Hai điều cần nhớ nếu không nghe hướng dẫn an toàn bay, bay nhiều chưa chắc đã biết

Thành viên phi hành đoàn muốn hành khách nhớ vị trí cửa thoát hiểm gần nhất, và cách ra đó nhanh nhất nếu máy bay gặp sự cố.

Trước khi máy bay cất cánh, các tiếp viên thường dành 5-10 phút để hướng dẫn an toàn bay với hành khách. Nhưng rất ít người thực sự lắng nghe, hoặc để tâm vì có tâm lý “biết rồi”. Trong trường hợp không nghe, thì dưới đây là những điều tiếp viên muốn bạn nhớ nhất.

Thứ nhất, hãy biết rõ cửa thoát hiểm gần mình nhất ở đâu. Trong trường hợp cần sơ tán khẩn cấp, bạn có thể tự tìm lối ra nhanh nhất, thay vì ngồi đợi sự hỗ trợ của người khác. Trong những tình huống nguy hiểm, việc thoát ra ngoài càng sớm càng tốt.

“Có rất nhiều người trên máy bay, và rất rắc rối nếu sự cố xảy ra. Vì vậy, càng nhiều người biết mình cần làm gì trong những tình huống đó càng tốt, cho chính bạn, cho các hành khách khác và cả tổ bay”, một tiếp viên giấu tên chia sẻ.

Trước mỗi chuyến bay, các tiếp viên luôn dành thời gian hướng dẫn khách về an toàn bay. Ảnh: 123RF

Trước mỗi chuyến bay, các tiếp viên luôn dành thời gian hướng dẫn khách về an toàn bay. Ảnh: 123RF

Thứ hai, hành khách chủ động mở tấm che cửa sổ máy bay, dựng thẳng lưng ghế, gấp gọn bàn ăn khi máy bay chuẩn bị cất, hạ cánh. Đây là hai trong số các giai đoạn quan trọng nhất của chuyến bay. Theo báo cáo năm 2017 của hãng Boeing, 61% vụ tai nạn nghiêm trọng trong 10 năm trở lại đều xảy ra trong quá trình này.

Các tiếp viên cần quan sát qua cửa sổ để phát hiện các tình huống xảy ra sự cố khi máy bay cất, hạ cánh nên buộc phải mở tấm che. Việc để mở bàn ăn, ngả ghế sẽ gây cản trở quá trình sơ tán, khiến những người ngồi bên trong và hàng ghế sau chậm thoát. Bên cạnh đó, khi phi công phanh gấp khi di chuyển trên đường băng, khách theo quán tính lao người về phía trước. Việc mở khay bàn ăn có thể khiến họ bị đập ngực, mặt, bụng…

“Hướng dẫn an toàn bay là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi đều biết rất ít người lắng nghe. Điều đó mang lại tâm trạng giống như bạn là ca sĩ, bạn hát trên sân khấu và khán giả thờ ơ vậy. Nhưng tâm trạng cá nhân của các tiếp viên không phải vấn đề. Vấn đề ở đây là vì an toàn cho chính các bạn”, một tiếp viên hơn 10 năm kinh nghiệm chia sẻ.

(VnExpress)