Hai chàng trai Quảng Nam mang bánh mì ‘đại náo’ nước Nhật, khởi nghiệp nhờ 1 lần… đi chợ
Hai chàng thanh niên Việt đã chọn cách xa phương, kiếm sống nơi đất khách quê người sang Nhật mở quán bánh mì. Cửa hiệu bánh mì của hai chàng thanh niên Việt được khai trương khoảng vào 5 tháng trước, trong sự hào hứng của người dân địa phương.
Có bao giờ bạn nghĩ đến việc mang đặc sản của nước mình và khởi nghiệp ở một đất nước xa lạ? Một số người sẽ e dè, vì việc này mang tính rủi ro khá cao, nhưng cũng có những người sẽ nghĩ đến và thực hiện, xem đó như một thử thách cho bản thân. Và đó cũng là những gì nảy ra với hai chàng trai trẻ Bùi Thanh Duy (1991) và Bùi Thành Tâm (1986) – chủ nhân của tiệm bánh mì Việt mang tên Xin Chào.
Được biết, Duy và Tâm vốn là du học sinh, học tập và làm việc ở Nhật đã được hơn 10 năm. Câu chuyện bắt đầu khi Thanh Tâm ăn thử chiếc bánh mì Kebab Thổ Nhỹ Kỳ trong một lần ghé thăm chợ. Sau khi ăn, Tâm cảm thấy bánh mì Việt – một trong hai loại thực phẩm được đưa vào từ điển Oxford cũng chẳng thua kém những chiếc bánh mì nổi tiếng này. Họ tự hỏi, tại sao không thử đưa món bánh mì Việt Nam giới thiệu với người Nhật, bán trên đất Nhật?
Anh Bùi Thành Tâm.
Nghĩ là làm ngay, Duy và Tâm bắt tay vào khởi nghiệp với cửa hiệu bánh mì mang cái tên hết sức thân thương – Xin Chào. Cửa hiệu bánh mì của hai chàng thanh niên Việt được khai trương vào tháng 10/1016, trong sự hào hứng đón chờ của người dân địa phương.
Theo chia sẻ của Duy và Tâm, ban đầu, hai anh em phải huy động nguồn vốn từ gia đình cùng một khoản đóng góp của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Nhưng đó chỉ là một trong số những rào cản, bởi hai anh em họ còn phải vượt qua khá nhiều khó khăn khác như hoàn thiện thủ tục pháp lí, các đợt kiểm tra để có được chứng nhận của Hiệp hội An toàn vệ sinh thực phẩm Nhật Bản.
Nguyên liệu cùng những ổ bánh mì thơm ngon của tiệm Xin Chào.
Ngoài ra, hai chàng thanh niên còn mất tận nửa năm để tìm mặt bằng cho tiệm. Với hai điểm yếu mang tên “người nước ngoài khởi nghiệp” và “đặc sản chưa từng quen thuộc với người bản địa”, hai anh em buộc phải tìm một vị trí vừa phải là ở tầng trệt và ngay mặt phố đông người qua lại. Cuối cùng, Duy và Tâm quyết định chọn con phố Waseda Dori ở khu Takadanobaba với ưu thế là luôn đông đúc, sầm uất do tọa lạc ngay trung tâm thủ đô Tokyo, để mở cửa hiệu bánh mì Xin Chào bé xinh như ngày nay. Mặc cho trên tuyến phố này có rất nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng, nhưng hai anh em vẫn quyết định thực hiện, không tỏ ra e dè hay yếu thế trước các đối thủ cạnh tranh tiềm năng.
Xin Chào nằm trên con phố Waseda Dori ở khu Takadanobaba.
Mỗi chiếc bánh mì tại tiệm Xin Chào có giá khoảng 100.000 đồng. Theo chia sẻ của hai ông chủ trẻ, mỗi ngày, Xin Chào bán ra khoảng 100 – 200 suất bánh mì chưa kể đồ uống. Đối tượng khách của Xin Chào không chỉ có cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và những người Nhật sống quanh khu vực ấy nữa, mà còn thu hút cả những du khách nước ngoài.
Du khách nước ngoài đến chơi Nhật Bản tỏ ra thích thú với món bánh mì Việt.
Sự quan tâm, yêu thích dành cho món bánh mì của hai chàng trai Việt đã thu hút sự chú ý của báo chí Nhật Bản. Thật vậy, với một đất nước có tư tưởng “sợ khởi nghiệp” như Nhật Bản thì câu chuyện không ngại khó, làm liều để khởi nghiệp của hai chàng trai Việt thật sự truyền cảm hứng. Thế là, câu chuyện của hai anh em Duy và Tâm đã xuất hiện trên tờ Chunichi – như một nguồn động lực cho giới trẻ Nhật Bản có ý định khởi nghiệp.
Xin Chào nhận được sự quan tâm của truyền thông Nhật và Việt.