“Không sa y không về” – Văn hóa nh.ậu ng.u ngốc của người Việt!
Tôi thích uống rượu và thích luôn cả những người hay uống rượu. Người hay uống tôi quen thường là những người nói thẳng, không vòng vo Tam quốc. Họ cũng nhanh chóng đưa ra quyết định trong công việc. Họ yêu đời và yêu người nên tôi cũng yêu họ.
Nhưng hơn lúc nào hết, tôi thấy rất cần phải nói về rượu và cách uống rượu trong xã hội hiện nay.
Lịch trình của tôi trong chuyến công tác tháng trước: Sáng thứ 6 phát biểu về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia trên diễn đàn Quốc hội, chiều thứ 6 tới bệnh viện Sơn La hỗ trợ chuyên môn. Sáng hôm ấy, tôi đã phát biểu rằng, nếu bộ luật này khi được thông qua khi còn quá nhiều điều khoản dài dòng, không phù hợp như Chính phủ trình thì hiệu quả sẽ thấp, vì không phù hợp với thực tế của “phong trào” rượu bia đang lên rất cao của Việt Nam. Tối, thực tế ấy đã được anh em Sơn La chứng minh một cách sinh động nhất. Về đến phòng khách sạn, tôi còn không tìm được công tắc bật đèn.
Cái sự uống rượu đã gắn liền với cuộc sống từ lâu lắm rồi, có lẽ từ khi loài người còn “ăn lông ở lỗ”. Ai trong chúng ta không có kỷ niệm khó quên về một cuộc hội ngộ mà luôn kèm theo những ly rượu, cốc bia?
Nhưng cái văn hoá rượu ở xứ mình hiện nay thì tôi xin chào thua. Uống ngày, uống đêm, uống vì bất cứ lý do gì, buồn, vui, không buồn hay không vui cũng uống, uống mỗi khi gặp nhau, sinh nhật của bạn của thằng bạn… Và đặc biệt là phải uống lấy say. Không say không về. Say mới là bằng chứng cho “tình cảm thật lòng”, là “yêu thương nhau thực sự”.
Chính vì cái văn hoá ấy mà nhiều khi người ta không nói “hẹn gặp lại nhé” mà là “hôm nào ngồi (uống) với nhau tý nhỉ?”. Và cũng có lẽ vì văn hoá ấy mà hầu hết quan chức thời nay đều giỏi uống rượu. Không biết uống làm sao ngồi cùng mâm “các cụ” được.
Khỏi nói hậu quả của bia rượu, vì báo chí nhắc ra rả hàng ngày, bao nhiêu người ch.ết, bao nhiêu người bị thương, chỉ có bao nhiêu trái tim tan nát thì chưa thống kê đầy đủ. Là một bác sỹ, tôi không thể kể hết những vụ tai nạn thương tâm đã gặp trong công việc của mình.
Cùng đoàn xe khám bệnh thiện nguyện của chúng tôi, hai buổi chiều cuối năm, hai thanh niên say rượu lao đầu vào. Vụ đầu tiên cách đây năm năm tại Mường Lát, Thanh Hoá đã cướp đi sinh mạng một con người. Vụ thứ hai mới xảy ra thứ bảy tuần trước, khi đoàn chúng tôi đi ra khỏi địa bàn xã Phiềng Luông, Bắc Mê, Hà Giang. May mà cậu thanh niên ấy không ch.ết, nhưng anh không thể ngóc đầu lên cổ vũ chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. Còn đoàn xe của chúng tôi thì 6 giờ sáng mới về được đến Thủ đô.
Chính cái văn hoá uống rượu “Made in Việt Nam” này làm xấu đi hình ảnh thưởng thức rượu rất tao nhã được thi ca ghi lại. Nói đến đi uống là các bà đã nhảy chồm chồm vì biết là sẽ phải đón về một cái bị rách bốc mùi khi gần sáng. Chúng tôi có uống rượu đâu mà là rượu uống chúng tôi đấy chứ, thích thú gì đâu.
Vậy nên chắc chẳng có điều luật nào có thể ngay lập tức giảm việc tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam trong giai đoạn này. Giải pháp đơn giản, không tốn kém và hiệu quả nhất là Chính phủ cần sớm ban hành một nghị định quy định về việc quản lý rượu bia với những điều cấm chi tiết, rõ ràng. Nghị định cấm pháo nổ hay nghị định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã thành công theo cách ấy.
Cụ thể hơn, nghị định này cần làm rõ các hành vi của người sử dụng rượu bia, ở các điểm:
Thứ nhất là tuổi được phép mua rượu và uống rượu. Chính phủ đã ban hành Nghị định 40 về sản xuất và kinh doanh rượu, trong đó cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Chúng ta cũng đã có chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh rượu, trong đó ai bán sản phẩm rượu cho người chưa đủ 18 tuổi có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Nhưng vấn đề là các chế tài đó không được thực thi. Vì thế, nên bổ sung cấm và phạt cả những người bán hoặc uống rượu cùng vị thành niên nữa. Trong nhiều trường hợp, họ là tác nhân chính.
Thứ hai, khoanh vùng lại các sản phẩm với nồng độ cồn cao được bán đại trà trong các siêu thị, các cửa hàng, các quán ăn, khách sạn… Nơi nào có giấy phép đặc biệt mới được bán rượu nồng độ cồn cao.
Thứ ba, công bố danh sách những địa điểm tuyệt đối không được bán hoặc sử dụng rượu bia như trường học, công sở, bệnh viện, các địa điểm tôn giáo… Và có biện pháp giám sát, thực hiện phạt hiệu quả những vi phạm này. Thái Lan đã làm điều này rất tốt.
Sửa đổi văn hoá rượu ở nước ta không thể chỉ bằng lời nói. Người ta đã hô hào “hãy ngừng uống rượu bia” bao nhiêu năm nay nhưng tác dụng thế nào chắc chúng ta đều thấy. Việc luật hóa các hành vi với chất có cồn là cần thiết, nhưng để nó hiệu quả bền vững, không gây lãng phí nguồn lực của xã hội lại không hề dễ dàng.
Xin dẫn bài thơ tôi rất tâm đắc của Ôma Khayyam (1040 – 1112), nhà triết học, toán học lớn người Iran để kết thúc bài viết này.
“Rượu chỉ cấm với những người ngu ngốc
chứ không phải với người thông minh và có học
Uống rượu là cần nếu anh biết rằng anh
uống với ai, lúc nào, mấy cốc…”
Nguồn: Vnexpress