Lầm tưởng cuộc sống ‘như mơ’ khi du học Hàn Quốc
Nhiều bạn chọn đi du học sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, trong đó có du học nghề với mong ước đổi đời.
Đi du học rồi mới học ngoại ngữ
Để du học, du học sinh cần phải thông thạo ngôn ngữ cũng như có được bằng cấp ngôn ngữ tương ứng. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều bạn hoàn thành chương trình phổ thông đã chọn đi du học khi chưa đạt trình độ ngôn ngữ nhất định.
Mặt khác, nhiều quốc gia quy định sinh viên phải học thêm khóa ngôn ngữ trước khi học chuyên ngành. Điều này càng khiến nhiều bạn du học sinh mang tâm lý chủ quan.
Tuy nhiên, cuộc sống xứ người không giống như đa phần các bạn trẻ vẫn nghĩ.
Bùi Mỹ Hạnh chia sẻ: “Hầu hết các bạn mang tâm lý qua Hàn Quốc đằng nào cũng học, nên chuẩn bị ở Việt Nam không kĩ. Học sinh của mình kém hơn hẳn so với các bạn Trung Quốc và các nước khác”.
Cuộc sống sinh hoạt của các bạn cũng trở nên khó khăn hơn với rào cản ngôn ngữ. Mỹ Hạnh nói: “Không biết tiếng, việc giao tiếp rất khó khăn. Người ta nói chuyện, mình không hiểu nên xin việc cũng rất khó. Có khi đi siêu thị mua đồ lại mua nhầm loại muốn mua là chuyện bình thường, vì không hiểu từ”.
Bùi Lê Hương Dịu (sang Hàn Quốc du học đã 8 tháng), cũng chia sẻ: “Mọi người đánh đồng việc du học sẽ có cuộc sống tốt hơn, hoặc ít ra cầm bằng tốt nghiệp nước ngoài về nước sẽ có việc làm ngay, nhưng ít ai biết cuộc sống bên đây cũng khó khăn không kém”.
Đi nước ngoài để làm thêm
Từng làm thêm tại công ty tư vấn du học khi còn học tại Việt Nam, Mỹ Hạnh cho biết: “Bây giờ các bạn đổ xô đi Hàn Quốc mà không tìm hiểu kĩ, chỉ biết qua quảng cáo là dễ tìm việc, mức lương cao, học ít làm nhiều… Việc làm hồ sơ thì dựa hết vào công ty du học nên rất bị động”.
Trong các nhóm dành cho học sinh du học, câu hỏi được nhiều bạn quan tâm là “Có dễ kiếm việc làm không?”. Tuy nhiên, trước cuộc sống ở xứ người, việc đi làm vẫn luôn là thách thức.
Du học Hàn Quốc để kiếm tiền trả nợ, làm giàu?
TTO – Bỏ học, trốn học đi làm bất hợp pháp để kiếm tiền là tình trạng xảy ra không ít trong du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay.
Hương Dịu cho biết cuộc sống của cô ở Hàn Quốc không như thiên đường mà mọi người thường nghĩ, nhất là khi các chi phí lần lượt kéo đến, phải đi làm thêm để chi trả.
Theo luật nhập cảnh của Hàn Quốc, du học sinh phải sang 6 tháng thì mới được đi làm. Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, thời gian đầu, Hương Dịu phải vay người quen để chi chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều bạn vừa qua 1-2 tuần đã phải đi làm “chui” vì không đủ tiền, khi làm thì lại bị “quỵt” tiền.
“Đi làm, mỗi ngày mình làm 4 tiếng, mỗi tiếng được trả 6.500 won. Một tháng kiếm được khoảng 700.000 won, trong đó phải trả tiền phòng hết 200.000 won. Số còn lại, mình chia cho tiền học phí, sinh hoạt, ăn uống và các chi phí phát sinh như tiền sách, tiền làm hồ sơ, tiền khám sức khỏe”.
Tuy nhiên, Hương Dịu cũng cho biết tìm công việc tốt ở Hàn Quốc không phải dễ, vì trường nào cũng 6-7 triệu học sinh, sinh viên. Cô đi đâu cũng gặp người Việt Nam tìm việc.
Nhìn chung, du học sinh nữ thường làm tại các xưởng sản xuất, quán ăn; các bạn nam làm vận chuyển hoặc xây dựng. Mỹ Hạnh chia sẻ: “Có những ngày mình đi làm về muộn, đường phố vắng, ga tàu không có người. Cũng có ngày mình phải ăn vội bữa cơm trên xe hay vừa đi vừa ăn để vào làm, rửa bát có khi đến vài trăm cái, chà nồi niêu đau cả tay”.
Một ngày của các du học sinh thường bắt đầu bằng việc đi học ở trường. Sau giờ học, các bạn đi làm thêm, đôi khi đến tối khuya mới về phòng. “Công việc vất vả, có khi làm cả đêm nhưng có thể kiếm được nhiều tiền. Đó là đối với các bạn may mắn hoặc có người giới thiệu. Số còn lại khổ lắm. Nhiều khi ăn mì tôm cả tháng là chuyện rất bình thường”, Mỹ Hạnh cho biết.
Theo: tuoitre.vn