Đừng nghĩ đến du học nếu như bạn chưa thể tự mình vượt qua nỗi cô đơn

Cách đây không lâu, mình có nhận được một câu hỏi rằng ngoài áp lực về việc học tập tại một môi trường mới thì du học còn có gì “đáng sợ” nữa hay không? Câu trả lời là Có, thứ đáng sợ nhất đôi khi lại không đến từ môi trường bên ngoài mà lại xuất phát hay mọc rễ từ bên trong mỗi người. Đó là sự cô đơn.

Image result for cô đơn du học

Mình đã từng biết những câu chuyện về các bạn sinh viên vốn là những người trẻ năng động, mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết đầy ước mơ hoài bão, nhưng chỉ sau vài tháng ở nước bạn đã mang nhiều tâm sự buồn bã, cảm thấy lạc lõng giữa nơi đất khách, lạc lối và hoài nghi chính con đường mình đã chọn và đương nhiên cạn dần trong mình những lý tưởng, có bạn đã từ bỏ giữa chừng và trở lại quê hương. Nếu bạn đang tham khảo những con đường để ra khơi, hãy chắc chắn một điều, đó là bạn đã sẵn sàng để đối diện với sự cô đơn, một điều rất thật từ bên trong bạn có thể đánh bật bạn ra khỏi chặng đường mơ ước. Cũng giống như những chuyện phức tạp khác, nếu bạn vượt qua được nó thì thật tuyệt, nhưng trước tiên, hãy thật hiểu về nó để có thể chủ động nắm bắt và xử lý nó.

CÔ ĐƠN ĐẾN TỪ ĐÂU?

Cảm giác đầu tiên khi bước xuống sân bay mà tới giờ mình vẫn còn nhớ như in đó là cảm giác gai gai khó tả, nửa háo hức nửa lo lắng vì chỉ hít thở thôi cũng thấy môi trường ở đây hoàn-toàn-khác so với Việt Nam. Bạn cứ tưởng tượng đi nhưng thực tế còn sống động hơn nhiều. Một thành phố mới, không-một-ai-biết-mình. Một thành phố mà tất thảy dùng một ngôn ngữ khác, một lối sống khác, tập tục khác, một lối tư duy cực kỳ khác… Cảm giác lẻ loi, cô đơn có thể không xâm chiếm mình ngay từ những phút giây đầu tiên, nhưng sau khi ổn định cuộc sống khoảng một tháng sau đó, sự cô đơn hay lẻ loi sẽ đến gõ cửa.

Image result for cô đơn du học

Cô đơn đến từ sự tự ti về ngoại ngữ. Học ngoại ngữ hay sợ nói sai, suốt bao nhiêu năm mình vẫn ôm nỗi sợ như thế. Và nói thật, mình mang cả sự tự ti đó sang đây. Nhiều khi gặp một tình huống nào đó, định mở lời mà sợ mình nói sai nói hớ lại thôi, thu lu vào… Cảm giác rất bất lực. Các mối quan hệ xã hội phần nào không có được nhiều vì sự tự tin trong ngôn ngữ.

Nhưng không chỉ có thế, có nhiều bạn ngoại ngữ khá nhưng cũng cảm thấy sự khác biệt rất sâu sắc với người bản xứ, bởi những bạn đấy lại gặp một trở ngại khác: đó là sự khác biệt về văn hóa. Ở phương Tây họ sống lối sống đề cao chủ nghĩa cá nhân, hình ảnh những người bạn nước ngoài ăn cơm một mình, du lịch một mình trở nên rất bình thường. Có thời gian rảnh các bạn chỉ muốn được ở một mình, enjoy những hoạt động thư giãn, làm tốt cho bản thân về sức khoẻ, làm phong phú đời sống tinh thần như nghe nhạc, đọc sách hay một thú vui cá nhân nào đó.

Còn chúng ta thì ngược lại, sống trong cái nôi của văn hoá châu Á, muốn được sinh hoạt trong một cộng đồng, nên sẽ thấy khó xử nếu như mình mở lời mà không được hồi đáp một cách nhiệt tình. Dần dà cũng khiến các bạn trở nên ít cởi mở dần, sống lầm lũi hơn. Có thể các bạn hiện không để ý đâu, nhưng chúng ta ai cũng có ít nhất một vài người bạn, người thân để chia sẻ rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Còn khi sang nước khác, luôn luôn chỉ có một mình bạn thôi. Cô đơn không? Cô đơn còn đến cả khi lững thững bước đi giữa những đường phố hàng trăm năm tuổi của họ, nghĩ về những người thân thiết ở Việt Nam nhưng không nỡ đánh thức họ bằng một cuộc gọi hay tin nhắn, vì lệch múi giờ, vì biết họ cũng bận lo toan với cuộc sống gấp gáp ở một thành phố đang-phát-triển.

Nếu bạn không phải là người theo chủ nghĩa cá nhân như các bạn phương Tây, bạn sẽ có cảm giác cực kỳ lẻ loi. Và càng thu mình lại, các bạn du học sinh càng có tâm lý nhớ nhà, nhớ gia đình và bạn bè nhưng lại không thể quay về, điều đó có khả năng tạo cho các bạn cảm giác thực sự muốn bỏ cuộc. Những áp lực mà gia đình và người thân tạo ra (ví dụ như những câu hỏi rất đơn giản như: Đã có thêm được nhiều bạn mới chưa? Điểm thi thế nào? Hoặc những thúc giục vô hình khác) càng khiến các bạn du học sinh cảm thấy bất lực và ngày càng chìm sâu hơn vào sự cô đơn. Ngoài ra, khi họ nhìn về những người bạn đồng lứa ở nhà thành công trong công việc và cuộc sống, cảm giác bức bí lại càng hiện hữu.

Related image

VƯỢT QUA SỰ CÔ ĐƠN NHƯ THẾ NÀO?

Chẳng có cách nào ngoài việc làm quen với nó, chấp nhận nó và tìm cách vượt qua nó một cách tích cực nhất.
Để mình kể cho các bạn hành trình cảm xúc của bản thân kể từ khi đi du học. Mình sinh ra và sống tại Vinh đến năm 18 tuổi, do đó mình đã được nếm trải cảm giác cô đơn khi học xa nhà một lần. Nhưng so với 30′ máy bay (hay 5 tiếng đi tàu) thì hơn nửa ngày bay đằng đẵng là một quãng đường quá xa. Dù đã chuẩn bị sẵn và đã có thời gian “thử nghiệm” nhé nhưng mình vẫn ít nhiều bị “choáng.” Ngay sau đó lại là một niềm vui sướng, bởi bản thân mình thì lại là người theo chủ nghĩa cá nhân, thích sinh hoạt một mình không theo cộng đồng. Vì mình còn trẻ mà, cứ đòi bằng được sự tự do, nên khi được tới một xứ sở của sự tự do và cái tôi cá nhân thì hạnh phúc lắm.
Nhưng sự cô đơn vẫn chậm rãi tiến đến, vào những bữa cơm nguội ngắt toàn mỳ với bánh, vào những ngày lễ Tết nhạt nhoà không một chút háo hức, vào những khi bố mẹ mình gọi điện mà phải nén những giọt nước mắt, không dám nói lên một chữ “nhớ” vì sợ nước mắt rơi. Mình, một người theo chủ nghĩa cá nhân, vậy mà đã cảm thấy như thế, huống hồ gì với những người đang quen với nếp sống cộng đồng thì bị vứt tõm vào một chỗ hoang vắng, chỉ còn lại một mình.

Hiện tại, mình cảm thấy thật may mắn vì được trải nghiệm sự cô đơn này. Mình có “khoảng thở” để sắp xếp lại cuộc sống lộn xộn của mình, ngẫm nghĩ về bản thân, về những gì mình đã có, những gì mình chưa có. Tận dụng thời gian cô đơn để học hỏi thêm trau dồi cho bản thân; để sắp xếp những việc cần làm theo thứ tự ưu tiên; để khám phá thế giới này.

Related image

Nói ra không phải để doạ dẫm các bạn, nhưng những nỗi buồn, nỗi cô đơn khi đi du học là có thật. Nó có thể có ở những người xung quanh, hoặc ở chính bản thân bạn. Có người vượt qua được, cũng có người từ bỏ việc du học để quay trở về. Bản thân mình luôn nghĩ rằng điều gì khó khăn quá thì hãy từ bỏ. Học cách thua cũng là một cách thắng, thà quay về Việt Nam và làm lại còn hơn “chết” trên đất khách.

Còn với những bạn vẫn muốn thử sức với việc du học, hãy chuẩn bị sẵn tinh thần. Du học không phải là một thiên đường đầy màu hồng mà thực chất nó rất nhiều áp lực và cần các bạn chuẩn bị từ bây giờ. Hoà đồng với một môi trường mới, một nền văn hoá mới là một điều khó, nhưng sẽ đơn giản hơn nếu ta mở lòng, nếu ta yêu mến môi trường ấy, những người bạn mới ấy.