Không hẹn ngày về: Câu chuyện buồn cho người viễn xứ
Lòng thành khẩn không được chấp nhận, bác Hoạt đòi lên đường sang Nga mặc cho gia đình tôi can ngăn và tha thiết mời ở cùng. (Đỗ Minh Thuyết, Thanh Hóa)
Lòng bố tôi vô cùng buồn khi tiễn bác Hoạt ra sân bay để thực hiện cuộc hành hương vô định nơi đất khách. Hai anh em nghẹn ngào nấc rung bần bật khi ôm nhau lần cuối trước khi lên máy bay. Người thì còn đây mà như sắp biệt ly mãi mãi.
Tôi sinh ra và lớn lên chỉ được nghe bố mẹ kể về một người bác vẫn còn vợ con nhưng lại sang Nga sống và làm việc một mình. Bác Hoạt là anh của bố tôi, nhà neo người nên phải đi học muộn và cưới vợ từ sớm. Bác thông minh và chăm chỉ nên sau khi đi làm, được nhà nước cử sang Liên Xô cũ để nghiên cứu sinh. Lúc tạm biệt Tổ quốc lên đường thì bác gái có bầu anh thứ hai.
Mấy năm học ở Liên Xô là thời gian khó khăn nhất nên bác Hoạt không có tiền về nước để thăm vợ con. Rồi khi học xong, bác ở lại làm việc bên Liên Xô vì được trả lương cao. Kiếm được tiền, bác mua nhiều loại hàng, đóng thùng gửi về nước cho gia đình. Tôi còn nhớ có lần bố phải ra tận Hải Phòng để nhận cái thùng gỗ to đùng, bên trong là đủ thứ, nào xe đạp, nào chậu nhôm… xung quanh chất đầy các bánh xà phòng thơm vào những chỗ có thể nhét được.
Tôi nghe bố kể lại rằng khi đi làm kiếm được tiền, bác Hoạt định mua vé máy bay về nước thăm vợ con và gia đình thì sự cố xảy ra. Có người từ Liên Xô về kể chuyện cho bác gái nghe rằng, ở bên kia bác Hoạt cặp bồ với một người làm cùng quê ở Hải Dương. Bác gái khi mới lớn đã được gả chồng, bao nhiêu yêu thương đều dành cho người chồng tài hoa, hy sinh cả tuổi thanh xuân, một thân một mình nuôi lớn hai anh trong thời buổi hợp tác xã, thời buổi có thể nói là khó khăn nhất của đất nước. Nay lại được tin người chồng phụ bạc thì bao nhiêu yêu thương hóa giận thù.
Mặc dù được gia đình bên nội động viên rằng bác trai xa vợ thì có những phút yếu lòng là chuyện khó tránh khỏi, quan trọng là vẫn còn tình cảm và trách nhiệm với vợ con ở nhà, nhưng bác gái nhất định không chịu, viết thư cho chồng cắt đứt quan hệ và xin phép bên nội mang hai anh về bên ngoại ở. Bác Hoạt viết nhiều thư về cho vợ, nhưng mọi lời lẽ đều không thể thuyết phục được bác gái. Sau đó bác gái chuyển nhà đến tỉnh khác ở và bác trai mất liên lạc kể từ đó. Buồn cảnh bị vợ bỏ, bác Hoạt ở luôn bên Liên Xô không về nữa. Tôi còn nghe kể, sau khi ông bà nội mất thì bác trai chuyển nơi làm và không còn liên hệ về quê nữa.
Nhiều giả thiết được cha mẹ tôi đưa ra, có thể là bác Hoạt đã lấy vợ mới, trong khi những người thân yêu nhất đều không còn nên bác không liên lạc về, hoặc cũng có thể là bác bị ốm đau, bệnh tật rồi mất trí nhớ không liên hệ. Có một giả thiết mà được dựa vào câu chuyện có thật trong làng – anh Nam đi xuất khẩu lao động bên Nga, làm ăn buôn bán rất giỏi, có rất nhiều tiền nhưng không may bị bọn xã hội đen giết để cướp tiền, cướp mối làm ăn. Tệ hơn nữa là một số người lại nói bên trời Tây quan niệm thoáng, dễ cặp bồ bịch lăng nhăng nên có thể bị dính bệnh xã hội mà chết.
Hơn 40 năm đi nước ngoài và mất tin tức, hai tháng trước bố mẹ tôi vô cùng ngạc nhiên khi bác Hoạt đột ngột trở về. Theo lời kể thì hồi đó bác làm phiên dịch, đi công trường bất cẩn nên bị tai nạn. Bác hôn mê cả tháng, may mà kỹ thuật bên đó tiên tiến nên mới cứu sống được tính mạng, sau đó bác giảm trí nhớ trầm trọng, đến địa chỉ xã cũng viết sai từ Hoằng Trung thành Hoằng Trinh nên gửi thư không được. Sau khi bình phục, bác vẫn làm phiên dịch và ở vậy cho đến nay.
Cả gia đình tôi và bác tuyệt nhiên không đề cập đến chuyện bồ bịch trước đây. Đến nay, việc phiên dịch tiếng Nga đã không còn nhiều như trước nữa, mà bác chỉ làm theo thời vụ hoặc theo thời gian ngắn. Mặt khác, bác cũng ở tuổi cao, sức khỏe không còn như xưa để vùng vẫy nơi đất khách, nên quyết định về Việt Nam tìm lại vợ con xin đoàn tụ. Bác gái vẫn cố chấp không tha thứ “Tôi đã quen sống không có ông từ lâu rồi”. Lòng thành khẩn không được chấp nhận, bác Hoạt đòi lên đường sang Nga mặc cho gia đình tôi can ngăn và tha thiết mời ở cùng.
Lần tha phương này của bác Hoạt lại không hẹn ngày về…
Đỗ Minh Thuyết