Hãi hùng thói quen xấu khi đi máy bay của nhiều người Việt

Tôi chứng kiến nhiều người đòi đi vệ sinh khi chuẩn bị cất cánh; nhốn nháo lấy hành lý, chen nhau ra ngoài khi máy bay chưa dừng hẳn.

Tôi là người Bắc, sinh sống và làm việc trong Nam đến nay đã tròn 17 năm. Vì vậy, việc di chuyển bằng máy bay để phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc công việc của tôi hàng năm khá lớn. Thêm nữa, tôi là người có thu nhập khiêm tốn, vì vậy không có nhiều tiền để thoải mái ngồi hạng thương gia. Dù còn nhiều điểm chưa hài lòng với các hãng hàng không trong nước, tuy nhiên tôi không thể chấp nhận được việc nhiều khách hàng Việt còn nhiều thói quen xấu khi đi máy bay.

Hàng loạt tình huống dở khóc, dở cười đã xảy ra trong thời gian qua, gây bức xúc cho hành khách liên quan đến các chuyến bay giá rẻ.

Ổn định chỗ ngồi, sắp xếp hành lý… những thứ tưởng chừng như rất cơ bản khi đi máy bay nhưng nhiều người vẫn không hiểu và tuân thủ các quy định đề ra. Tôi từng chứng kiến có hành khách mở ngăn hành lý, lấy khoai ra ăn trên máy bay, rồi không thèm đóng cốp; người khác thản nhiên tháo dây an toàn, đòi đi vệ sinh khí máy bay đang chuẩn bị cất cánh; hoặc có người mở điện thoại, nói chuyện ầm ĩ khi máy bay chưa hạ cánh xong, nhốn nháo đứng dậy lấy hành lý rồi chen chúc nhau ra ngoài sớm… Đúng là những cảnh tượng hãi hùng.

Hãi hùng văn hóa đi máy bay của người Việt

 

Thói quen sắp xếp hành trình hợp lý khi mua vé máy bay giá rẻ lại chưa được hình thành. Thực tế, nhiều người muốn đi vé giá rẻ, buộc phải chọn thời điểm ngoài lễ, Tết, hoặc phải lên kế hoạch từ sớm để săn vé giá rẻ. Đặc điểm bán vé của các hãng hàng không là càng cận ngày, giờ bay, giá vé càng cao. Kiến thức tối thiểu này, người đi máy bay buộc phải nằm lòng. Không thể có chuyện ăn chơi vi vu, không có kế hoạch, lộ trình cụ thể, sát ngày giờ bay mới lật đật đặt vé rồi than thở không chấp nhận nổi giá cao.

Do đó, nếu là một khách hàng thông minh, hãy đưa ra quyết định của riêng mình: một là bấm bụng mua vé giá cao sát giờ bay, hoặc chọn phương tiện khác phù hợp với khả năng của mình. Ngoài việc các hãng hàng không đã rất khốn đốn trong hai năm đại dịch, họ còn phải vật lộn vì cạnh tranh giá vé. Có những mặt hàng càng cạnh tranh càng có lợi cho người tiêu dùng, nhưng trong hàng không, điều này chưa chắc đã tốt cho hành khách. Việc khách đòi hỏi bay giá rẻ đã buộc các hãng phải cắt giảm nhiều dịch vụ mà chỉ họ mới biết rõ. Điều đó có thể ảnh hưởng tới chất lượng chuyến bay mà các hãng rất khó nói ra.