Du học sinh và nỗi niềm dịp Tết: “Mấy hôm Tết cận kề, đi ngoài đường cứ vừa tủi vừa khóc…”
Với mọi người Tết đã đến gần, nhưng với các du học sinh Việt, Tết cách xa ngàn cây số!
Những ngày này, có lẽ mọi người ai ai cũng đã về cạnh bên gia đình của mình, háo hức cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc, chuẩn bị cho một cái Tết rộn ràng sắp tới. Tết cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quay quần bên nhau, sẻ chia những vui buồn trong suốt một năm vừa qua và kì vọng cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
Đây là dịp mà những sinh viên, những người con xa nhà thích nhất, bởi sau 1 năm học tập, làm việc vất vả, cuối cùng họ cũng được trở về nhà, cạnh bố mẹ người thân và cảm nhận được trọn vẹn hơi ấm gia đình.
Thế nhưng, vẫn còn đó những du học sinh ở khắp nên trên thế giới không có được cái may mắn đó. Trong cái không khí đón xuân về, trong lòng những du học sinh lại dâng lên những cảm xúc vui buồn khó tả, ai ai cũng mong muốn về nhà đoàn tụ cùng với gia đình nhưng đành phải nén nỗi nhớ ấy vào tim. Vì điều kiện không cho phép, vì đường xá xa xôi cách trở mà họ không thể trở về Việt Nam đón Tết, thậm chí nhiều người đã nhiều năm nay chưa được trở về quê hương.
Mấy hôm Tết cận kề, đi ngoài đường cứ vừa tủi vừa khóc…
Mới đây, dòng tâm sự của cô bạn du học sinh có nickname Trang Tồ (đang du học tại Pháp), về nỗi niềm ngày Tết của những người con xa xứ được đăng tải trên một hội nhóm Facebook đã nhận được nhiều sự đồng cảm từ phía cộng đồng mạng, bởi với mọi người Tết đã đến gần, nhưng với các du học sinh Tết cách xa ngàn cây số.
“Bây giờ bên tớ là 12 rưỡi đêm, tớ vừa đi làm về. Du học sinh mà, đi học đi làm là hết nguyên một ngày rồi.
Không biết hội anh chị em du học như thế nào chứ mấy hôm Tết cận kề như này, tớ đi ngoài đường cứ vừa tủi vừa khóc. Cơ bản đây là lần đầu tiên tớ ăn tết xa nhà, cái sự đầu tiên luôn là sự khó khăn nhất. Nhớ mùi Tết thật sự… Khi đi xa mới thấy gia đình đáng quý như thế nào.
Hôm nay gọi về nhà cũng là lần đầu tớ khóc với bố kể từ ngày sang đây. Bố tớ không đủ can đảm nhìn tớ khóc nên đã tắt luôn camera, bảo tớ là đừng làm bố buồn thêm. Nhìn tớ khóc mà bố không muốn đến tết nữa, chỉ mong lúc nào gọi tớ cũng khoẻ mạnh tươi cười thui. Sang đây, khó khăn hay mệt thậm chí kể cả đi làm vất vả tớ cũng luôn bảo rằng mình ổn, đơn giản vì tớ nghĩ mình lớn rồi, sau này còn nghìn thứ chuyện mệt mỏi hơn nữa. Cũng phải công nhận một điều rằng, du học thực sự dạy con người ta trưởng thành, tự lập tự lớn và tự học cách chấp nhận nữa…
Vâng môt cái Tết không có gì, vẫn học vẫn làm và vẫn phải cố gắng thôi!”.
Dòng tâm sự gây bão của cô bạn du học sinh Pháp có nickname Trang Tồ. Ảnh: FBNV.
Du học là vậy, phải chấp nhận mọi khó khăn để đổi lấy một tương lai rực rỡ phía trước
Sau khi câu chuyện được đăng tải, bài viết đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, hàng loạt bình luận bày tỏ sự đồng cảm với các du học sinh.
“Năm ngoái cũng là năm đầu tiên mình ăn Tết xa nhà giống cậu. Mình thì không đi làm nên mấy ngày Tết chỉ order đồ trên mạng cái bánh chưng, rồi cặp giò thủ, giò lụa cho có không khí và được ăn món ăn ngày Tết. Thế mà lúc nhận được hàng, cầm trên tay cái bánh mà ở nhà khéo mẹ bảo mãi mới cắn được đôi ba miếng, là khóc mãi không ngừng. Mà cũng chẳng dám khóc to, chỉ dám rưng rức thôi vì nhà trọ ở chung đông người. Đêm 30 gọi điện về cho mẹ, mẹ bảo facetime đi lại nói dối là mạng yếu, thật ra đang nhớ cả nhà nhiều quá sợ nhìn thấy thì lại oà lên. Mà như thế thì mẹ lại lo, nên không được…”, cô bạn Lan Hương – du học sinh Hàn Quốc chia sẻ.
“Cố lên nha, mình cũng cùng cảnh ngộ này. Lần đầu ăn Tết xa nhà, lướt Facebook, xem phim hay làm gì cũng thấy Tết, tủi thân rồi cũng khóc. Mẹ thì cứ an ủi mình năm này mẹ thấy Tết bình thường à không có gì rộn ràng hết, ráng học hành đừng suy nghĩ gì hết. Suy nghĩ lại thì du học thì do mình lựa chọn nên phải chấp nhận”, bạn Hoài Nhung bình luận.
Du học là vậy, phải chấp nhận mọi khó khăn để đổi lấy một tương lai rực rỡ phía trước. Tất cả chỉ là cảm xúc thoáng qua trong vài ngày dịp Tết, rồi nó sẽ trôi qua nhanh chóng mà thôi, bởi cảm xúc bùi ngùi sẽ phải tạm gác sang một bên, nhường chỗ cho những lo toan cuộc sống, áp lực kinh tế, học tập…
Công Hiếu/Helino