Hưng Lê – từ cậu bé nhập cư đến danh hài gốc Việt nổi tiếng Australia
Hưng Lê, nghệ sĩ hài Australia, mỗi lần trở về Việt Nam là một lần tìm kiếm những mảnh kết nối bản thân với “nơi mình thuộc về”.
Năm 2015, đứng trên sân khấu liên hoan hài kịch quốc tế tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, Lê Trung Hưng hỏi khán giả. “Mọi người biết vì sao dân châu Á hay rung đùi không?” Nam diễn viên hài người Australia gốc Việt định gây cười bằng cách giễu nhại một thói quen xấu thường thấy ở nhiều người châu Á.
Nhưng câu trả lời của đám đông bên dưới khiến anh chết sững. “Chỉ người Việt các anh mới mắc chứng rung đùi”, hàng ghế đầu nhao nhao. Rồi một người nói vọng lên rằng hành động rung đùi, thể hiện sự lo lắng và bồn chồn, là một dạng “chấn thương tâm lý tập thể” của người Việt Nam sau chiến tranh. Hưng nhận ra anh rung đùi từ nhỏ. Hiện đã ngoài 50 tuổi, anh vẫn không thể bỏ thói quen này.
“Lúc 9 tuổi, tôi mới rời Việt Nam nên tôi nhớ rõ mọi thứ”, Hưng Lê trả lời phỏng vấn VnExpress qua thư điện tử. Người đàn ông 52 tuổi kể gia đình anh từng sống trong căn nhà số 101 Nguyễn Du, phía sau Dinh Độc lập bây giờ. “Vào những năm 1970 tại Sài Gòn, chỉ ngớ ngẩn, người ta mới sống ở đó… Đó là nơi cuộc chiến đi đến hồi kết”.
Hưng nhớ lại những đêm cả nhà 9 người ngủ ngồi bên trong chiếc xe ô tô khởi động sẵn, trong tiếng súng nổ đì đùng. “Chúng tôi ngồi yên trên xe cho đến khi mặt trời lên, tiếng súng tắt dần. Và một ngày mới bắt đầu. Trẻ em đến trường học, người lớn chạy công chuyện… May mà người ta nghĩ ra việc ngủ trưa!”
Đặt chân tới Australia vào tháng 8/1975, gia đình Lê bắt đầu cuộc sống mới trong một căn hộ một phòng ngủ ở vùng ngoại ô ven biển St Kilda thuộc thành phố Melbourne. Cha và ông nội tìm được công việc phun sơn tại một xưởng lắp ráp ôtô. Hàng ngày sau giờ làm việc, hai cha con cắp sách vở đến trường tiểu học gần nhà học thêm tiếng Anh. “Còn mẹ tôi xin được việc ủi quần áo trong nhà máy. Bà không nói và nghe được nên bị người ta quát tháo suốt.” Hưng kể. “Nhưng ta phải làm việc cần làm để nuôi sống gia đình thôi!”
‘Dốt toán, điếc nhạc’ và hành trình đến nghề diễn hài
Hưng Lê tập đàn violin tại căn hộ của gia đình ở vùng ngoại ô ven biển St Kilda, Melbourne, Australia. Ảnh: NVCC.
Dù điều kiện kinh tế khó khăn, c ha mẹ Hưng Lê, vốn là nghệ sĩ, vẫn chắt chiu cho 4 con học chơi nhạc cổ điển. “Anh trai và tôi kéo violin, em gái út chơi piano. Và chỉ vì không có bản hòa tấu nào viết cho piano và ba cây violin nên chị cả của tôi đành học cello”, Hưng Lê dí dỏm nói về nhóm “tứ tấu gia đình”.
Hưng nhớ những chuỗi ngày cha gọi dậy từ 6h sáng tập đàn trước khi đến trường. Vào mùa đông, đó là lúc nhiệt độ xuống mức thấp nhất. Cứ như vậy đều đặn ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. “Là dân châu Á nhập cư và có đầy đủ 10 ngón tay, anh phải chơi được hai thứ nhạc cụ khó chơi nhất là piano và violin. Và anh phải chơi tốt hơn bọn trẻ con Australia. Đó là luật bất thành văn”.
Ở các nước phương Tây, người châu Á được xem là cộng đồng di dân thành công. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người nhập cư châu Á bị phân biệt đối xử ở mức “tinh vi”, nghĩa là tiêu chuẩn để đạt tới thành công của người gốc Á thường cao hơn so với các cộng đồng sắc tộc khác. “Không phải tắm trắng hay phẫu thuật mắt hai mí mà chính việc chơi nhạc cổ điển […] giúp anh sống sót trong thế giới dân da trắng”, Hưng thậm xưng.
Một nghiên cứu của trường đại học Quốc gia Australia chỉ ra các ứng viên xin việc làm mang họ châu Á sẽ phải nộp số lượng đơn nhiều hơn 68% so với người bản xứ. Năm 2011, thu nhập trung bình theo tuần của một người gốc Việt trên 15 tuổi ở Australia là 390 AUD, thấp hơn mức trung bình toàn quốc 577 AUD. Từ năm 1975 đến 1995, khoảng 800.000 người Việt Nam di cư đến Australia. Theo kết quả điều tra dân số năm 2016, hiện có khoảng 300.000 người Australia gốc Việt, trong đó 73% sinh ra ở Việt Nam.
“Người ta có câu ‘Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo’ nhưng tôi luyện tập chỉ tạo ra tiếng ồn”, Hưng cho rằng cấu tạo tai có vấn đề nên anh luôn chơi violin chói và khó nghe hơn so với mức bình thường. “Đối với tôi, chơi như vậy là đúng nhạc nhưng rõ ràng ngoài tôi ra, không ai nghĩ vậy”.
Không chỉ “điếc nhạc”, Hưng thừa nhận mình “học hành chẳng ra gì”. Anh nhớ lại thời đi học. “Hồi đó những học sinh đạt điểm cao nhất cuối năm luôn là một học sinh nữ gốc Việt nào đó! Bọn nó toàn đạt điểm tuyệt đối môn tiếng Anh trong khi tôi sống ở Australia trước chúng cả 10 năm mà trượt chổng vó”.
Học sinh châu Á thường có tiếng học giỏi Toán hơn bạn bè phương Tây. Hưng Lê hóm hỉnh lý giải anh thường xuyên bị điểm E môn Toán là vì “muốn hòa nhập với chúng bạn”. “Ban đầu tôi giả vờ học dốt Toán để các bạn cho chơi cùng. Và sau khi giả vờ quá lâu, tôi thành ra học dốt thật!”
Hưng Lê (giữa) và ban nhạc kiêm nhóm tấu hài biểu diễn ở lễ hội Edinburgh năm 1988. Ảnh: NVCC.
Phá vỡ mọi khuôn mẫu thành công của dân di cư châu Á, Hưng Lê không học đủ giỏi để làm bác sĩ hay luật sư và cũng không có tố chất để chơi violin chuyên nghiệp. Nhưng anh lại thừa “máu” hài hước. “Không hiểu vì sao mọi người cứ phá lên cười khi tôi chỉ làm những điều bình thường”, Hưng Lê thành thật.
Anh kể một lần vừa về đến nhà đã bị bà nội hỏi tội vì gây rối ở trường. Ngạc nhiên, cậu bé Hưng Lê hỏi: “Làm sao bà biết cháu bị phạt?”. Bà nội từ tốn đáp: “Bà bay ngang qua và trông thấy”. Ngày hôm sau lên lớp, khi các bạn nêu ví dụ về những thứ có khả năng bay. “Chim bay”, một đứa nói. “Phi cơ bay”, đứa khác thêm vào. “Bà tớ bay!”, Hưng Lê nghiêm túc phát biểu. Hôm đó, cậu lại bị phạt đứng trước lớp.
Cây đàn violin không dẫn Hưng Lê vào nhà hát mà đưa anh ra hè phố bắt đầu nghề diễn hài 37 năm trước. “Có lẽ khán giả buồn cười vì hiếm khi họ thấy một thằng nhóc châu Á chơi sai nhạc đến như vậy”, anh kể sau mỗi buổi biểu diễn ngoài đường, hai hộp đựng đàn đầy ắp tiền xu.
Sự hài hước từ đó đưa Hưng Lê chu du khắp châu Á, sang châu Âu và đi dọc nước Mỹ. Anh viết sách, đóng phim và tấu hài trên truyền hình, tại các lễ hội và trên du thuyền xuyên Nam Thái Bình Dương. Hưng Lê là một trong ba danh hài gốc Việt thành công ở Australia.
“Thông qua tiếng cười, tôi muốn khán giả hiểu cảm giác của một người nhập cư vật lộn để tồn tại ở Australia… Và nếu có thể thay đổi cách nhìn của một người, giúp bớt đi một đứa trẻ châu Á bị bắt nạt trên tàu điện tới trường, tôi cảm thấy mình như một người hùng rồi”, Hưng Lê tâm sự.
Nhưng cũng giống như mọi công việc khác, nghề diễn hài có lúc thăng, lúc trầm. Đôi khi Hưng Lê đứng trên sân khấu kể chuyện cười mà trong lòng khóc thầm khi nhìn thấy những hàng ghế trống trơn bên dưới. Lần khá c, nữ khán giả ngồi sát sân khấu cười nhiều đến mức bổ nhào xuống đất. “Và chỉ vậy thôi anh có thể chết trong hạnh phúc vì biết rằng mình đã sống không uổng phí”.
Vị của quê hương trong bát mì
Quê hương trong ký ức của Hưng Lê là những đêm được cha chở đi ăn khuya ở Sài Gòn. Cậu bé Hưng Lê ngồi ở đằng trước chiếc xe Honda, nhún nhảy trong bộ đồ ngủ. Đứng trước quán mì ven đường, cậu “bị thôi miên bởi tốc độ, sự chính xác và kỹ năng của người đầu bếp, mùi thơm mê hoặc của nồi nước dùng và âm thanh của màn đêm lẫn trong tiếng trò chuyện của khách hàng”. Mùi vị của bát mì luôn đưa Hưng Lê vượt khoảng cách địa lý và thời gian trở về Việt Nam.
Cậu bé 9 tuổi Hưng Lê nhớ như in giây phút ngây người nhìn bát mì úp của người đàn ông trên cùng chuyến thuyền đến Australia. Anh kể khi trông thấy ánh mắt thèm thuồng của con trai, cha anh, họa sĩ – điêu khắc gia nổi tiếng Lê Thành Nhơn, đã rút một cây bút chì và một mảnh giấy ký họa chân dung người đàn ông đó. Sau khi được tặng bức tranh, ông ta lẳng lặng cho cậu bé Hưng Lê húp nốt chút mì ở đáy bát. “Cho đến tận bây giờ, tôi chưa từng nếm món ăn nào có vị tuyệt vời như bát mì đó”.
Nghệ sĩ Lê Thành Nhơn nói về nghệ thuật, điêu khắc và Việt Nam với con trai Hưng Lê. Nguồn: NVCC.
Trước khi tới Australia định cư, cha của Hưng Lê, ông Lê Thành Nhơn, là một nghệ sĩ nổi tiếng. Sinh năm 1940, tại Bình Dương, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định năm 1963 rồi ở lại làm giảng viên. Từ năm 1970 đến năm 1975, Lê Thành Nhơn đến Huế giảng dạy mỹ thuật. Dù gắn bó với Huế không lâu, ông gửi lại cho thành phố này ba tác phẩm điêu khắc để đời, trong đó có bức tượng Phan Bội Châu được xem là pho tượng chân dung lớn nhất và đẹp nhất Việt Nam. Bức tượng cao 4,5 m và nặng gần 5 tấn hiện đặt ở phía nam cầu Trường Tiền.
Để mưu sinh ở Australia, người nghệ sĩ tài hoa làm đủ nghề từ sơn xe cho hãng Toyota cho đến bán vé tàu điện suốt 10 năm trước khi có cơ hội quay trở lại với nghệ thuật. Năm 1987, Lê Thành Nhơn được mời giảng dạy kiến trúc phương Đông tại đại học RMIT, Melbourne. “Cha tôi chưa bao giờ ngừng sáng tác”, Hưng Lê nói cha anh luôn ước ao trở về Việt Nam giảng dạy và làm nghệ thuật. Năm 2002, nghệ sĩ Lê Thành Nhơn ra đi ở tuổi 61 vì ung thư gan với tâm nguyện còn dang dở.
Hưng Lê nhớ hình ảnh người cha cặm cụi vẽ tranh để cậu con trai đói khát được húp chút mì nóng. Người đàn ông trụ cột đưa gia đình 9 người thoát cảnh sống tạm bợ bằng chính nét vẽ tài hoa của mình khi dùng hai bức tranh dầu khổ lớn làm quà cho nhân viên công quyền Australia phụ trách phân nhà cho dân nhập cư.
“Hồi gia đình tôi chân ướt chân ráo đến Australia, mẹ tôi đi siêu thị và mua về một hộp ngũ cốc bột ngô, loại dân bản xứ thường ăn vào bữa sáng với sữa tươi. Trên vỏ hộp in hình con gà nên bà tưởng bên trong là thứ gì đó chế biến từ thịt gà. Cha tôi đã ăn món bánh mì kẹp ngũ cốc ngô phết xì dầu do mẹ làm suốt 15 năm mà không chán “, Hưng Lê nhớ lại.
Sau khi cha mất, Hưng Lê trở về Việt Nam thường xuyên hơn. “Tôi về để lắp ghép và vun vén những mảnh kết nối bản thân với quê hương. Và hy vọng tôi có thể tìm kiếm được một nơi mà tôi cảm thấy mình thuộc về”.
Hưng Lê chụp cùng bức tượng “Cô gái Việt Nam” đặt trong khuôn viên một trường tiểu học đầu những năm 1990. Bức tượng được chuyển từ TP HCM ra Huế vào năm 2002 theo tâm nguyện của nghệ sĩ Lê Thành Nhơn. Ảnh: NVCC.
Năm 2012, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nghệ sĩ Lê Thành Nhơn, Huế mời gia đình ông về tham dự Festival thành phố. Hưng Lê có dịp ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc mà cha anh gửi gắm lại Huế. “Ban tổ chức cử xe limo đến đón tôi và họ dành cho tôi căn phòng tốt nhất tại khách sạn đẹp nhất trong thành phố”, Hưng Lê nhớ. Những người bạn cũ của nghệ sĩ Lê Thành Nhơn và ban tổ chức đã biến khuôn viên của một thiền viện Phật giáo thành nơi trưng bày những tác phẩm điêu khắc của ông.
“Khi đứng phát biểu, tôi căng thẳng vô cùng, tôi chưa bao giờ nói tiếng Việt trôi chảy đến thế”, Hưng Lê kể giây phút bày tỏ lòng cảm kích với những người giúp hoàn thành tâm nguyện của cha anh. “[Sau đó] tôi đi ra bờ sông Hương, nhìn l ên bầu trời quang mây, mặt trời ló rạng và màn sương tan. Cảnh vật trong xanh đến kỳ lạ. Cảm giác như mọi gánh nặng được trút bỏ và cha tôi đang thở phào nhẹ nhõm vì tất cả các tác phẩm của ông cuối cùng đã về nhà”.
Trở về TP HCM hơn chục lần, Hưng Lê thấy thành phố giờ đây “thay đổi rất nhiều và rất nhanh”. “Mấy cậu em họ gầy gò ngày nào nay đã cao lớn hơn tôi. Chắc tại mấy nhà hàng ăn nhanh”, Hưng Lê đùa.
Ngoài 50 tuổi, không vợ, không con và hàng tuần rong ruổi kể chuyện hài trên du thuyền, Hưng Lê từng nếm đủ mùi thất bại khi dự án làm phim đổ vỡ, không len chân vào được kinh đô điện ảnh Hollywood hay những tháng n gày rỗng túi chạy bàn ở London. “Cuộc đời không như mơ nhưng cuộc đời cho tôi những câu chuyện để kể trên sân khấu và với bạn bè”, Hưng Lê chiêm nghiệm.