“Giải mật” hai căn hầm đặc biệt trong lòng Hoàng thành Thăng Long
Trong lòng Di sản Hoàng thành Thăng Long, ngoài những dấu tích kiến trúc cung điện kéo dài từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn… còn tồn tại cả một hệ thống các di tích cách mạng, in đậm dấu ấn của cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước. Bên cạnh 2 căn hầm D67 và hầm Chỉ huy tác chiến T1 đã được “giải mật” mở cửa phục vụ du khách tham quan thì còn có sự tồn tại của 2 căn hầm khác là 66 và 59.
Không nhiều người biết về hai căn hầm bí mật này, đã có thời gian dài dù có biết cũng không ai dám xuống và giờ thì Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đang có kế hoạch chỉnh trang tu sửa để một ngày gần đây mở cửa đón khách tham quan.
Cửa vào và lối đi xuống hầm 66
Bí ẩn dưới lòng Hoàng thành
Lối xuống hầm 66 giờ nằm ở phía sau khu nhà D67. Đó là một cầu thang hẹp dài và dốc đứng. Có lẽ, đây là lần đầu tiên sau mấy chục năm tính từ thời điểm ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, những căn hầm chống bom B52 này mới có người lui tới. Các cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long kể, thời điểm tiếp nhận, những căn hầm này đa phần ngập nước, hiện vật không còn nguyên trạng.
Ngay ở phía bên trong nóc hầm là dòng chữ 10-2-66, đó hẳn là thời điểm mà căn hầm này hoàn thành. Hầm sâu khoảng 6-7m, chia 2 ngăn, mỗi ngăn chừng 5m2 có lỗ thông gió, có hệ thống đèn neon. Căn hầm này sử dụng để làm việc chủ yếu trong thời gian diễn ra 12 ngày đêm B52 đánh phá miền Bắc và Hà Nội năm 1972.
Hệ thống cánh cửa sắt 2 lớp dày cùng toàn bộ hệ thống thông hơi đều đã bị thời gian làm cho mục rỗng. Chỉ cần chạm tay vào thôi là những vụn sắt rào rào rơi xuống. Hầm được chia thành nhiều phòng nhỏ. Lối lên là một cửa hầm hình vòm cùng nằm ở sân sau của nhà D67, cách hầm D67 vài chục mét.
Hầm 59 nằm dưới nền nhà N31, tòa nhà nằm kế sân rồng điện Kính Thiên, xưa là trụ sở Văn phòng Quân ủy – Bộ Tổng Tham mưu. Đây cũng là căn hầm đầu tiên được xây dựng trong khu vực thành cổ vào năm 1959. Không nằm sâu dưới lòng đất như hầm D67 (9m) hay 66 (6-7m), hầm được thiết kế như một địa đạo với nhiều cửa, ngách… Đặc biệt, hệ thống thông hơi, hệ thống các ổ điện bằng sứ vẫn còn tương đối nguyên vẹn.
Hầm 59 và 66 từng là nơi các đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ huy Bộ Quốc phòng làm việc trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ; đồng thời là trung tâm đầu não, nơi đề ra những chủ trương, những quyết định, kế hoạch chiến lược, chỉ thị quan trọng dẫn đến thắng lợi của 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc từ năm 1965 đến năm 1973, đỉnh cao là sự chỉ đạo thắng lợi trận “Điện Biên Phủ trên không” vào cuối năm 1972. Hầm 59 và hầm 66 còn là nơi thực hiện những mệnh lệnh phối hợp tác chiến nhằm chỉ đạo trực tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Trung tá Bùi Thị Nghiêm, nguyên cán bộ Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu kể, bà làm việc ở đây từ năm 1962, mãi đến 1972 mới xuống hầm 59. Căn hầm có 3 lối vào nhưng chủ yếu mọi người lên – xuống bằng lối trên sân Rồng, lối thứ hai phía Nam cạnh hai Rồng đá, lối thứ ba phía Tây có ngách nhỏ đủ đi ra đi vào. Trong hầm có quạt bàn Liên Xô để thông gió ở ngoài vào và hầm để hở một khe lối cạnh thềm Rồng để thông hơi cùng các trang thiết bị làm việc lúc đó có máy đánh chữ
Ốt-tê-ma của Đức, sổ kẹp tài liệu, giấy than… Bà Nghiêm thường đánh máy các công văn, chỉ thị, mệnh lệnh, quyết định của Bộ gửi các chiến trường, mặt trận để chỉ đạo các lực lượng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ.
Thiếu tá Nguyễn Văn Khôi, nguyên cán bộ Cục Cơ yếu, Bộ Tổng Tham mưu kể, hầm 66 hay còn gọi là hầm Cơ yếu. Căn hầm có hai cửa, một cửa quay về phía Tây, mọi người hay đi xuống bằng cửa này và một cửa quay về phía Nam. Độ sâu của hầm khoảng 6 – 7 mét, chia làm hai ngăn, một ngăn rộng chừng 5m2, có lỗ thông gió, cùng hệ thống đèn nê-ông, đường điện chìm.
Hệ thống đường ngách mái vòm và cửa cùng các trang thiết bị trong hầm 59
Phục hồi “minh chứng lịch sử” thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhận định, hầm có 4 giá trị nổi bật. Thứ nhất, hầm là một di tích quan trọng, một minh chứng của lịch sử. Tiếp nữa đây là nơi ẩn chứa nhiều thông tin có giá trị của di sản ký ức, di sản phi vật thể. PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh, những căn hầm này thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan, nhất là trong tổng thể khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh đó, hầm còn là môi trường trải nghiệm thú vị.
Tiến sĩ Trần Hữu Huy – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, hầm 59 và hầm 66 không thể tách rời mối liên hệ với các di tích cách mạng thời đại Hồ Chí Minh trong khu vực Thành cổ Hà Nội, đặc biệt là đều nằm trong hệ thống hầm kiên cố phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành chiến tranh của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương suốt những năm dài kháng chiến. Do đó, việc khai thác phát huy những giá trị lịch sử của hai căn hầm này và các di tích cách mạng khác cần phải có sự thống nhất, đảm bảo hài hòa giữa cái riêng và cái chung – tổng thể.
Theo ông Trần Việt Anh – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, các di tích cách mạng là một trong những tiêu chí góp phần đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010. Và để bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị các di tích cách mạng, năm 2018 này, Trung tâm đã triển khai kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về các di tích cách mạng, đặc biệt nguồn tư liệu về 2 căn hầm 59 và 66, gặp gỡ nhân chứng, hoàn thiện hồ sơ khoa học…
PGS.TS Nguyễn Văn Huy đưa ra ý kiến, trước hết cần khôi phục, sửa chữa lại hầm, chống thấm toàn bộ (trước đó do không sử dụng, hầm bị ngập nước trong thời gian dài). Nghiên cứu xây dựng hệ thống chiếu sáng phù hợp. Đồng thời nghiên cứu về tư liệu lịch sử, kỹ thuật xây dựng, quá trình sử dụng, sưu tầm đồ dùng, vật dụng từng sử dụng… Ngay sau khi có hệ thống dữ liệu đầy đủ thì tổ chức mở cửa trưng bày, kết nối với hầm D67 và Hầm Cục Tác chiến (đã mở cửa đón khách nhiều năm nay), xây dựng các chương trình giáo dục, khám phá cho học sinh về lịch sử, về di tích và tổng thể Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Không nhiều người biết về hai căn hầm bí mật này, đã có thời gian dài dù có biết cũng không ai dám xuống và giờ thì Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đang có kế hoạch chỉnh trang tu sửa để một ngày gần đây mở cửa đón khách tham quan.
Quỳnh Vân/ An ninh Thủ đô