Hoa Hậu “Không Chồng Mà Chửa” trong thơ Bùi Giáng và hành động kỳ quặc của thi sĩ ngày chia tay
Ngoài chuyện tình cùng kỳ nữ Kim Cương, nhà thơ lang thang Bùi Giáng cũng nổi tiếng si tình với nhiều “nàng thơ” khác như Nam Phương hoàng hậu, ca sĩ Hà Thanh, Thích nữ Trí Hải. Thế nhưng, ít ai biết, ông từng si mê đến quên ăn, quên ngủ Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, người đã bị gắn mác “chửa hoang” – Công Thị Nghĩa (biệt danh Thu Trang).
Đi “săn tin” Hoa hậu nhưng lại trở thành Hoa hậu
Từ năm 10 tuổi, bà Công Thị Nghĩa (SN 1932, tại Hà Nội) đã theo gia đình Nam tiến. Năm 18 tuổi, bà gia nhập tổ điệp báo nội thành Sài Gòn – Gia Định và bị bắt giam 2 năm sau đó. Trải qua đủ loại hình tra tấn, bà Công Thị Nghĩa thoát khỏi ngục tù nhờ tài biện hộ sắc bén của luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong phiên toà tháng 6/1953.
Sau khi ra tù, bà theo học nghề báo và làm ký giả dưới bút danh Thu Trang. Năm 1955, khi chính quyền Sài Gòn tổ chức cuộc thi sắc đẹp đầu tiên nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, Thu Trang cũng có mặt để khai thác tin tức. Đang tuổi xuân thì lại sở hữu nét đẹp thanh tú, Thu Trang ngay lập tức lọt vào tầm ngắm của Ban tổ chức, họ “xúi” cô đi thi ngay sau đó. Bất ngờ thay, Thu Trang ẵm luôn vương miện Hoa hậu cuộc thi.
Ngoài chiếc vương miện, kiềng vàng cùng một số mỹ phẩm, nàng Hậu còn nhận được chiếc môtô đời mới hiệu Lambretta, đó cũng là lý do Thu Trang được gọi với biệt danh “Hoa hậu Lambretta”.
Hào quang và tủi nhục
Sở hữu đôi lông mày cong vút cùng đôi mắt buồn là làn môi mọng quyến rũ, Thu Trang nhanh chóng được “trải thảm đỏ” tại nhiều sự kiện. Các hãng phim cũng đua nhau săn đón nàng Hậu. Năm 1956, cô bước chân vào làng điện ảnh với vai phụ trong phim Chúng tôi muốn sống (đạo diễn Vĩnh Noãn) và vai chính Kiều Nguyệt Nga trong Lục Vân Tiên đạo diễn bởi Tống Ngọc Hạp.
Năm 1957, Thu Trang cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp đưa tác phẩm Lục Vân Tiên sang Nhật để tham dự Đại hội điện ảnh châu Á. Trong chuyến đi “chỉ có hai người”, Thu Trang lần đầu nếm trải hương vị “trái cấm” bởi tin rằng đạo diễn Hạp đã ly thân mà đâu hay biết rằng chuyện tình với vị đạo diễn trẻ đã có gia đình sẽ đẩy cô vào scandal kinh hoàng nhất cuộc đời.
Trở về Việt Nam sau khi trót “dính bầu”, Hoa hậu Thu Trang phải ôm “bụng chửa” tháo chạy do bị đám đông cuồng nộ săn đuổi ngay tại sân bay. Tuy vậy, Thu Trang vẫn quyết định trở thành mẹ đơn thân. Bà đặt tên con trai theo họ cha là Tống Ngọc Vân Tiên nhưng không đòi hỏi danh phận hay trách nhiệm gì từ đạo diễn Hạp.
“Gái một con” và chuyện tình đơn phương của thi sĩ Bùi Giáng
Cuối năm 1957, trong chuyến công tác tại Sài Gòn, đoàn làm phim Người Mỹ trầm lặng để mắt đến Thu Trang cho vai diễn cô gái Việt trong phim. Tuy nhiên, nàng Hậu 25 tuổi từ chối cơ hội đến kinh đô điện ảnh Mỹ để làm tròn thiên chức người mẹ. Sau khi sinh con, Thu Trang tiếp tục sinh sống tại Sài Gòn – Gia Định dưới chế độ Ngô Đình Diệm.
Dù bị người hâm mộ tẩy chay sau scandal “không chồng mà chửa” nhưng sức quyến rũ của Thu Trang không thay đổi. Vẻ đẹp “gái một con trông mòn con mắt” của Thu Trang đã lạc vào những dòng thơ lạ lùng của thi sĩ Bùi Giáng, trong đó có những vần thơ như “Còn hai con mắt, khóc người một con”. Bài thơ của “nhà thơ điên” Bùi Giáng đã được cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn phổ nhạc với tựa đề “Con mắt còn lại, ca khúc được yêu mến thời bấy giờ.
Năm 1961, trong bối cảnh những người “kháng chiến cũ” bị truy bắt lại, Thu Trang rời Sài Gòn với cớ nhận lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh. Trước khi bà rời đi, nhà thơ Bùi Giáng đã đến thăm bà trong một ngày mưa. Trong hồi ký của mình, Thu Trang nhớ lại trong buổi gặp gỡ với Bùi Giáng, “thi sĩ điên” bất ngờ nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của bà và lẳng lặng gói lại bằng một tờ báo. Sau đó, ông chỉ nói với bà vỏn vẹn hai từ “Tôi về”. Có lẽ, bằng cảm quan của nghệ sĩ, Bùi Giáng biết Thu Trang “một đi không trở lại” nên đã bộc phát hành động kỳ quặc để đưa tiễn bà.
Dù ra nước ngoài nhưng Thu Trang thỉnh thoảng vẫn “xuất hiện” trong những câu thơ Bùi Giáng. Năm 1962, ông từng gửi lời nhớ nhung hình bóng người cũ qua những câu thơ trong tập “Mưa nguồn”: “Không biết nữa trời tròn hay méo/ Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay/ Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay/ Trời bên kia/ Nhan sắc ở bên này”.
Trong một bài thơ chưa được in do Bùi Giáng viết riêng cho Thu Trang được họa sĩ Bửu Ý chép tay, “thi sĩ điên” cũng bày tỏ nổi lòng hờn trách lẫn tâm trạng tuyệt vọng nhớ nhung bà: “Trang của tờ giấy cũ/ Của vầng tóc ban đầu/ Trang của hồi vàng tụ/ Về mệt mỏi mai sau/ Anh nhớ em vô cùng/ Đất sầu không xiết kể/ Anh kêu gọi mông lung/ Trang ồ, Trang rất tệ”.
Được biết, sau khi sang Pháp, Thu Trang theo đuổi con đường học vấn và trở thành Tiến sĩ Sử học. Bà có cuộc sống hạnh phúc, yên ấm cùng Giáo sư y khoa Marcel Gaspard. Ngoài ra, nàng Hậu thuở nào cũng xuất bản nhiều sách, truyện, hồi ký và còn được nhắc tên trong danh sách 100 nhà thơ Việt nam được yêu mến trong thế kỷ 20.