Du học sinh Việt sống trong vòng phong tỏa ở Italy
Một tuần sống trong lệnh phong tỏa, Lý Dật Thụ, sinh viên Đại học Rome, vẫn đi chợ, chạy bộ và lắng nghe người dân Italy hát động viên nhau trong đại dịch Covid-19 chủng mới.
Tối 9/3, ngay sau khi Italy ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc, Lý Dật Thụ, 26 tuổi, sinh viên ngành Bác sĩ Y khoa, Đại học Rome, chứng kiến cảnh nhiều nhóm người xếp hàng dài tại cửa hàng thực phẩm mua đồ tích trữ. Theo sắc lệnh, chính phủ hạn chế di chuyển trên toàn quốc, yêu cầu người dân ở trong nhà đến ngày 3/4, trừ trường hợp đi mua đồ thiết yếu, đi làm và đi khám bệnh.
Trước đó Chính phủ Italy ra thông báo phong tỏa vùng Lombardy cùng 14 tỉnh thuộc các vùng phía bắc bao gồm Emilia Romagna, Marche, Veneto và Piedmont. Thụ biết tin nhưng không quá chú tâm vì sống tại thủ đô Rome, nằm ở miền Trung đất nước, nơi chưa có trường hợp nào tử vong và chỉ ghi nhận 17 ca nhiễm nCoV. Lệnh phong tỏa toàn quốc khiến anh không bất ngờ vì Thủ tướng Giuseppe Conte từng nhiều lần đề cập trên báo chí.
Sáng 10/3, Thụ gọi điện cho bố mẹ để cập nhật tình hình. Vì gia đình có người làm trong ngành y, hiểu về dịch tễ nên không giục anh về nước. Bố mẹ nhắc nhở Thụ hạn chế ra đường, đeo khẩu trang, ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin C. Nhiều sinh viên Việt Nam trước đó đã đặt vé về nước nhưng Thụ vẫn trụ lại vì “không muốn gây ảnh hưởng đến cộng đồng và cuộc sống tại thủ đô chưa bị xáo trộn”.
Đấu trường La Mã (Colosseum), thủ đô Rome, vắng bóng người trong buổi sáng đầu tiên sau lệnh phong tỏa. Ảnh: Lý Dật Thụ.
Sau cuộc điện thoại, anh đi chợ châu Á, cách khu trọ khoảng một tiếng nếu đi tàu điện ngầm, không quên in phiếu khai báo thông tin, nếu gặp người kiểm tra thì xuất trình. Đi qua đấu trường La Mã (Colosseum), một trong những địa danh thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới, anh ngạc nhiên trước cảnh tĩnh lặng hiếm có. Đối với chàng du học sinh, đây là khung cảnh “nghìn năm mới có một lần” bởi thường ngày nơi đây tầng tầng lớp lớp du khách.
Chợ châu Á nằm ở khu người Hoa tại quận 1, các gian hàng vẫn đầy ắp thực phẩm, giá không thay đổi. Người dân bình tĩnh xếp hàng, đứng cách nhau một mét ngoài cổng chợ. Bên trong, mọi người khó giữ được quy tắc khoảng cách, đa số đeo khẩu trang, người bán hàng đeo thêm găng tay. Yêu thích rau củ tươi xanh như mồng tơi, bầu bí nên Thụ không mua nhiều đồ tích trữ, dự định mỗi tuần đi chợ 1-2 lần như bình thường.
Hai năm sống tại thủ đô Rome, Thụ đã quen với tình trạng đông đúc trên tàu điện ngầm, nhưng bây giờ mọi thứ đã khác. “Mỗi người ngồi trên một băng ghế, những ai vào sau khi thấy các băng ghế xung quanh đã có người ngồi thì lựa chọn chỗ đứng cách xa. Cảnh này trái ngược với trước đây, hầu hết ghế kín chỗ, chỉ cần một khoảng trống là có người ngồi lấp vào ngay”, Thụ kể và cho hay đường phố không còn tắc vào giờ cao điểm.
Italy quyết định đóng cửa toàn bộ trường học toàn quốc ở mọi cấp, từ mầm non cho đến đại học từ ngày 5/3. Đối với Thụ, đây là quyết định ảnh hưởng nhiều nhất bởi anh dành gần 12 tiếng mỗi ngày cho việc đi học. Lịch học của sinh viên y khoa bắt đầu từ 9h sáng đến 5h chiều, đôi khi là đến 8h tối, từ học lý thuyết trên giảng đường, phòng lab và thực hành tại Bệnh viện đa khoa Rome.
Hiện tại, Đại học Rome đã chuyển sang dạy trực tuyến trên hệ thống eLearning. Sinh viên nghe giảng trực tiếp hoặc tải video bài học về máy. Riêng Thụ quyết định kết hợp cả hai cách để hiểu bài kỹ càng hơn. Lịch học trực tuyến không khác với lịch học truyền thống. Ở mỗi tiết, giáo sư sẽ cho giải lao 5-10 phút. Chỗ nào không hiểu, sinh viên có thể trao đổi với giáo sư. Giờ học kết thúc, video bài giảng sẽ được lưu trữ trên trang web để sinh viên tìm ôn luyện.
Một tuần cách ly, Thụ được ngủ đủ giấc hơn. Ngày thường, anh phải dậy từ 6h sáng để sửa soạn, sau đó bắt phương tiện công cộng mất hơn một tiếng đến trường. Giờ đây, cứ cách ngày, chàng trai người Việt sẽ ra ngoài đi dạo phố xung quanh 1-2 tiếng để vận động cơ thể, tranh thủ ngắm nhìn khung cảnh hoài cổ của thủ đô Rome. Khi ra đường, Thụ đeo khẩu trang vải, mang theo dung dịch xà phòng, duy trì khoảng cách trên một mét với mọi người xung quanh.
Nếu gặp người quen, thay vì ôm, thơm má như trước đây, anh gửi lời chào bằng cách gật đầu hoặc vẫy tay. Gặp vòi phun nước, anh dừng lại rửa tay trên 30 giây rồi tiếp tục di chuyển. Về nhà, Thụ đem bỏ khẩu trang vào nồi nước đang sôi trong 5 phút để khử trùng, đem phơi khô nhanh. Mỗi tối, anh chủ yếu dành thời gian xem lại video bài học để ôn tập kiến thức.
Chợ châu Á tại thủ đô Rome, đầy ắp thực phẩm ngày 10/3. Ảnh: Lý Dật Thụ.
3h chiều 16/3, khi đang tự học, Thụ bỗng nghe thấy giai điệu của bài hát “Ma il cielo è sempre più blu” (Trời vẫn mãi xanh màu xanh thiên thanh). Anh tạm gác việc học sang một bên, chạy ra ban công hòa chung không khí náo nhiệt với người dân Italy. Từ phòng trọ nhỏ ở trung tâm Rome, Thụ nhìn thấy hai vợ chồng người bản ngữ ở nhà bên cạnh đang đứng ngoài ban công, giơ cao lá cờ Italy. Ở góc đối diện, một thanh niên ngoài 30 tuổi mang theo xoong chảo ra cổ vũ, không tỏ ra xấu hổ dù lỡ hát trật nhịp.
Từ ba ngày nay, vào khung giờ nhất định, người dân Italy đổ ra ban công hát vang những bài hát vui tươi thay lời động viên nhau giữ tinh thần lạc quan, cảm ơn nhân viên y tế đã vất vả chiến đấu trong giai đoạn khó khăn. “Dù thế nào đi chăng nữa, dù biến động gì đi chăng nữa, bầu trời vẫn mãi xanh màu xanh thiên thanh”. Lời bài hát cùng tinh thần lạc quan của người bản xứ khiến Thụ xúc động. Khẽ nhẩm theo lời bài hát, anh hy vọng về một ngày mai Italy không còn ca nhiễm Covid-19, trả lại cuộc sống tấp nập vốn có cho quốc gia này.
Nhìn lại một tuần sống trong lệnh phong tỏa, Nguyễn Hà Thu, sinh viên Đại học Ca’Foscari, thành phố Venice, dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân thay vì bận rộn với việc học tập. Thành phố Venice nằm trong vùng đỏ, tâm dịch Covid-19, nên trước khi có lệnh phong tỏa lần một, Thu và ba người bạn cùng phòng đã mua thực phẩm dự trữ trong một tháng gồm mỳ Ý, trứng, salad, thịt hộp.
Hầu hết cửa hàng châu Á trong thành phố đã đóng cửa và không thông báo mở lại khi nào. Siêu thị của người Italy vẫn hoạt động bình thường. Nhân viên siêu thị đeo khẩu trang, găng tay, ngoài quầy thanh toán còn có nước rửa tay. “Bây giờ có trang web đi chợ trực tuyến, đầy đủ nhu yếu phẩm nên dù có hết đồ cũng không cần ra đường, gọi ship là có ngay”, Thu nói, tin tưởng các biện pháp phòng dịch của chính phủ Italy sẽ sớm thành công.
Trong thời gian cách ly, dù bạn cùng phòng thức dậy muộn hơn ngày thường, Thu vẫn dậy đúng giờ. Thay vì ra đường chạy bộ theo thói quen, cô mở cửa sổ đón ánh nắng, mở điện thoại vào các trang báo theo dõi tình hình Covid-19. Xem khoảng 20 phút, Thu vào bếp chuẩn bị bữa sáng. Những ngày dịch, bữa sáng của bốn cô gái người Việt có thêm nước cam vắt để bổ sung vitamin C, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Sau khi ăn sáng, bốn cô gái chọn bốn góc riêng trong căn phòng 40 m2 để tự học. Học kỳ của Thu đã kết thúc vào cuối tháng 2. Cô đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ nhưng do nghỉ học, giáo sư đã chuyển thi trực tiếp sang làm báo cáo hết môn. Vì vậy, mỗi ngày Thu dành 5-6 tiếng làm báo cáo. 12h trưa, trong phòng trọ lẫn ngoài đường đều tĩnh lặng, không còn âm thanh huyên náo như ngày thường khiến Thu cảm thấy uể oải, thầm mong Venice sớm trở lại dáng vẻ trước đây.
Thành phố Venice, vùng Veneto, một trong những tâm dịch tại Italy, thưa thớt khách du lịch ngày 10/3. Ảnh: Nguyễn Hà Thu.
Rảnh rỗi, Thu và ba bạn cùng phòng tập Yoga, tập thiền hoặc đọc sách để thư giãn đầu óc, gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực. Lúc tập mệt, bốn người quây quần bên chiếc máy tính xách tay của Thu để xem phim. Cả nhóm đều thích series The Good Place từ lâu nhưng chưa có thời gian nên tranh thủ dịp này cùng nhau thưởng thức. Bốn cô gái còn rán bánh bột mì và nổ bỏng ngô ăn vặt.
Cuối tháng 3 là sinh nhật Thu. Bạn bè trong phòng vốn dự định tham quan thành phố Milan, nhưng đành hủy. Tuy vậy, Thu không lấy làm tiếc nuối mà cho rằng sinh nhật lần thứ 23 sẽ là trải nghiệm không bao giờ quên. Sau này, mỗi lần đến ngày sinh nhật, Thu chắc chắn sẽ nhớ về quãng thời gian sống trong vòng phong tỏa tại tâm dịch Italy bên cạnh ba người bạn thân thiết.
“Có thể thế giới nghĩ rằng đời sống người dân Italy đang đảo lộn, nhưng ngoài việc thưa thớt người qua lại, Italy vẫn không khác ngày thường là bao. Mình cố gắng ghi nhớ từng khoảnh khắc trong thời gian này bởi biết đâu sẽ rất lâu nữa Italy mới lại có dáng vẻ tĩnh lặng như vậy”, Thu nói.
Phạm Hùng Vương, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Italy, thông tin số du học sinh Việt Nam tại quốc gia này gần 700. Từ khi dịch khởi phát, khoảng 120 sinh viên đã về nước. “Đến nay, Italy chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV là công dân hoặc sinh viên Việt Nam”, Vương cho hay.
Từ khi Italy công bố ca nhiễm nCoV đầu tiên, Đại sứ quán và Hội sinh viên đã thành lập đường dây nóng để hỗ trợ công dân Việt Nam tại Italy cũng như sinh viên đang theo học. Hội sinh viên thường xuyên cập nhật thông tin từ đại sứ quán, dịch văn bản khuyến cáo, hướng dẫn từ tiếng Italy sang tiếng Việt để phổ biến tới các thành viên.
Đối với những sinh viên muốn về nước, Hội sinh viên thường cập nhật thông tin về hướng dẫn đi lại, quy định mới của các hãng hàng không, giữ liên lạc với các bạn đã về nước hoặc đang trong giai đoạn cách ly để nắm bắt tình hình tại Việt Nam. “Các bạn có dự định về nước nên cập nhật, kiểm tra thông tin về yêu cầu xuất nhập cảnh, chứng nhận y tế của hãng hàng không. Khi về tới Việt Nam, cần khai báo y tế, thực hiện cách ly đúng quy định”, Vương khuyến cáo.
Đến hôm nay, Italy ghi nhận thêm 3.233 trường hợp dương tính nCoV mới trong một ngày, nâng số ca nhiễm lên 27.980, trong đó 2.158 người chết. Quốc gia này có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, sau Trung Quốc đại lục, hầu hết ở khu vực phía bắc Italy, gồm các vùng Lombardy, Veneto và Emilia Romagna.
Tú Anh