của Táo Quân đã mất đi 7 phần khi phải xem một mình, vào một buổi sáng nào đó khi cô du học sinh trống tiết học. Cảm giác ấy nó bức bách và gượng gạo hết sức, thậm chí cô còn phải đọc các bài báo kiểu như “Những câu nói thâm sâu ẩn ý của Táo Quân năm nay” để hiểu được sự buồn cười của món ăn tinh thần ấy vì đã lâu không ở Việt Nam, nhiều sự kiện chẳng biết được.

Nhưng dù sao, “Tết vẫn là Tết”

“Dù không ở nhà nhưng mình vẫn có cảm giác vui vẻ và háo hức đón Tết như mọi người ở nhà. Mình vẫn duy trì những hoạt động ngày Tết như dọn dẹp nhà cửa, lì xì các bạn Việt Nam ở đây và đương nhiên Giao thừa sẽ gọi điện về chúc Tết người thân rồi! Điều tiếc nuối nhất có lẽ là không được nhận lì xì như mọi năm thôi”. Lời chia sẻ của Vlogger Thảo Nguyên cho chúng ta thấy rằng, dù có ở đâu thì Tết vẫn là một phần thói quen mãi ở trong trái tim mỗi người Việt chúng ta.

Du học sinh đón Tết: Năm ấy, cả nhà đã cùng nhau khóc qua mạng - Ảnh 5.
Khi nhiều người nói rằng, giờ Tết đã “nhạt” đi nhiều thì vì có lẽ họ chưa từng trải qua những cái Tết đầu tiên. Như các du học sinh với cái Tết đầu tiên xa nhà, hay những cô gái trưởng thành với cái Tết đầu tiên làm dâu, và đặc biệt nhất có lẽ là cái Tết đầu tiên được làm cha mẹ… chính là những cái Tết đánh dấu một trang mới trong cuộc đời họ. Mỗi chúng ta ai cũng sẽ trải qua những dấu mốc “Cái Tết đầu tiên” ấy, bước vào một vai trò mới, một hoàn cảnh thử thách mới thì chúng ta sẽ nhận ra rằng “Tết thực ra vẫn mãi là Tết vì cảm xúc hân hoan, vui vẻ và ấm cúng vẫn luôn như vậy!”.