EU nỗ lực kích hoạt gói tái thiết kinh tế

Trong bối cảnh làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19 đang lan khắp châu Âu buộc ngày càng nhiều quốc gia phải đóng cửa với mức độ khác nhau, các bộ trưởng tài chính thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã khẩn cấp thảo luận về cách ứng phó với viễn cảnh kinh tế đen tối.

 

 

Tháng 7 vừa qua, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí khởi động một kế hoạch phục hồi trị giá 1,8 nghìn tỷ euro nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế trong vòng 7 năm tới từ cuộc suy thoái chưa từng thấy do hậu quả của đại dịch. Chính phủ các nước trong khối và Nghị viện châu Âu hiện đang thảo luận chi tiết liên quan tới kế hoạch trên.

Chủ tịch nhóm các bộ trưởng Eurozone Paschal Donohoe cho biết các nước đoàn kết và quyết tâm sử dụng tất cả nguồn lực của mình để đối mặt với làn sóng thứ 2 này. Ưu tiên hàng đầu của khối là triển khai kế hoạch phục hồi càng sớm càng tốt.

Các bộ trưởng đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến hôm 3-11. Việc khởi động kế hoạch đã được thống nhất, được chia thành ngân sách dài hạn thường xuyên của EU trị giá 1,1 nghìn tỷ euro cùng một quỹ hỗ trợ và cho vay trị giá 750 tỷ euro nhưng đang bị mắc kẹt trong các cuộc đàm phán giữa các nước. Các quan chức cho biết các bộ trưởng tài chính Eurozone rõ ràng là ủng hộ việc duy trì việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia, đặc biệt là khi các quy tắc của EU về hạn chế quy mô thâm hụt và vay nợ đã bị đình chỉ do đại dịch.

Đức, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các đối tác EU và Nghị viện châu Âu (EP) nhanh chóng quyết định về việc khởi động quỹ phục hồi kinh tế trị giá 1,8 nghìn tỷ euro để chống lại những hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Phát biểu trước khi diễn ra hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính EU, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Olaf Scholz nhấn mạnh EU phải làm tất cả có thể để đảm bảo quỹ phục hồi kinh tế “sẵn sàng vận hành vào đầu năm 2021”. Ông cho biết số ca nhiễm mới ngày càng tăng cho thấy tầm quan trọng của việc phải kịp thời triển khai kế hoạch hành động của châu Âu. Mục đích là để các quốc gia thành viên có thể sử dụng tiền trong thời kỳ khủng hoảng để tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Ông nhấn mạnh EP cần đẩy nhanh quy trình lập pháp, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan, bao gồm cả EP, nhanh chóng đạt được sự đồng thuận trong kế hoạch này. Ông Scholz cũng bày tỏ tin tưởng rằng sau cùng, tất cả các nước sẽ đạt được sự đồng thuận.

Hồi tuần trước, các bộ trưởng tài chính EU đã đưa ra kế hoạch thực hiện quỹ tái thiết vốn được các nhà lãnh đạo EU đồng ý trên nguyên tắc từ tháng 7-2020. Kế hoạch này liên kết chặt chẽ với ngân sách của EU giai đoạn 2021-2027. Tuy nhiên, việc đàm phán ngân sách với EP đang gặp khó khăn do các nghị sĩ yêu cầu chi nhiều hơn và cũng yêu cầu được tham gia trong việc kiểm tra kế hoạch chi tiêu quốc gia cho viện trợ COVID-19.

Ngoài ra, các bên cũng đang tranh cãi và chưa thống nhất được mức viện trợ mà các thành viên có thể bị cắt giảm hoặc hủy trong trường hợp vi phạm các quy định của EU. Hiện Hungary và Ba Lan, hai quốc gia vốn bị chỉ trích vì những vi phạm trong lĩnh vực tư pháp ở EU, đang phản đối kịch liệt điều này. Chính những việc như thế có thể là rào cản đối với việc triển khai quỹ phục hồi, bởi EU vẫn cần sự nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên cho việc kích hoạt quỹ tái thiết.

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên EU không nên đóng cửa biên giới cho dù số các ca mắc COVID-19 đang gia tăng từng ngày. Theo người phát ngôn của Chính phủ Đức Stefen Seilbert, phát biểu tại hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU, bà Merkel cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng ở mức đáng lo ngại, các nước thành viên EU cần phải đoàn kết và phối hợp cùng nhau chống dịch và phục hồi kinh tế.

Bà Merkel nhấn mạnh một trong những ưu tiên hiện nay là các nước EU cần phải tiếp tục mở cửa biên giới để duy trì hoạt động lưu thông hàng hóa trong khối, qua đó giúp nền kinh tế vận hành ổn định. Đây cũng là vấn đề rất quan trọng đối với chính nước Đức, quốc gia trung tâm và là nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Cùng đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết nước này sẽ hỗ trợ cho các công ty và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa từng phần trong tháng 11 nhằm hạn chế và kiểm soát sự gia tăng của COVID-19.

Theo ông Olaf Scholz, do các biện pháp hạn chế mới được thực hiện tập trung trong tháng 11 và giới hạn ở một số lĩnh vực nhất định nên chính phủ đã quyết định giải ngân số tiền lên tới 10 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong giai đoạn này. Cụ thể, các công ty hoặc cơ sở kinh doanh có tối đa 50 nhân viên sẽ được nhận tới 75% doanh số của họ trong tháng, trong khi các công ty quy mô lớn hơn sẽ nhận được tới 70% doanh số của năm 2019 tính từ tháng 11.

Nguồn: Internet