Giới trẻ Mỹ từ bỏ lối sống ‘cuồng công việc’: Chỉ chọn làm 2-3 tiếng/ngày, lương 1-2 tỷ đồng/năm đủ để trang trải cuộc sống nhưng vẫn thấy hài lòng

Thay vì dành quá nhiều thời gian cho công việc, người trẻ Mỹ chia sẻ họ muốn làm việc từ xa, cùng sếp dễ tính và kết thúc mọi thứ lúc 5 giờ chiều.

Giới trẻ Mỹ từ bỏ lối sống 'cuồng công việc': Chỉ chọn làm 2-3 tiếng/ngày, lương 1-2 tỷ đồng/năm đủ để trang trải cuộc sống nhưng vẫn thấy hài lòng - Ảnh 1.

Victoria Bilodeau quyết định trở thành một người làm nghề marketing tự do trên các nền tảng số. Một số người sẽ gọi đây là hành động để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, còn cô nói đây là “lazy-girl job” (công việc đòi hỏi ít nỗ lực và mang lại mức thù lao tối đa).

Victoria (23 tuổi) cho biết cô từng làm việc 10 giờ/ngày khi còn là một kỹ thuật viên môi trường. Khi đó, cô hỗ trợ việc dọn dẹp bụi phóng xạ ở mức độ thấp và lương 26 USD/giờ.

Hiện tại, cô chỉ dành 3 giờ/ngày để quảng cáo các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da trực tuyến. Dù kiếm được ít tiền hơn trước đây nhưng Victoria lại có nhiều thời gian rảnh hơn. Cô có thể tập thể dục, thiền, chơi với mèo mà vẫn đủ khả năng trang trải các loại chi phí cơ bản.

Trên các trang mạng xã hội, Victoria và nhiều người khác đang chia sẻ về công việc “lazy-girl” của mình. Đối với những người ưa thích phong cách làm việc này, công việc lý tưởng của “lazy-girl” là làm ở nhà, có sếp dễ tính và kết thúc công việc lúc 5h chiều, nhận lương từ 60.000 USD đến 80.000 USD/năm. Số tiền này đủ để họ trang trải các chi phí cơ bản đối với một người trưởng thành mà không phải làm thêm giờ.

Tuy nhiên, một số người cũng phản đối phong cách làm việc này. Họ cho rằng việc thích làm công việc lười biếng là thái độ sai lầm khi gây dựng sự nghiệp. Trái lại, nhiều phụ nữ trẻ tự gọi mình là “lazy girl” trên mạng khăng khăng rằng họ không có gì khác biệt. Sau thời gian đi làm và căng thẳng vì công việc, họ chia sẻ mình thấy hạnh phúc với lựa chọn cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Hashtag “lazy-girl job” đã có gần 18 triệu lượt xem trên TikTok, với những nội dung về cảnh các cô gái gõ bàn phím, cùng những dòng chữ nói về quyền lợi mà họ được hưởng, chẳng hạn như không có người quản lý từng chút một và lịch làm việc linh hoạt, giúp họ có thể đưa chó đi dạo vào giữa buổi ngày.

Giống như xu hướng nghỉ việc trong thầm lặng, phong cách làm việc “lazy girl” cũng phổ biến đối với những người ở độ tuổi 20-30. Họ đang “vẽ lại” ranh giới mờ nhạt giữa cuộc sống và công việc sau đại dịch.

Không chỉ phái nữ mới lựa chọn công việc như thế này

Theo báo cáo Global Workplace của Gallup trong năm nay, cứ 10 người lao động thì có 6 người nói họ đang nỗ lực ít hơn mứ tối đa. Khảo sát này thực hiện với sự tham gia của hơn 120.000 người trưởng thành đang đi làm, điều khiến họ chán nản nhất là văn hoá nơi làm việc.

Trên các nền tảng mạng xã hội, rất nhiều nam giới đã chia sẻ về những mặt trái trong công việc của họ. Họ phàn nàn về việc sếp khó tính, lương thấp và cảm thấy có lỗi khi nghỉ phép.

Michael Durwin, một chiến lược gia cấp cao về truyền thông xã hội, cho biết anh không phản đối việc đi làm nhưng nhận thấy văn hoá làm việc liên tục của Mỹ là rất độc hại. Hơn nữa, anh không nghĩ rằng “lazy girl” là lười biếng.

Hành trình tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của Durwin trong thời kỳ đại dịch đã “đưa đẩy” anh đến với những công việc từ xa. Với giờ làm việc linh hoạt, anh có nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè.

Một trong những “lazy girl” đầu tiên

Gabrielle Judge, một influencer 26 tuổi, cho biết cô là đặt ra thuật ngữ này từ hồi tháng 5. Gabrielle cho biết cô biết từ “lười biếng” có hàm ý tiêu cực nhưng thực ra đó không phải là những công việc mà mọi người có thể chểnh mảng. Đó là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giúp mọi người thấy thoải mái giống như họ đang lười biếng.

Trước khi làm nội dung trên TikTok, Gabrielle đã làm một công việc “lười biếng” ở Denver, đó là account cấp quản lý cho một công ty công nghệ. Cô chia sẻ, cô làm việc ở nhà và được trả lương cao, cùng với quyền lợi là sử dụng các khoản vay, thành viên lớp tập gym và spa. Cô không phải làm thêm giờ và có thể nghỉ ngơi sau khi hoàn thành công việc.

Ember Rose Gilliam, 21 tuổi, cho biết cô không thích cụm từ “lười biếng”, nhưng năng lượng đằng sau đó lại là một chuyện khác. Cô làm việc tại một công ty bất động sản, là phó giám đốc dự án với mức lương 63.000 USD/năm.

Ember cho biết công việc của cô chỉ mất 2-3 giờ/ngày để giải quyết. 40 giờ còn lại là cô thực hiện các cuộc gọi, nên có rất nhiều thời gian rảnh và có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu.

Tham khảo WSJ