Làm việc ở Mỹ – Không cần nịnh bợ, không cần quà cáp, đó là điều tôi rất thích
Sang định cư Mỹ 15 năm là có đến 13 năm rưỡi tôi làm việc với người Mỹ.
Hồi mới sang thì ở nhà một thời gian vì con nhỏ. Sau đó xin vào làm một hãng nhựa của Rubbermaid, chuyên sản xuất những đồ đựng bằng nhựa. Công việc làm theo dây chuyền này hình như chẳng phải suy nghĩ gì, cứ hàng ra thì lượm, gắn chúng lại với nhau rồi gắn lables, đóng vô thùng, chuyển lên dây chuyền cho chạy vào xưởng. Chỉ đơn giản thế thôi. Vì đơn giản nên tiền lương cũng rất giản đơn. Hai vợ chồng cùng làm một hãng nhưng khác ngày nên những ngày vợ làm thì chồng nghỉ để chăm con.
Công nhân làm việc tại tòa nhà One World Trade Center ở New York.
Với tôi, công việc này so với những ngày một nắng hai sương ở ngoài Trung thì chẳng là gì cả. Ở hãng nhựa này, phần lớn lao động là dân Châu Á và Mexico. Đến từ những quốc gia nghèo khó nên ai cũng… ngoan và lao động chăm chỉ. Trong hãng có một vài người Việt nên cũng có người để tâm tình, cũng vơi đi nỗi nhớ nhà.
Làm hãng nhựa một thời gian, nghe chị bạn nói là hãng làm đồ part cho xe tải tuyển người và trả giá rất cao, thế là tôi hỏi địa chỉ và tự đến xin việc. Cũng vì cái tội ham làm để có tiền gửi cho gia đình hai bên nên nghe nói trả giá cao là nhảy vào chứ không suy nghĩ gì nhiều. Vào hãng làm mới biết là công việc này không dành cho phụ nữ. Cả hãng có đến 150 công nhân, mà chỉ có 7 công nhân nữ. Công việc là cho những miếng nhựa (một loại nhựa đặc biệt) vào những cái khuôn rất lớn để đúc những bộ phận bằng nhựa của xe tải, ca nô. Những chiếc khuôn này, có nhiều chiếc to như những ngôi nhà, và cực kì nóng.
Khi khuôn được máy nhấc lên, hơi nóng bốc quật vào mặt, vậy mà cũng phải lao vào đem bộ phận đã đúc ra, rồi bỏ nhựa mới vào để đúc cái mới vì nếu không alarm sẽ kêu và sếp sẽ rầy. Chủ nghĩa tư bản mà, làm việc là phải có năng suất. Tụi sếp nó đi lại và kiểm tra sản phẩm, kiểm tra số lượng. Nếu máy hư thì mình phải viết xuống thời gian máy nghỉ, nếu không sẽ bị phàn nàn sao không làm đủ số nhàn chút nào.
Khi lấy part ra khỏi khuôn, mình chờ cho nguội một chút (khoảng thời gian này là thời gian mình bỏ nhựa vào để đúc cái mới), rồi dùng dao gọt sơ qua, sau đó dùng mài để mài cho đến khi nhẵn nhụi, bóng loáng… Có khi mài chưa xong thì cái mới đã sẵn sàng. Mùi nồng của nhựa, hơi nóng và bụi làm cho áo quần lấm lem. Bởi vậy, dù mùa hè nóng như lửa đốt, khuôn đúc nóng, hãng không có máy lạnh (bởi chẳng có máy lạnh nào chịu nỗi cái nóng của khuôn), ai làm trong này cũng phải mặc một lớp áo giấy phủ bên ngoài và mang khẩu trang kín mít để không phải hít bụi nhựa.
Cho đến giờ phút này, chồng tôi chỉ biết là thời gian đó tôi làm hãng này rất vất vả, nhưng có lẽ anh cũng không mường tượng cái vất vả đến mức đó.
Lí do tôi không bỏ hãng này dù vất vả, không phải chỉ vì lương cao, mà còn vì bảo hiểm sức khỏe của hãng này rất tuyệt vời. Mỗi tháng, công nhân chỉ trích ra có 16 đô, còn bao nhiêu hãng trả cho hết. Con gái tôi thì nay đi bệnh viện, mai đi bác sĩ nhưng hai vợ chồng chẳng phải trả tiền túi đồng nào. Vì là hãng lớn nên tất cả các quyền lợi đều cao chứ không riêng gì bảo hiểm. Cuối năm hãng cho công nhân nghỉ cả hai mươi ngày và trả lương đầy đủ. Mỗi khi công nhân bị cho nghỉ việc vì ít hàng, hãng vẫn trả bảo hiểm đến một năm sau, mỗi tháng mình chỉ đóng tượng trưng 16 đô.
Thời gian làm ở hãng này thì tôi chủ yếu làm việc với người Mỹ và một số ít người châu Á (phần lớn người Lào) và một vài người Việt Nam. Đây là thời gian tôi học nói và nghe tiếng anh. Vốn từ vựng thì không nghèo, vì đã học ở Việt Nam, chỉ là không được nói nhiều vì học ở Việt Nam thời đó chủ yếu là đọc và viết. Bấy giờ mới có cơ hội để thực tập.
Làm bạn với một số người Lào, tôi thấy họ rất dễ thương. Họ rất giữ uy tín và trung thực. Nói thiệt, thời gian tôi làm việc ở đây, tôi tin tưởng họ hơn là những người Việt làm chung. Là phụ nữ làm công việc nặng, có nhiều lúc mấy anh bạn Lào lùn dễ thương đỡ đần công việc cho tôi rất nhiều. Điều này làm cho người Việt làm chung tưởng là tôi cặp bồ với mấy anh này!
Với những người Mỹ làm ở hãng này thì khác. Họ đối xử với tôi cũng như những công nhân khác. Tuy nhiên, hễ tôi cần giúp thì họ sẵn sàng giúp. Tôi nhỏ con nhưng được cái là siêng năng và nhanh tay nên rất được lòng sếp. Vì vậy mà hễ yêu cầu gì của tôi, dù có hơi khó chấp nhận, sếp cũng mỉm cười cho qua trạm.
Vào làm việc nơi đây tôi mới nhận ra một điều: thì ra người Mỹ cũng làm biếng học hành ghê. Có mấy vị viết sai chính tả đến nỗi một đứa Á Châu với vốn tiếng Anh ít ỏi như tôi cũng nhận ra. Vì khi tôi mới qua đây, cứ tưởng người Mỹ siêng học hành, thông minh, đỗ đạc và không phải đi làm những công việc tay chân như những người tị nạn.
Thời gian làm việc ở hãng đồ part cho xe tải giúp tôi chiêm nghiệm được một điều: rõ ràng là chuyện kì thị vẫn tồn tại vì tôi có thể nhận ra trong ánh mắt của họ, nhưng họ không làm cho mình cảm thấy thấp hèn, họ chỉ làm cho mình cảm thấy là mình “khác” người ta mà thôi.
Kế nữa là tuy rằng làm việc có trên có dưới, có sếp có lính, nhưng tuyệt đối không có chuyện nịnh bợ và đút lót như ở Việt Nam. Làm hết giờ thì ra về, hết tuần thì lãnh lương, chuyện ai nấy làm, mình làm tốt thì không bao giờ bị khiển trách. Lễ lộc, năm mới, sếp và lính chỉ nói với nhau “Happy New Year”, “Merry Christmas” là xong. Chẳng phải quà cáp hay nịnh bợ gì. Điều này là điều tôi rất thích.