Khơ me Đỏ được trang bị vũ khí thế nào mà dám tấ.n cô.ng Việt Nam?
Trang bị vũ khí của Khơ me Đỏ được giới chuyên gia quốc tế đánh giá cao, hầu hết các loại súng ống pháo hạng nặng đều do Trung Quốc chế tạo theo mẫu Liên Xô.
Sau vài năm liên tục tiến hành các cuộc gây hấn trên khu vực biên giới với Việt Nam, ngày 23/12/1978, Pol Pot tập trung 10 sư đoàn với hàng chục nghìn quân tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta.
Cho tới bây giờ, vẫn còn nhiều luồng ý kiến khó hiểu vì sao Khơ me Đỏ lại dám “cả gan” tấn công vào một đất nước vừa đánh thắng hàng loạt cường quốc sừng sỏ nhất thế giới, một đội quân dạn dày kinh nghiệm và được trang bị rất tốt. Thậm chí, đội quân đó vừa được bổ sung thêm hàng trăm loại vũ khí hiện đại của phương Tây (*).
Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng Pol Pot nhận được sự hậu thuẫn đáng kể từ bên ngoài. Các sư đoàn chính quy của Pol Pot (khoảng 15-20 sư đoàn) cũng có vô số chỉ huy dạn dày kinh nghiệm cũng vừa trải qua các cuộc chiến với lực lượng Cộng hòa Khmer được sự hậu thuẫn của Mỹ.
Đặc biệt là việc chúng được trang bị khá tốt với các loại vũ khí không thua kém nhiều các đơn vị lục quân của QĐND Việt Nam. Theo tác giả Steven Heder, các sư đoàn Khơ me Đỏ được trang bị rất tốt bằng vũ khí của Trung Quốc.
Súng tiểu liên
Về vũ khí cá nhân, các binh sĩ Khơ me Đỏ đều được trang bị súng trường tiến công Type 56 (Việt Nam gọi là khẩu K56). Đây vốn là phiên bản của khẩu AK do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở kết hợp ưu điểm của khẩu AK-47 và AKM do Liên Xô sản xuất.
Cơ bản, Type 56 có cấu tạo và nguyên lý hoạt động tương tự AK-47, chỉ có vài khác biệt nhỏ như lưỡi lê ba cạnh gập gắn sẵn thay vì sử dụng lưỡi lê 6X2 kiểu lá lúa của AK-47, ngoài ra, đầu ruồi của súng còn được bảo vệ bằng một vòng tròn kim loại thay vì nửa vòng như AK-47.
Type 56 dùng đạn cỡ 7,62x39mm, tốc độ bắn lý thuyết 600-650 viên/phút, tầm bắn xa nhất 1.000m, hộp tiếp đạn cong 30 viên.
Ngoài ra, quân Pol Pot còn sử dụng khẩu súng trường M16A1 do Mỹ sản xuất – chiến lợi phẩm thu được sau khi đánh bại chế độ Khmer Cộng hòa. Tuy nhiên, có thể Khơ me Đỏ sử dụng hạn chế vì liên quan tới dự trữ đạn dược.
Lính Khơ me Đỏ.
Trung liên
Về trang bị trung liên, quân Khơ me Đỏ được cho là sử dụng phổ biến khẩu Type 56M LMG – Trung Quốc sản xuất trên cơ sở tham khảo khẩu RPD của Liên Xô. Súng sử dụng cỡ đạn 7,62x39mm với hộp tiếp đạn tang trống 100 viên, tốc độ bắn lý thuyết 650 phát/phút.
Bên cạnh đó, Khơ me Đỏ có thể vẫn sử dụng khẩu Type 53 – phiên bản Trung Quốc khẩu DP của Liên Xô. Type 53 sử dụng đạn 7,62x54mmR với tốc độ bắn 550 viên/phút.
Ngoài ra, khả năng rất cao Khơ me Đỏ còn có khẩu trung liên M60 do Mỹ sản xuất, đây là một trong những chiến lợi phẩm thu được sau năm 1975 từ quân đội chế độ Khmer Cộng hòa. Dẫu vậy, cũng như M16A1, M60 có thể không được sử dụng phổ biến vì lý do thiếu đạn dược.
Đại liên
Cũng như tiểu liên, trung liên, trang bị đại liên của Khơ me Đỏ có nguồn gốc Trung Quốc được chế theo kiểu Liên Xô như khẩu Type 54 – chế theo mẫu DShK 12,7mm và Type 53/57 theo mẫu SG-43 và SGM.
Cơ bản thông số kỹ thuật các khẩu súng sao chép này không khác nhiều so với mẫu Liên Xô, thậm chí chúng có thể sử dụng chung đạn dược với nhau.
Súng chống tăng
Trong khi bộ đội Việt Nam sử dụng phổ biến khẩu RPG-7 (ta gọi là B41) thì quân Khơ me Đỏ được Trung Quốc viện trợ khẩu Type 69 cũng được chế tạo trên cơ sở RPG-7.
Khẩu này được Trung Quốc sản xuất vào năm 1969 để thay thế Type 56 (sản xuất trên cơ sở RPG-2, Việt Nam gọi là B40). Chúng nhanh chóng trở thành vũ khí chống tăng tiêu chuẩn ở Trung Quốc và một số quốc gia trên thế giới, trong đó có cả quân Khơ me Đỏ nắm quyền ở Campuchia.
Súng chống tăng Type-69 có cỡ nòng 40 mm, trọng lượng 5,6 kg, dài 910 mm, tầm bắn hiệu quả 200 m và xa nhất đạt tới 600 m.
Nhìn bề ngoài Type-69 có nhiều điểm khác biệt so với RPG-7 như chỉ có một tay cầm so với 2, súng được trang bị một tay xách và ốp bao nòng làm bằng nhựa với các rãnh dọc thay vì bằng gỗ trơn như RPG-7.
Đáng chú ý, các loại đạn dành cho Type-69 đều do Trung Quốc sản xuất, khác biệt với đạn RPG-7 và không thể lắp chung cho nhau.
Pháo, súng cối
Về pháo mặt đất, Khơ me Đỏ được trang bị số lượng không rõ ràng, rất khó thống kê các cỡ súng cối 82, 120mm và pháo 76, 85, 122mm kiểu Trung Quốc cùng Liên Xô.
Trong đó, với súng cối, Khơ me Đỏ có thể có trong trang bị các kiểu súng Type 53 cỡ 82mm (Trung Quốc làm theo mẫu M-37 Liên Xô), có tầm bắn khoảng 3km, tốc độ bắn 25-30 phát/phút. Và kiểu 55 cỡ 120mm làm theo mẫu PM-43, tầm bắn từ 500m tới 5,7km.
Đối với trang bị pháo mặt đất, Khơ me Đỏ được cho là sở hữu hai kiểu pháo 76mm Zis-3 và 85mm D-44 của Liên Xô. Đây có thể hàng viện trợ cho lực lượng của Khmer Đỏ trong giai đoạn kháng chiến chống Đế quốc Mỹ.
Hai cỡ pháo lớn hơn gồm 122mm có thể là Type 60 do Trung Quốc chế tạo theo mẫu D-74 của Liên Xô. Nó có tầm bắn gián tiếp tối đa tới 24km, tầm bắn trực tiếp 1km.
Đặc biệt, Khơ me Đỏ được cho là đã nhận vài chục khẩu Type 59-1 – phiên bản Trung Quốc của khẩu M-46 130mm. Tầm bắn của pháo đạt ngang ngửa M46 của Việt Nam, 28km.
Pháo phòng không
Trong chiến tranh biên giới Tây Nam 1978-1979, quân Khơ me Đỏ cũng gây khó khăn không nhỏ cho lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam. Do đó, vũ khí phòng không của Pol Pot cũng là điều đáng quan tâm.
Nhìn chung, so với bộ đội phòng không Việt Nam, trang bị và kinh nghiệm của Khơ me Đỏ kém xa nhưng đủ để gây nguy hiểm ở tầm thấp với các kiểu pháo Type 59 và 55/65 – Trung Quốc sản xuất theo mẫu 57mm AZP S-60 và 37mm 61-K của Liên Xô.
Thực tế ở Việt Nam, hai khẩu pháo này đã “làm cỏ” hàng nghìn máy bay chiến đấu Mỹ trên bầu trời. Thế nên, việc các máy bay cường kích A-37 hay trực thăng UH-1 của KQND Việt Nam chịu thiệt hại trong cuộc chiến chống quân xâm lược trên tuyến biên giới Tây Nam và chiến dịch giải phóng Campuchia cũng là điều dễ hiểu.
Xe tăng – thiết giáp
Trong cuộc phản công trên biên giới Tây Nam đất nước, không có ghi nhận rõ ràng về việc Khơ me Đỏ sử dụng các phương tiện cơ giới. Mà thực tế, lực lượng vũ trang Pol Pot cho tới năm 1975 tổ chức hầu như là không tồn tại binh chủng tăng – thiết giáp.
Xe tăng Type 62 của Khơ me Đỏ được lực lượng vũ trang CHND Campuchia tái sử dụng vào những năm 1980-1990.
Về mặt chiến lợi phẩm, dẫu rằng lực lượng Khmer Cộng hòa được cho là có trong tay các xe tăng M24 của Mỹ hay AMX-13-75 của Pháp. Tuy nhiên, khả năng cao số này đều đã hư hỏng, thiếu vắng đạn dược.
Sau khi giành quyền kiểm soát ở Campuchia, Khơ me Đỏ được cho là đã nỗ lực xây dựng lực lượng tăng – thiết giáp với “hợp đồng” mua ít nhất 20 xe tăng Type 62 của Trung Quốc vào năm 1977, theo SIPRI số này được giao ngay năm 1978.
Đây là loại xe tăng duy nhất mà Khơ me Đỏ có trong tay tính tới thời điểm xua hàng nghìn quân xâm lược Việt Nam. Có thể do thời gian quá gấp gáp cũng như trang bị quá ít khiến cho Khơ me Đỏ không sử dụng chúng tấn công Việt Nam.
Dù vậy, theo các tài liệu của ta, quân Khơ me Đỏ sau đó có sử dụng Type 62 để đối phó với QĐND Việt Nam khi chúng ta tiến hành chiến dịch giải phóng Campuchia.
Tuy gây cho ta khó dễ, nhưng thực tế nếu đem so với xe tăng T-54 thì Type 62 không hề có cửa giành chiến thắng. Với lớp giáp mỏng manh 35-50mm, pháo tăng 100mm T-54 thừa sức chọc thủng ngay tháp pháo Type 62.
Trong khi đó, hướng ngược lại, pháo 85mm trên Type 62 với sức xuyên kém hơn và nhất là hệ thống ngắm bắn kém chính xác khó mà gây thiệt hại cho tăng ta.
Sau khi đánh đuổi bè lũ Khơ me Đỏ, chúng ta thu giữ được một số Type 62 và sau này giúp chính quyền mới ở Campuchia sử dụng để bảo vệ đất nước.
Tiêm kích siêu âm J-6.
Không quân
Có một điều ít ai biết rằng Khơ me Đỏ cũng có một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu nhưng hầu như không thể sử dụng. Theo SIPRI, năm 1978 Trung Quốc đã cung cấp cho Khơ me Đỏ 6 máy bay tiêm kích siêu âm F-6.
Đây là phiên bản xuất khẩu của loại J-6 được Trung Quốc sản xuất trên cơ sở tiêm kích MiG-19 của Liên Xô. Trong kháng chiến chống Mỹ, KQND Việt Nam cũng nhận được một ít J-6 và sử dụng khá tốt trong việc đối phó với máy bay của Mỹ.
F-6 trang bị cặp động cơ turbojet WP-6A đạt tốc độ tối đa 1.540km/h, tầm bay chiến đấu khoảng 600-800km, hỏa lực có 3 pháo 30mm. Khi cần, nó có thể mang được thêm thùng phóng rocket hoặc bom 250kg.
Không có ghi nhận Khơ me Đỏ từng sử dụng F-6 trong cuộc chiến xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam và cả trong giai đoạn sau đó. Nhiều khả năng, quân Khơ me Đỏ không kịp huấn luyện làm chủ F-6 khi mà nhận vào thời điểm năm 1978.
Chưa rõ năm 1979 khi chúng ta giải phóng Campuchia thì số phận các máy bay J-6 này ra sao?
(*) Sau 1975, QĐND Việt Nam thu giữ và tái sử dụng số lượng lớn các loại vũ khí trang bị của VNCH bao gồm các loại máy bay tiêm kích F-5, cường kích A-37, trực thăng UH-1, xe tăng M41/M48, thiết giáp M113, pháo tự hành 175mm, nhiều loại súng ống và kể cả tàu hải quân cỡ lớn… |