Du học sinh người Việt băn khoăn việc ở lại hay trở về
Cuộc sống của một du học sinh không chỉ thay đổi về môi trường học tập, mà còn là thay đổi trong chính cách nhìn nhận về tương lai. Nhiều người thường chỉ thấy bề nổi mà lầm tưởng rằng cuộc sống du học thật dễ dàng. Vậy thực sự du học sinh đã phải trải qua những gì ở xứ người, liệu họ sẽ lựa chọn ở lại hay về nước?
Cuộc sống du học sinh không chỉ có màu hồng
Nhắc tới du học, nhiều người nghĩ đến cuộc sống sung sướng, sớm được thoát khỏi cảnh nghèo khó ở quê nhà. Nhưng phải qua lời kể của các bạn sinh viên đang học tập và làm việc ở nước ngoài, bức tranh về cuộc sống du học sinh mới thực sự được lột tả.
“Cuộc sống xa gia đình đã vất vả, cuộc sống du học lại càng vất vả hơn. Những ngày đầu sang đây, mình khá stress vì chưa quen môi trường, học tập và công việc đều khiến mình mệt mỏi. Nhiều lần mình kiệt sức và muốn từ bỏ tất cả để trở về quê hương” – Lê Khắc Hoàng (du học sinh khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Sogang, Hàn Quốc) chia sẻ.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, cuộc sống của du học sinh đã gặp nhiều khó khăn. Trong khoảng thời gian này, đã không ít bạn trẻ từ bỏ để về nước vì khó khăn kinh tế, áp lực với cuộc sống đè nặng lên đôi vai.
“Trong khoảng thời gian du học, mình làm phiên dịch viên cho bộ giao lưu quốc tế thành phố Osaka. Mức lương tùy vào lượng công việc, đủ để trang trải sinh hoạt hàng tháng.
Sang năm 2021, chúng mình phải học online. Cảm giác là du học sinh nhưng chỉ học ở nhà, tiền sinh hoạt phí tăng cao, lương làm thêm thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh thật sự không hề giống “thiên đường” một chút nào” – Lê Thị Thuỳ Dung (sinh viên ngành Kinh tế, trường Đại học KANSAI, Nhật Bản) tâm sự.
Chia sẻ quá trình sinh sống, học tập tại nước ngoài, Phan Bá Gia Bảo – sinh viên ngành Bảo mật và công nghệ thông tin tại Viện khoa học ứng dụng quốc gia Pháp kể lại:
“Với mình, khó khăn lớn nhất tới từ sự khác biệt văn hóa và môi trường giáo dục. Mình đã phải mất thời gian dài để có thể bắt nhịp và quen với cuộc sống, học tập nơi đây.
Có lần, vì nộp bài muộn mà mình bị điểm 0, những tháng ngày sau đó mình đã phải cố gắng rất nhiều để kéo điểm. Thực sự đấy là bài học đắt giá với mình”.
Bảo cũng quan điểm rằng, con đường du học có màu hồng hay không phụ thuộc vào chính bản thân du học sinh. Mỗi người đều phải trau dồi khả năng ngôn ngữ, năng lực thích nghi và giao tiếp với đất nước của họ.
Ở lại hay trở về?
Ở lại hay trở về là câu hỏi khiến nhiều du học sinh trăn trở mỗi khi nghĩ đến quê nhà. Nhiều du học sinh lựa chọn trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học. Nhưng cũng không ít người lựa chọn định cư ở nước ngoài để phát triển sự nghiệp.
Với Gia Bảo, sau khi tốt nghiệp, em sẽ tìm công việc phù hợp với chuyên ngành đang học, làm việc ở Pháp một thời gian ngắn rồi quay về nước lập nghiệp.
“Hiện tại mình không có ý muốn định cư ở nước ngoài. Đối với mình, ở lại không hẳn là thiên đường nhưng trở về chắc chắn là thiên đường. Bởi trở về sẽ có gia đình, bạn bè, mình sẽ được sống và làm việc cống hiến cho tổ quốc mình”.
Cùng định hướng, Thùy Dung mong muốn sẽ quay trở về làm việc cho công ty liên doanh của Nhật có trụ sở tại Việt Nam sau khi trau dồi đủ kiến thức, kinh nghiệm ở đất nước Nhật Bản.
Trái lại, Khắc Hoàng cho rằng, trưởng thành ở đất nước không phải nơi mình lớn lên là một thách thức, nhưng anh chàng 22 tuổi này sẽ dấn thân tới cùng. Hoàng hiện là giám đốc thương hiệu của một công ty về du học và du lịch tại Hàn Quốc.
“Mình luôn tâm niệm rằng, dù ở đâu cũng phải mang trong mình trái tim của con người Việt Nam, dù làm gì cũng đều phải hướng đến mục tiêu cống hiến cho đất nước Việt Nam. Và mình lựa chọn ở lại nước bạn phát triển sự nghiệp để giúp đỡ những bạn trẻ Việt Nam có ước mơ du học tại Hàn Quốc” – Hoàng nói.