Khổ như… người Việt đi nước ngoài
Nhiều nước được hưởng chính sách miễn thị thực của Việt Nam. Nhưng công dân Việt lại gặp khó khi xin nhập cảnh vào một số nước trong nhóm này.
Những ai từng đi du lịch nước ngoài, tới những quốc gia phát triển như Mỹ, các nước trong khối Schengen sẽ thấu hiểu: Nếu không có một hồ sơ tài chính sáng sủa, một khoản tiết kiệm, một lịch trình hợp lý và kèm theo vô số những giấy tờ từ nhiều cơ quan, đoàn thể liên quan… hoặc một pháp nhân ở nước ngoài bảo lãnh… thì việc xin thị thực tới những nước này sẽ gặp vô số trở ngại, thậm chí là bất khả thi.
Xu hướng di dân mạnh mẽ do những diễn biến ngày càng khó lường trên toàn thế giới.
Muốn đi du lịch không chỉ cần tiền
Nếu như người dân từ các quốc gia có chiến tranh hay kém phát triển sẽ tìm mọi cách để đến tị nạn tại các quốc gia phát triển hơn thì ngược lại, những nước đang phát triển lại thôi thúc sự tò mò khám phá của những công dân đến từ nhiều quốc gia văn minh hơn…
Bối cảnh đó dẫn đến chính sách thị thực ở những nơi được coi là “điểm đến mơ ước” ngày càng siết chặt hơn. Điều đó lại gây khó cho người đi du lịch chân chính trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo bảng chỉ số Henley, Nhật Bản và Singapore là 2 quốc gia có quyển hộ chiếu “quyền lực” nhất với 190 quốc gia miễn visa cho công dân của họ. Việt Nam đứng thứ 90, với chỉ 51 quốc gia “chào đón” công dân Việt Nam mà không cần thị thực.
Điều nghịch lý là, để thu hút khách nước ngoài đến với Việt Nam, chính sách thị thực (visa) của Việt Nam dành cho công dân nhiều quốc gia đã rất cởi mở, nhiều nước được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương. Song, một số quốc gia trong nhóm này lại là nơi công dân Việt Nam gặp khó khăn nhiều nhất khi xin nhập cảnh.
Có người thân, chưa chắc được thăm
Chị N.T.M.V, có chồng làm việc tại CH Séc hơn 10 năm, quyết định xin nghỉ không lương 3 tháng để sang thăm chồng.
Có công việc ổn định ở Việt Nam, cùng lịch sử tài chính minh bạch… chị V. rất tự tin Đại sứ quán Séc không thể nào từ chối cấp thị thực cho chị. Ấy thế mà chị trượt…!
Lý do mà Đại sứ quán Séc đưa ra là chị không chứng minh được việc có chắc chắn rời khỏi Séc sau khi đến thăm chồng hay không.
Chị V. chỉ là một trong vô số trường hợp công dân Việt Nam bị từ chối cấp visa thăm thân nhân tại Séc. Đã có nhiều trường hợp tương tự khi xin thị thực đi Canada, Anh, Pháp, Đức hay Tây Ban Nha…
Một sự bất tín, vạn sự bất tin
Nếu theo dõi tin tức liên quan đến người Việt ở nước ngoài, sẽ gặp khá nhiều chuyện buồn như đi du lịch rồi trốn lại, đi xuất khẩu lao động nhưng bỏ việc để đi làm chui, đi du học nhưng bị đưa về nước vì vi phạm pháp luật sở tại…. Nổi tiếng nhất gần đây, có lẽ là chuyện 152 người bỏ trốn tại Cao Hùng, Đài Loan ngay sau khi đặt chân xuống sân bay tháng 12/2018.
Chị N.T.T. Thủy, Giám đốc đối ngoại của một công ty xuất khẩu lao động tại Hà Nội chia sẻ: “Khai thác được thị trường nước ngoài, tìm được đối tác tin cậy để đưa lao động Việt Nam đi đã khó, làm thế nào để lao động sang chịu khó làm ăn, không nhăm nhe bỏ trốn sang nước khác còn khó bội phần. Khi chúng tôi làm việc với đối tác, họ luôn canh cánh một câu hỏi: Lao động của các bạn không bỏ trốn chứ?”.
Thậm chí, nhiều đối tác còn khoanh vùng không tuyển lao động đến từ một số địa phương của Việt Nam – lý do họ đưa ra là “những người đến từ những vùng này rất hay trốn”.
Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã thực hiện nhiều biện pháp vừa bảo vệ, vừa ngăn chặn công dân vi phạm pháp luật nước bạn, thế nhưng, những vụ việc tai tiếng vẫn diễn ra, như con sâu làm rầu thêm nồi canh.
Một sự bất tín, vạn sự bất tin, những điều sai trái, vi phạm pháp luật sở tại của người Việt ở nước ngoài đã góp phần làm cho cơ hội sở hữu visa của những người ở trong nước ngày càng khó khăn.
Để tấm hộ chiếu của người Việt Nam trở nên quyền lực hơn
Ngược lại với khó khăn của người dân Việt Nam đi nước ngoài thì chính sách thị thực của chúng ta đối với công dân nhiều quốc gia trên thế giới đang ngày càng cởi mở hơn.
Hiện nay, có một làn sóng người nước ngoài đến Việt Nam để làm việc chui đang dần hình thành bởi logic: việc nhẹ, lương cao, chi phí cuộc sống rẻ…
Nhiều nước không còn thấy động lực để cũng thực hiện miễn thị thực cho công dân Việt Nam, theo một nguyên tắc sơ đẳng của bang giao quốc tế là nguyên tắc “có đi có lại”, bởi công dân của họ đã được Việt Nam đơn phương miễn thị thực.
Thậm chí, có nước còn chưa đáp ứng đề nghị chính đáng của Chính phủ ta về việc đơn giản hóa thủ tục thị thực để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam được đi lại dễ dàng hơn khi ra nước ngoài.
Nhìn trong khu vực, Malaysia đứng thứ 13 trên bảng xếp hạng Henley, đổi lại đã miễn thị thực cho hơn 160 quốc gia và và vùng lãnh thổ. Nguyên tắc “có đi có lại” rõ ràng là rất quan trọng trong câu chuyện “quyền lực” này.
Đã đến lúc cả Nhà nước lẫn người dân phải có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề này. Một mặt, người dân cần được trang bị những kiến thức cơ bản khi đi ra nước ngoài để tránh làm phương hại đến lợi ích và thể diện quốc gia.
Mặt khác, vấn đề chủ quyền – thể hiện qua chính sách thị thực của Nhà nước cũng nên được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn, để người dân cũng được nước ngoài đối xử công bằng như chính sách của ta dành cho du khách nước ngoài đến với Việt Nam.