Hoa Kỳ chi 1,033 tỷ USD мuᴀ đồ cнơι, dụng cụ thể thao từ Việt Nam

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận, chiếm hơn 53% kim ngạch nhóm hàng này của Việt Nam.

Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 6, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận đạt 402,3 triệu USD, tăng 24,7% so với tháng trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của nhóm hàng này mang về 1,94 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng này là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh Hà Lan, Canada…

xuat-khau-duong-bien-jpeg-3155-165751073

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng vừa qua.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận sang các thị trường chủ lực đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, riêng thị trường Hoa Kỳ đạt 1,033 tỷ USD, tăng 42,77% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 53,25% kim ngạch nhóm hàng này của cả nước.

Các thị trường quan trọng khác như: Nhật Bản đạt 273,67 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 167,56 triệu USD); Anh đạt 75 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 61,2 triệu USD); Hà Lan đạt 66 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 51,6 triệu USD); Đức 64,5 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 36,54 triệu USD); Canada 43,5 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 38 triệu USD).

Với gần 1,56 tỷ USD, riêng 6 thị trường lớn kể trên chiếm tới xấp xỉ 80,2% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận trong 6 tháng đầu năm.

Cũng theo số liệu công bố mới nhất, trong tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước. Tính chung nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 28,4%).

Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng vừa qua, với kim ngạch đạt 55,96 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp đến là Trung Quốc đạt 26,3 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU đạt 23 tỷ USD, tăng 22%; thị trường ASEAN đạt 17,7 tỷ USD, tăng 27,4%; Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 18,5%; Nhật Bản đạt 11,48 tỷ USD, tăng 13,9%.

Theo lý giải của các chuyên gia, việc doanh nghiệp duy trì được những thị trường truyền thống lớn và tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA đã góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong 6 tháng năm 2022.

Nhận định về những thách thức, khó khăn trong hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm, các chuyên gia, nhà quản lý lưu ý doanh nghiệp cần quan tâm, theo dõi để điều chỉnh phương án xuất khẩu kịp thời.

Trong đó, vấn đề đáng lưu tâm nhất là tình hình lạm phát ở nhiều quốc gia đang có dấu hiệu tăng cao, đặc biệt thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, EU… Bởi, việc lạm phát tăng cao sẽ kéo giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng, điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Các chuyên gia khuyến nghị, trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp cần tuân thủ và coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu nhiều hơn vào các thị trường khó tính, giá trị xuất khẩu cao. Cùng với việc tận dụng lợi thế của FTA cũng cần có những ứng phó kịp thời đối với các biện pháp phòng vệ thương mại, mà hiện nay nhiều quốc gia đang đưa ra như một hàng rào mới đối với hàng hóa xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.

(vnbusiness.vn)