Khách Tây ‘khóc thét’ với 2 quả dừa giá 300k ở trung tâm TP.HCM: Đã nói không vẫn bị ép mua

Thuở bé đi chợ cùng mẹ, hẳn không ít người đã từng tròn xoe mắt trước tài trả giá ‘thần thánh’ của mẹ, khi mua được 1 món đồ nào đó với mức giá chỉ bằng 1 nửa mà người bán đưa ra lúc đầu. Với người Việt, chuyện trả giá khi đi chợ là điều quá bình thường và hẳn nhiên là phải làm thế, tuy nhiên với du khách quốc tế thì đó là 1 trải nghiệm hoàn toàn xa lạ. Có người lần đầu đến Việt Nam du lịch, không biết điều này đã bị ‘hét giá’ đến choáng váng, khiến trải nghiệm vui chơi của họ bị giảm đi đáng kể.

Câu chuyện trái dừa của 3 du khách người Đức trên báo Dân trí là một ví dụ. Hôm 29/3 vừa qua, 3 người họ đi tham quan một vòng qua các địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM, với sự thích thú không hề nhẹ. Tuy nhiên khi đến trưa, nụ cười của họ đã vụt tắt ngay khi gặp 1 người đàn ông bán dừa dạo.

hình ảnh

Người bán dừa dạo chào mời du khách nước ngoài mua dừa với giá 300k – Ảnh chụp màn hình clip: Dân trí

Dù cả ba đều lắc đầu từ chối nhưng người đàn ông kia vẫn bám theo mời chào. Rồi rất nhanh chóng, người này đã khui 2 quả dừa đặt vào tay du khách và nói giá 300.000 đồng. “Đã nói “không…không” nhưng anh ta vẫn cố tình khui dừa và buộc chúng tôi phải trả tiền. Tôi không thể tin rằng mình đã mất 300.000 đồng theo cách này“, nữ du khách bức xúc.

Đây là lần đầu tiên những vị khách châu Âu này đặt chân đến Việt Nam và họ đã miêu tả trải nghiệm của mình là ‘tồi tệ’. Tuy nhiên nữ du khách cũng không nên quá buồn bởi mình không phải là người duy nhất bị những người bán hàng rong ‘hét giá’ thế này.

Dọc các tuyến đường trung tâm TP.HCM, không khó để bắt gặp những người bán hàng rong đang chèo kéo khách quốc tế và lấy giá cao hơn người Việt. Một nhóm du khách châu Âu gồm ba nữ, một nam cũng đã rơi vào tình huống “bất đắc dĩ” tương tự. Dưới cái nóng 35 độ C, họ đi bộ dưới bóng râm hàng cây và đồng ý mua dừa giải khát.

Tuy nhiên, du khách khá bất ngờ khi người bán ‘hét’ với giá 150.000 đồng khi quả dừa được cầm trên tay. “Chúng tôi chẳng còn cách nào khác. Chắc hẳn đây là trải nghiệm đáng quên nhất tại Việt Nam“, nam du khách ngoại quốc chia sẻ.

hình ảnh

Lối vào khu chợ Bến Thành ở TP.HCM – Ảnh: Dân trí

Đi ngoài đường đã vậy, khách Tây vào các khu chợ trung tâm TP.HCM mua sắm cũng không thoải mái hơn vì ở đây “loạn giá”. Khi tìm mua áo thun, quà lưu niệm ở chợ Bến Thành (quận 1), bà Monica (55 tuổi, người Australia) đã phải thốt lên: “Sao đắt thế” khi 1 miếng nam châm trang trí khá nhỏ được bán với giá 12 USD (khoảng 280.000 đồng).

Mức giá này còn đắt hơn ở Australia. Tôi có thể mua món hàng tương tự với 3 USD, tầm 80.000 đồng. Tuy nhiên, tôi cố thông cảm đây là cách họ kinh doanh, kiếm tiền để sinh sống“, bà Monica nói. Nhờ trải nghiệm này mà chỉ sau 1 tuần sống ở TP.HCM, người phụ nữ này đã biết trả giá hoặc bỏ đi khi người bán nói thách quá cao để ‘cứu’ lấy chiếc ví của mình.

Khi đến chợ Bến Thành mua đồ, ông Alex (64 tuổi, quốc tịch Anh) cho hay tiểu thương nơi đây cũng “hét” giá 3 triệu cho chiếc đồng hồ. Sau 10 phút mặc cả và bỏ đi tận 2 lần, cuối cùng ông mới mua được món đồ với giá 700.000 đồng.

hình ảnh

Du khách e ngại việc bị ‘hét giá’ khi đi mua sắm, ăn uống tại Việt Nam – Ảnh: Dân trí

Sở dĩ nam du khách mặc cả được ‘như người Việt’ là bởi ông đã có kinh nghiệm du lịch qua nhiều nước châu Á. Ông hiểu rằng việc ‘hét giá’ hoàn toàn có thể xảy ra ở các khu chợ địa phương. Vì thế khi vào chợ Bến Thành, ông xác định rằng mình cần mua những gì, món hàng đó có giá trị bao nhiêu, vạch ra “mức trần” và không bao giờ chấp nhận giá đắt hơn.

Cũng bởi người bán thường nói thách hoặc thậm chí ‘hét giá’, không ít du khách nước ngoài được nhận lời khuyên phải mặc cả khi đi mua sắm ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Anh Phillip (người Australia) cho biết, anh chưa từng phải mặc cả khi mua hàng ở nước mình, bởi mọi thứ đều được niêm yết rõ ràng, dù mua hàng ở một khu chợ nhỏ. “Chúng tôi chỉ mặc cả khi mua nhà, mua xe hoặc thứ có giá trị lớn. Sao chúng ta không mua và bán với một mức giá đã được cố định từ trước, mà phải tốn thời gian và hoài nghi về một món đồ giá trị nhỏ?“, vị khách đến từ xứ sở chuột túi thắc mắc.

hình ảnh

Người Việt với nhau đôi khi còn bị ‘hét đẹp’ khi đi du lịch chứ đừng nói đến các vị khách nước ngoài, vốn không am hiểu nhiều về chuyện nói thách trong buôn bán tại một số nơi ở nước ta. Điều này đã khiến 1 số du khách nước ngoài có trải nghiệm không mấy vui vẻ, song nếu sống đủ lâu ở Việt Nam thì hẳn sẽ tự mình học được cách ‘bảo vệ ví tiền’ và chấp nhận việc ‘hét giá’ là 1 chiêu trò bán hàng của không ít tiểu thương. Thiết nghĩ trước khi đi du lịch ở quốc gia nào thì nên tìm hiểu kỹ về văn hóa địa phương, tránh rơi vào cảnh ‘dở khóc dở cười’ khi đi chơi, mua sắm.

Theo Webtretho