Hành khách đi vệ sinh trên máy bay: Thắc mắc chất thải được xử lý thế nào

Hồi đó mỗi lần đi máy bay du lịch, lúc cần đi vệ sinh em cứ thắc mắc hoài mình thải chất thải vậy rồi chúng được xử lý thế nào?

Nghĩ hoài, thắc mắc mãi mà không biết hỏi ai, nhưng mới đây tình cờ em đọc được bài viết chia sẻ trên trang Dân Trí mới hiểu ra vấn đề. Biết là nhiều chị em cũng thắc mắc lắm, nên sẵn đây em chia sẻ để chị em cùng biết nhé!

hình ảnh

Ảnh: Bên trong một nhà vệ sinh trên máy bay. Nguồn: Dân Trí. 

Qua tìm hiểu em mới biết, lần đầu tiên khi chiếc máy bay được chế tạo ra, người ta chỉ nghĩ đến việc đưa con người lên không trung rồi hạ xuống chứ chưa nghĩ đến việc lắp đặt nhà vệ sinh. Cho đến Thế chiến thứ 2, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, những người ngồi trên chiếc máy bay nếu muốn ‘giải tỏa tâm sự’ buộc phải cho tất cả vào thùng chứa hoặc chai nhựa rồi đến khi máy bay hạ cánh thì mới mang vứt chúng đi.

Sau đó rất nhiều năm, đến 1975 mới có nhà sáng chế tên James Kemper tạo ra nhà vệ sinh hút chân không và được cấp bằng nhưng thời điểm đó vẫn chưa được ứng dụng trên thực tế. 7 năm sau, lần đầu tiên nhà vệ sinh hiện đại này mới có trên máy bay Boeing để phục vụ hành khách di chuyển.

Theo các chuyên gia chia sẻ, khác với các nhà vệ sinh ở trên mặt đất, nhà vệ sinh trên máy bay là loại hút chân không nên có lực hút rất mạnh, có thể cuốn trôi tất cả chất thải và làm sạch bồn cầu nhờ dung dịch màu xanh. Ngoài ra, bồn cầu trên máy bay còn được phủ lớp không dính Teflon giúp đánh bay mọi chất thải cứng đầu nhất. Vì áp suất giữa các đường ống và phòng vệ sinh chênh lệch, cho nên chất thải sẽ đi vào bể chứa và xuống phần đáy dưới cùng của máy bay rồi được lưu giữ lại trong suốt chuyến bay đến khi hạ cánh.

Được biết, để tránh gây ô nhiễm cho hành khách ngồi trên máy bay, khoang chứa chất thải này được thiết kế riêng và chốt kỹ, chỉ có thể mở từ bên ngoài khi máy bay đã hạ cánh an toàn. Thời điểm này sẽ có xe chuyên dụng của bộ phận mặt đất đến thu dọn rồi hút sạch vào thùng chứa, nhân viên nối ống vào thùng chứa này để bơm dung dịch làm sạch, khử trùng toàn bộ khoang chứa chất thải bên trong máy bay. Đối với phần chất thải sau khi hút xong sẽ được chở trực tiếp đến khu vực xử lý riêng và kết thúc quá trình xử lý.

Một nam tiếp viên hàng không chia sẻ thông thường đối với một chiếc máy bay cỡ lớn như Boeing 747 thì thùng chứa nhà vệ sinh có thể chứa lên đến hơn 1.200 lít chất thải, đủ sức chứa chất thải của hàng trăm khách trong suốt chuyến bay kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ.

Những chuyến bay ngắn thường ít có hành khách dùng nhà vệ sinh, trong khi đó đối với những chuyến bay dài thường có rất đông hành khách dùng tới khu vực này. Vì vậy, để tránh tình trạng phải xếp hàng đợi lâu, nếu chị em có nhu cầu dùng nhà vệ sinh thì có thể đi ngay khi đèn báo thắt dây an toàn tắt hoặc trước khi tiếp viên hàng không đi phục vụ đồ uống cho khách bởi lúc đó hầu hết các hành khách sẽ không đi vệ sinh.

Ngoài ra, để đảm bảo quá trình đi vệ sinh không gặp phải những rắc rối, trở ngại, chị em nên lưu ý thêm những điều sau:

– Nếu không tìm thấy nhà vệ sinh, hãy chú ý khu vực gần lối cửa lên xuống máy bay hoặc có thể hỏi tiếp viên hàng không trên máy bay.

– Lúc vào nhà vệ sinh, chị em nhớ khóa cửa và vị trí khóa thường ngang tầm mắt hoặc thấp hơn so với chúng ta một chút.

– Khi dùng bồn rửa mặt hoặc bồn cầu, chị em chỉ cần ấn nhẹ là có thể sử dụng ngay. Do lực hút của nhà vệ sinh trên máy bay khá mạnh, dù ấn nhẹ vẫn có thể phát ra âm thanh lớn nên chị em đừng hoảng hốt nhé!

– Nếu có thể, chị em nên cố gắng tránh dùng nhà vệ sinh trên máy bay, nhất là với những ai hay gặp tình trạng buồn nôn khi máy bay cất cánh. Trong trường hợp trước khi lên máy bay, chị em gặp tình trạng này thì hãy mau chóng liên hệ bác sĩ để được kê toa thuốc phù hợp nhằm giúp chị em thoải mái hơn trong suốt hành trình bay.

– Trong trường hợp đi máy bay cùng người thân, lúc đi vệ sinh nếu lo sợ thì chị em hoàn toàn có thể nhờ người thân đi cùng đứng bên ngoài đợi, điều này giúp chị em yên tâm hơn.

hình ảnh

Ảnh trái: Ảnh minh họa. Nguồn: Popular Science. Ảnh phải: Chất thải được xử lý theo quy định hàng không. Nguồn: Dân Trí. 

Vậy là đã rõ rồi nha chị em, từ giờ đi máy bay nếu cần phải ‘giải quyết bầu tâm sự’ thì cứ thế mà đi thôi, không cần phải lo lắng quá đâu ạ. Chúc chị em sẽ có những chuyến hành trình vui vẻ và đầy ý nghĩa.

(Webtretho)