Làm gì khi không có bảo hiểm sức khỏe ở Đức?
Nước Đức hùng cường, mảnh đất hứa của cả thế giới hướng về đây để được hưởng sự bảo trợ xã hội, trong đó có bảo hiểm sức khỏe.
Ít ai nghĩ rằng con dân họ và có cả những người Việt định cư ở đây đã lâu lại không đủ tiền đóng bảo hiểm sức khỏe cho mình.
Nguyên nhân và thực tế
Từ 1-1- 2007, luật bắt buộc mọi công dân sống ở Đức phải đóng bảo hiểm sức khỏe (Người hưởng trợ cấp xã hội thì được bảo hiểm nhà nước trả tiền) nhưng theo thống kê của AOK, vẫn có hàng trăm nghìn công dân, chưa kể những người sống bất hợp pháp ở Đức, không đóng bảo hiểm sức khỏe (BHSK).
Vì sao lại thế và họ là ai? Họ chính là những người kinh doanh, hành nghề tự do hoặc lao động thời vụ hay hợp đồng trọn gói. Những đối tượng này khác với những người đi làm, chủ và lao động mỗi người trả một nửa, không trốn tránh được thì những đối tượng này đều phải tự đóng BHSK được tính theo mức thu nhập. Thường với mức lương cơ bản đủ sống họ phải trả 369,20 euro/ một tháng.
Do kinh doanh, tự hành nghề đều có một tính chất chung là thu nhập bấp bênh. Vì thế khi có tiền thì còn đóng được, khi hết tiền hoặc tâm lý tiếc tiền không muốn trả, họ lại còn trẻ khỏe ít ốm đau hoặc lười đi khám bệnh. Trong khi hàng tháng phải trả một khoản tiền không nhỏ.
Ảnh minh họa
Ngày tháng trôi qua số tiền nợ quỹ BHSK lên quá cao khiến họ muốn trở lại cũng quá ngại ngần và càng lâu càng không đủ khả năng chi trả. Đây là lý do vì sao số người không đóng BHSK lại nhiều đến thế. Đây là đối tượng liều lĩnh vì ai cũng biết chi phí y tế ở nước Đức cao đến thế nào. Chỉ ốm vài ngày nằm viện là trả tiền nghìn rồi. Còn nếu bệnh nặng hay tai nạn thì không thể nào chi trả nổi.
Người Việt không đóng BHSK vì sao?
Giờ xin kể về người Việt nam, số người này không phải ít. Họ cũng như người Đức là rơi vào hoàn cảnh như đã kể trên, tức chủ yếu là tâm lý nhưng khác với người Đức, nhiều người Việt còn hạn chế về sự hiểu biết.
Ngoài ra, nhiều người Việt “điếc không sợ súng”. Ốm đau lặt vặt thì mượn thẻ của người khác. Cũng như thẻ ADAC, thậm chí cả hộ chiếu cũng cho nhau mượn. Thói quen tệ hại này khiến họ thường rơi vào cảnh “Tham đĩa bỏ mâm”. Khi hữu sự nghiêm trọng không phải ai cũng sẵn sàng cho mượn thẻ. Nhất là nếu bị phát hiện, người cho mượn và người mượn giấy tờ đều là việc bất hợp pháp nên sẽ vô cùng rắc rối.
Sau đây là ít ví dụ thực tế của người Việt không có BHSK ở nước Đức, họ đều là người quen của tôi. Anh K. ở bang Sachsen, ốm không đi khám, chỉ một năm sau anh mất. Mà anh bị bệnh gì? Cao huyết áp với tiểu đường – đều là bệnh có khả năng chữa trị để kéo dài cuộc sống bình thường, nếu dùng thuốc và khám bệnh đều đặn.
Đến anh Q. cũng ở bang Sachsen, bị ung thư phải bay về Việt Nam mổ. Khi tôi hỏi anh lý do vì sao. Anh kể ban đầu anh cũng có đóng ở AOK nhưng rồi làm ăn khó khăn nên cứ nợ rồi dần dần nhiều quá không đủ tiền để đóng. Anh P. ở Berlin lại trường hợp khác. Anh làm việc cho một hãng do người Việt làm môi giới. Họ trả tiền cho anh Netto, anh phải tự trả BHSK và các khoản tiền khác như luật định. Nhưng có tiền anh không muốn đóng. Anh H cũng ở Berlin, làm việc thời vụ phải tự đóng các mọi khoản. Anh H., cũng như anh P., chọn trốn khoản tiền anh cho là không cần thiết đó.
Trên đây chỉ là vài ví dụ nhỏ. Hỏi kỹ càng hơn thì các anh cho biết giờ có tuổi rồi không phải là không lo. Nhưng không biết làm gì vì cao tuổi đến hãng bảo hiểm tư nhân họ không muốn nhận, mà nếu nhận thì quá cao không có tiền để đóng.
Giải pháp là gì ?
Chỉ cần vài cái nhấp chuột tìm kiếm về “người không có BHSK phải làm gì”. Hàng loạt thông tin sẽ hiện ra chỉ cho bạn cách giải quyết. Nhưng vì sao người ta vẫn không quan tâm ?! Từ những thông tin thực tế đó, tôi đi gặp các hãng BHSK, các bác sĩ cũng như qua các tài liệu chính thức để tìm hiểu vấn đề thì theo như tư vấn của hãng bảo hiểm AOK, những đối tượng trên có mấy giải pháp.
Ảnh minh họa
Một là tiếp tục gửi đơn xin trở lại hãng bảo hiểm trước đây là thành viên. Về luật thì trước đóng hãng nào giờ hãng đó sẽ phải nhận lại. Số tiền BHSK hàng tháng được tính theo bảng lương trong thời gian trước một năm. Còn số tiền nợ được cho trả dần hàng tháng và cũng dựa theo thu nhập hiện tại tức bảng lương và thỏa thuận của hai bên.
Trường hợp thứ hai là nghỉ hẳn kinh doanh hoặc hành nghề, lúc này bạn sẽ được hưởng BHSK cùng gia đình nếu vợ hoặc chồng đang ở hãng AOK. Thực tế thì nếu thu nhập quá thấp họ vẫn được ăn theo gia đình nhưng do trước đấy nhiều người tính toán để vợ con ở AOK còn mình đóng BHSK tư nhân cho rẻ. Nhưng các hãng tư nhân sẽ tăng tiền theo tuổi tác vì vậy càng ngày càng đắt, muốn quay lại AOK lại phải chuyển tên cho vợ nhưng cũng phải trước 55 tuổi. Lằng nhằng mà vẫn tốn tiền nên cứ thế lờ đi cho đến lúc đau ốm kiệt quệ mới thôi
Cách thứ ba là đóng cửa hàng hoặc sang tên rồi xin đi làm hoặc ký hợp đồng lao động cho người đứng tên trong giấy tờ (ý này AOK không tư vấn). Việc quan trọng nhất là nối lại được bảo hiểm khỏi lo canh cánh trong lòng.
Nước Đức không để cho ai phải bước đến đường cùng. Tôi có nhiều người bạn sau khi nghe phân tích, khuyên giải đã giải quyết được vấn đề. Họ đã có BHSK chỉ với một việc bước qua rào cản tâm lý của chính mình cộng thêm có người tư vấn đúng hướng. Bài viết ngắn này của tôi không thể chuyển tải được mọi vấn đề nhưng về cơ bản chỉ có từng ấy bước mà thôi. Tôi hy vọng có thể giúp cho những ai đang trong hoàn cảnh sẽ giải quyết được điều họ lo lắng lâu nay.