Du học sinh : Sống thử xem sao , hợp thì về nước cưới , không hợp thì chia tay
Sống thử ngày nay không còn là một khái niệm gì xa lạ trong xã hội hiện đại và nó càng phổ biến hơn trong giới du học sinh , nếu trong thời gian du học sống thử hòa hợp thì về nước cưới , còn không thì chia tay luôn thì sẽ đỡ khổ về sau .
Sẽ không có gì là bất ngờ khi bạn đi nước ngoài và gặp cảnh một cặp đôi trai gái ở chung một nhà với nhau, họ đến từ mọi nền văn hóa, với mọi thành phần trong xã hội và du học sinh cũng không phải là một ngoại lệ. Người ta gọi đó là “sống thử” mà thực ra cũng không phải “thử” cho lắm bởi cơ bản khi bạn sống chung với một người khác giới trong cùng một nhà giống như một cặp đôi thực sự thì mọi vấn đề trong gia đình như việc nhà cửa, chi tiêu, tình cảm đều thuộc vào trách nhiệm của bạn.
Ngoài việc chăm sóc cho chính bản thân mình ra thì bạn còn phải chăm lo cho cả người sống cùng bạn nữa, và điều này khiến cho việc “sống thử” không khác gì một cuộc hôn nhân thật nhưng chỉ có điều là bạn không có tờ giấy đăng ký kết hôn mà thôi.
Ở nước ngoài sống thử là một việc xảy ra như cơm bữa, họ thích nhau, mến nhau thì họ sẽ chuyển về sống cùng nhau, để có thể tìm hiểu về nhau nhiều hơn nữa. Đối với du học sinh nói chung và bản thân các bạn du học sinh Việt Nam nói riêng thì việc “sống thử” này cũng không có gì lạ, các bạn sống thử với nhau vì rất nhiều lý do, vì có lẽ thiếu thốn tình cảm, muốn tìm hiểu nhau, tiết kiệm những chi phí sinh hoạt, hay muốn trải nghiệm xem hôn nhân thì sẽ ra sao… và bởi lý do nào đi chăng nữa thì hiện nay sống thử vẫn nhận được sự ủng hộ hoàn toàn, vì đơn giản, du học là quãng thời gian bạn được tự do nhất và hầu như mọi quyết định trong cuộc sống bạn đều có quyền làm chủ.
1. Kinh nghiệm sống
Sẽ ra sao nếu bạn bắt đầu một cuộc sống hôn nhân của đời mình với một người mà bạn không hiểu rõ, khi bắt đầu chuyển từ “trạng thái” hẹn hò cho đến “trạng thái” hôn nhân thì bạn sẽ phải đối mặt với những khác biệt rất lớn, bởi hẹn hò và hôn nhân là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Khi hẹn hò bạn sẽ chải chuốt hơn, số thời gian bạn gặp nhau cũng ít hơn và những vấn đề xung đột giữa hai người xảy ra cũng chỉ nhỏ nhặt và lẻ tẻ và đa phần là chuyện trẻ con của hai người.
Cùng chia sẻ với nhau những công việc hàng ngày như nấu ăn.
Đối với các bạn du học sinh thì “sống thử” lại càng giúp ích cho các bạn có thêm nhiều kiến thức sống bởi khi bạn sống thử với nửa còn lại, hai bạn sẽ học được cách làm sao để quan tâm và chăm lo đến người khác nhiều. Đa phần du học sinh đều là những bạn phải sống xa nhà và không có được nhiều sự quan tâm và chăm sóc của người thân, cùng với đó, hai người có thể giúp đỡ nhau trong rất nhiều việc như san sẻ chi phí sinh hoạt mà cụ thể nhất là tiền thuê nhà, tiền ăn uống, công việc nhà cửa, bếp núc. Các bạn cũng có thể chia sẻ với nhau về chuyện học tập, chuyện hội nhóm… bất kỳ chuyện gì mà hai bạn có thể chia sẻ được với nhau, đối với du học sinh thì điều này lại càng cần thiết khi bạn có một người sẵn sàng nghe những chia sẻ của bản thân với đầy đủ sự thấu hiểu và yêu thương.
2. Tính cách mỗi người
Và bởi chính sự chia sẻ cuộc sống du học một cách toàn diện và chạm mặt nhau mỗi ngày nên dần dần bạn có thể thấy rõ được tính cách nửa kia của bạn để bạn có thể quyết định xem liệu hai người có thực sự hợp nhau hay không. Mọi người khi yêu nhau đều có thể nói cũng như hứa rằng họ sẽ luôn chăm sóc, quan tâm cũng như trở thành một người đàn ông/phụ nữ hoàn hảo của người còn lại, nhưng sự thật có phải vậy hay không thì cần phải được “thử lửa” bởi những tình huống cũng như thử thách thực sự. Mình có thể đảm bảo với các bạn rằng sau mỗi lần sống thử thì khả năng đọc tính cách của nửa còn lại của các bạn sẽ được cải thiện một cách đáng kể.
Hãy kìm chế cái tôi lại để có thể gần nhau hơn.
Cùng với đó thì cuộc sống du học sinh luôn có đầy rẫy những khó khăn từ việc học hành, kiếm tiền cùng với nhiều áp lực khác, khi sống cùng với một ai đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải học cách nhường nhịn, hiểu những áp lực của người kia của mình nhiều hơn, không chỉ những vấn đề của mình mà còn của người khác nữa, ai cũng có cái tôi, cái cá nhân rất lớn của mình nhưng khi đã về một nhà thì chúng ta cần phải học cách kiềm chế cái tôi lại để có thể chấp nhận nhau dễ dàng hơn, thấu hiểu nhau hơn, và để trở nên hạnh phúc hơn.
3. Những định kiến và dị nghị
Ở Việt Nam tuy việc sống thử không còn là một cái gì đó mới mẻ, nhưng vẫn còn rất nhiều gia đình phản đối việc con cái của mình sống thử với một người khác giới khác khi chưa thực sự kết hôn. Điều này có thể đến từ văn hóa Á Đông của chúng ta nhưng nó vô hình trung gây tác hại cũng như hạn chế sự hiểu biết về hôn nhân bởi khi thiếu những kiến thức hôn nhân nhất định thì việc gây hiểu nhầm cũng như xảy ra xung đột trong hôn nhân là rất lớn, và nó gây ra hậu quả là những cuộc hôn nhân chóng vánh trong một khoảng thời gian ngắn.
Khi bạn đã đủ sẵn sàng, hôn nhân không còn là một thứ gì đó xa vời nữa.
Vượt qua những định kiến và dị nghị thì “sống thử” vẫn là một trải nghiệm nên có đối với các bạn trẻ đặc biệt là với các bạn du học sinh và đương nhiên để thực sự tự tin cho việc sống thử thì bạn cũng nên cần có một cơ số kiến thức cơ bản về tình dục, cuộc sống, cách quan tâm đến người khác và nhiều vấn đề khác. Và để chắc chắn mình đã sẵn sàng để sống thử thì bạn cần phải tự lo cho bản thân trước rồi mới có thể lo lắng cho nửa còn lại được.
Sống thử là một bài kiểm tra hợp lý để bạn có thể biết được cuộc sống hôn nhân sẽ như thế nào, và bạn đã sẵn sàng cho hôn nhân hay chưa trước khi bạn thực sự bước vào cuộc hành trình lớn nhất của đời mình. Bởi kể cả khi bạn có khả năng tự lo, độc lập trong cuộc sống của một du học sinh thì liệu có bao nhiêu bạn tự tin rằng mình sẽ hạnh phúc trong hôn nhân nếu như không có những trải nghiệm thực tế từ việc sống thử?