Đừng ốm khi đi du học! Thật đấy!
Hôm nay, trời mưa và lạnh lắm, gió thốc theo từng cơn. Nhìn lên chiếc chuông gió oằn mình chống chọi lại từng đợt gió, leng keng, leng keng,…… không ngừng nghỉ. Nay bạn cùng phòng tôi ốm, nhưng tôi cũng chỉ ở được với nó một lúc vào buổi sáng. Còn lại tôi vẫn phải tiếp tục cày cuốc, kiếm tiền sinh hoạt cho tháng sau. Nhưng đến chỗ làm, nghĩ lại bạn ốm mà lại nhớ đến mình hay các bạn du học sinh cũng rơi vào tình cảnh đó mà xót xa.
Ở Mỹ, tiền bảo hiểm đắt đỏ, nếu không có bảo hiểm tốt thì mỗi lần đi bác sĩ là sạt nghiệp. Tôi trả bảo hiểm gần 5000 USD/năm mà bảo hiểm của tôi vẫn không bao gồm tiền khám chữa răng. Mấy lần trước răng của tôi cũng bị đau mà tôi cũng chẳng đâu dám đi chữa vì biết là thế nào đến bác sĩ cũng phải mất bay cả ngàn đô.
Tôi vẫn nhớ có lần tôi ốm, đói muốn chết mà không nấu ăn được, cũng không thể gọi đồ ăn về nhà vì tôi yếu đến mức không thể đi mấy tầng cầu thang xuống nhà mở cửa cho người giao hàng. Tôi không muốn gọi bạn bè vì bên này, ai cũng bận rộn và không ai muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Muốn gặp bạn bè thường phải nhắn tin hẹn trước cả mấy ngày chứ đâu phải muốn gặp là gặp. Thế là tôi nằm trên giường, uống một đống thuốc giảm đau rồi cố ngủ lấy lại sức. Lúc đấy tôi tủi thân lắm, cứ ước giá mà ở Việt Nam thì thế nào cũng có người đến nấu cháo cho mình.
Có lần, chắc do mấy ngày trước cố làm thêm dịp giáng sinh để kiếm thêm tiền. Đến hôm sau, tôi lên cơn sốt. Nằm trong căn phòng trọ nhỏ, mê man tôi lại nghĩ về ngày ốm khi còn nhỏ. Tôi là một đứa chúa ghét uống thuốc, bởi vậy nên bố mẹ phải dỗ dàng, hứa hẹn đủ thứ chuyện để tôi có thể uống thuốc. Nhớ đến mùi cháo hành thoang thoảng của mẹ, ấm nóng, ước gì ngay lúc này đươc thưởng thức tô cháo ấy thì có ốm cũng không đáng sợ.
Không biết giờ này bố mẹ làm gì? Nhiều lúc muốn nói cho mẹ rằng hôm nay con mệt lắm, hôm nay con bị ốm nhưng không có ai chăm sóc, nhưng nếu nói ra thì mẹ cũng không giúp đỡ được gì mà lại còn làm cho mẹ lo lắng. Vì vậy, toàn bộ những lời muốn nói với mẹ, tôi cứ tự mình nói, rồi tự mình nghe.
Ốm – khiến cho ta chìm đắm vào sự cô độc nhiều lắm. Ngồi vẩn vơ không làm gì lại khiến cho tôi suy nghĩ linh tinh nhiều hơn. Nhớ gia đình, nhớ bạn bè, nhớ lúc còn ở Việt Nam. Rồi lại nhìn lại cảnh mình hiện tại, cô độc, lãnh lẽo một mình, mới biết rằng, ở trong vòng tay của cha mẹ, ốm đau chẳng phải lo lắng, cơm, nước chẳng phải bận tâm.
Nhưng lớn rồi, đến lúc mạnh mẽ và tự lập được rồi. Sau nhiều lần ốm, tôi đã tự rút ra nhiều kinh nghiệm, phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Cho nên, tiền thì không lúc này thì lúc khác có thể kiếm được, nhưng sức khỏe thì nó lại không như vậy. Làm việc nhưng hãy cố gắng giữ sức khỏe cho mình.
Bởi không ai có thể đoán trước khi nào mình bị ốm, bạn nên có sự chuẩn bị trước thì khi đó bạn sẽ không bị động và hậu quả cũng không lớn.
Dưới đây là tổng hợp một số mẹo nhỏ mà mình đúc rút được. Hy vọng sẽ bổ ích cho các bạn.
Luôn có các loại thuốc cơ bản
Thuốc cảm, ho, hạ sốt, đau bụng, nhỏ mũi, nhiệt kế…, bất cứ loại nào bạn thường phải dùng khi bị ốm ở Việt Nam, hãy đem theo khi du học. Ngoài ra, sổ y bạ gần nhất của bạn cũng rất quan trọng. Nó sẽ giúp bác sĩ bản địa dựa vào và chuẩn đoán tình hình sức khỏe hiện tại của bạn (tất nhiên là bạn phải dịch từ tiếng Việt sang). Cảm sốt hay chấn thương nhẹ là một chuyện, nhưng nếu trước khi du học bạn biết có thể mắc những chứng bệnh nghiêm trọng khác, thì chắc chắn lịch sử khám bệnh trước đây của bạn rất quan trọng.
Hiểu cơ bản về hệ thống y tế của nước bản địa
Sau khi đến nước bản địa, bạn nên làm quen và hỏi thăm những người đã sống ở đó về hệ thống y tế và cách vận hành của bảo hiểm. Biết được thông tin cơ bản như thế sẽ rất có lợi, nhất là khi bạn không mạnh về kinh tế. Nói cách khác, bạn cần tìm hiểu đâu là bệnh viện tốt nhất trong khu vực, các khoản bảo hiểm sẽ trả trong trường hợp bạn bị ốm, các gói khám bệnh có lợi nhất cho sinh viên…
Xa gia đình, bạn bè trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là khi bạn ốm. Ảnh: Blogger Van AB Road
Biết những từ bản địa để diễn tả triệu chứng khi trao đổi với bác sĩ
Nếu bạn ở Mỹ, Anh, Australia hay các nước nói tiếng Anh khác thì không vấn đề. Nhưng ở châu Âu, bạn nên cẩn thận một chút. Rất nhiều bệnh viện không nói tiếng Anh, như ở Phần Lan hay Đức. Vì thế, bạn nên học trước một số từ tiếng bản địa để trao đổi thông tin, diễn tả triệu chứng bệnh. Hoặc đơn giản là cảm, sốt, chấn thương thôi cũng cần chuẩn bị vốn từ vựng đề phòng trường hợp bạn cần gặp bác sĩ khi đang du lịch khám phá mạo hiểm ở vùng hẻo lánh.
Luôn có bảo hiểm sức khỏe
Điều này đối với du học sinh Đức không phải vấn đề, vì muốn vào được Đức du học sinh phải làm hợp đồng bảo hiểm AOK ngay. Tuy nhiên, nếu bạn đi du lịch nhiều thì nên mua bảo hiểm du lịch nữa. Bình thường bạn hẳn rất không vui mỗi khi trả tiền bảo hiểm hàng tháng, nhưng đến lúc “có biến” thì mới thấy giá trị.
Nhờ bạn bè thân và thầy cô giáo
Du học có nghĩa là xa gia đình và khi ấy bạn bè là rất quan trọng. Khi thấy mình bắt đầu sốt hoặc chấn thương, hãy nói ngay với những người bạn tin tưởng của mình ở đó (kể cả là người nước ngoài), nhờ họ giúp đỡ hoặc đưa ra lời khuyên. Ví dụ nên uống thuốc gì, khám ở đâu; trong đám bạn của họ có ai đem thuốc này, dụng cụ y tế kia theo không… Bởi vì khi ốm, ta không được sáng suốt và có thể có những quyết định sai. Hơn nữa, ở nước ngoài nên sẽ có rào cản ngôn ngữ nhất định. Vì thế, 2 đôi tai, 2 cái đầu luôn sáng suốt hơn 1.
Đừng gọi điện ngay cho bố mẹ
Trừ khi bạn là con của chuyên gia y tế, không thì không nên gọi ngay cho bố mẹ khiến cả nhà lo lắng. Có thể trận ốm của bạn không quá nặng. Đây cũng là lúc bạn luyện để vững vàng hơn trong thời điểm khó khăn. Còn tất nhiên, nếu bạn ốm nặng thì nên hỏi bố mẹ.
Tìm đến bác sĩ
Rất nhiều bạn bè sống ở các thành phổ nhỏ hoặc khu vực xa trung tâm. Nếu gặp vấn đề nặng, khẩn cấp khi ở xa bệnh viện như thế, bạn nên cân nhắc gọi taxi nếu xe cứu thương không đến kịp. Ngoài ra, hãy để bạn bè biết tình trạng của bạn. Biết đâu họ có thể gọi nhân viên y tế của trường gần ký túc xá, tiện lợi và kịp thời hơn rất nhiều.
Theo Blogger Van AB Road