Lấy lính hải quân Mỹ, mẹ Việt liệt giường sau 4 tháng sinh con ở nước ngoài
Chị Hiệp Phố chỉ được trải nghiệm cảm giác làm mẹ bỉm sữa trong 4 tháng, sau đó là khoảng thời gian dài nằm liệt giường, thường xuyên vào viện cấp cứu.
“Đạo nào bằng đạo phu thê/ Tay ấp má kề sinh tử có nhau”. Không chỉ ở bên nhau 17 năm, vợ chồng chị Nguyễn Ngô Hiệp Phố (tên nước ngoài là Haylee, 36 tuổi) và anh Ngô Minh Vương (37 tuổi, lính hải quân Mỹ) đã thực sự cùng nhau đối mặt với sinh tử, viết nên câu chuyện khiến bao người xúc động.
Chị Hiệp Phố và anh Minh Vương sinh sống ở Mỹ, quen biết nhau qua mạng xã hội và quyết định hẹn hò sau vài lần gặp mặt trực tiếp. Ở bên nhau khi mới đôi mươi, họ đã có kết thật đẹp bằng một đám cưới vào năm 2011 và đón nhận con gái đầu lòng – bé Lexy vào năm 2016.
Vợ chồng chị Hiệp Phố nhận được nhiều chú ý sau khi xuất hiện trên chương trình “Vợ chồng son”.
Những tưởng sau khi có con, gia đình sẽ càng thêm trọn vẹn và viên mãn thì chỉ 4 tháng sau sinh, biến cố đã xảy đến. Chị Hiệp Phố bất ngờ phát bệnh lạ, không thể đi lại và phải nằm ở phòng chăm sóc tích cực (ICU) suốt 4 tháng trời. Căn bệnh quái ác cướp đi khả năng đi lại của người mẹ Việt kiều, dày vò thể xác chị, biến những hoạt động bình thường nhất như ngồi dậy hay ăn cơm trở nên khó khăn, phải có người giúp đỡ. Anh Vương đã xin nghỉ phép 2 năm để chăm sóc vợ.
Nhiều lúc mặc cảm, chị Hiệp Phố còn có suy nghĩ “đuổi” chồng đi, để anh tìm kiếm hạnh phúc mới. Tuy nhiên, anh Vương vẫn một lòng chung thủy với người bạn đời. Hiện tại, sau 4 năm “chiến đấu” với bệnh tật, chị Hiệp Phố may mắn vẫn có ông xã yêu chiều hết mực, con gái nhỏ của chị cũng dần lớn khôn và thấu hiểu cho mẹ, bản thân chị cũng có được những phục hồi tích cực – có thể tự ngồi dậy và chăm sóc cho bản thân. Bên cạnh đó, chị còn tự xây dựng kênh Youtube Haylee 415 để tâm sự với khán giả.
Gia đình nhỏ của chị Hiệp Phố, chụp cùng với mẹ con nghệ sĩ Thúy Nga.
Lắng nghe câu chuyện của chị Hiệp Phố, ai nấy không khỏi xúc động trước mong ước tưởng chừng như giản đơn nhưng cũng đầy xót xa của người mẹ Việt Kiều. Chị ước có thể đi lại, đưa con đến trường và nấu cho gia đình thật nhiều món ngon.
Chào chị Hayley, rất cảm ơn chị đã nhận lời tham gia phỏng vấn. Không biết con gái đã đến với gia đình mình như thế nào, thưa chị?
Lúc đầu vợ chồng mình không có ý định sinh con, cảm thấy nuôi chó cũng đủ rồi. Tuy nhiên ở bên đây (Mỹ – PV) không có dòng họ hay bà con thân thuộc gì hết, sau đó ba và anh trai mình mất nên chỉ còn lẻ loi 3 người là mẹ, chị gái và mình nên chị gái mới năn nỉ vợ chồng mình sinh em bé. Thế là vợ chồng mình quyết định có con.
Gia đình mình ngộ lắm, ai cũng thích có em bé gái nên mình cũng nói ông xã tìm hiểu phương pháp sinh con gái (cười).
Con gái nhỏ là “món quà’ gia đình chị Hiệp Phố mong chờ sau nhiều biến cố.
Chị còn nhớ cảm xúc khi mình đón nhận tin “2 vạch” không? Phản ứng của ông xã chị khi ấy như thế nào?
Lúc quyết định có con thì mình về Việt Nam chơi, còn chồng đang đi lính ở nước ngoài. Tàu của anh đậu ở Hồng Kông 3 ngày, nên mình bay sang đó gặp. Hai đứa lần đầu thử “thả”, mình cũng không chắc là có hay không nhưng cũng nằm trong kế hoạch nên khi biết tin cũng không quá ngạc nhiên kiểu “Oh my god (Trời ơi – PV), mình có rồi đâu”. Khoảng 1 tháng sau, mình trễ kinh thì phát hiện có con.
Lúc biết tin mình không được gọi điện mà chỉ có thể viết email cho chồng thôi nên cũng chán lắm, vì đợi mail trả lời lâu và mình không thấy được phản ứng của anh. Nhưng anh mừng lắm, mừng kiểu muốn la lên ăn mừng nhưng không ăn mừng với ai được vì đang ở ngoài biển.
Được biết, khoảng 6 tháng đầu mang thai, ông xã vì bận công việc nên không thể ở bên cạnh chị. Lúc đó chị có cảm thấy chạnh lòng không?
Ở Mỹ, khi mang thai thì cứ 3 tuần mình sẽ hẹn gặp bác sĩ một lần. Cứ mỗi lần như vậy mình tủi lắm, tại thấy nhà người ta có chồng dắt vợ đi khám, chăm sóc rồi bế vợ. Lúc siêu âm biết trai hay gái, cũng chỉ có một mình mình biết nên tủi lắm.
Vậy khi trở về, anh đã bù đắp cho chị như thế nào?
Nói chung là cưng như trứng mỏng á. Hạnh phúc đó khó diễn tả lắm. Tại vì anh chiều chị là chiều từ đó tới giờ rồi, nên khi có bầu và còn từ nơi xa về nữa, mình có cảm giác gần gũi và hơn hơn nữa.
Chị chia sẻ về trải nghiệm trong phòng sinh và lần đầu gặp mặt con gái nhé?
Ông xã vào phòng sinh với mình. Thực tình mình cũng không nhớ lúc đó diễn ra như thế nào luôn (cười) vì mình đã đau nguyên một ngày rồi bác sĩ còn bắt phải nhịn đói nữa, nên trong đầu mình chỉ muốn có một bữa ăn thôi.
Lúc con sinh ra khá là nguy hiểm tại nhau quấn cổ mà bác sĩ không cho mình biết. Tự nhiên gần 20 bác sĩ nhào vô phòng sinh, không cho biết chuyện gì hết, chỉ mang máy móc vô rồi nói là giờ sẽ hút em bé ra, mình chỉ có một lần rặn, nếu không được thì sẽ đẩy vô phòng mổ để mổ liền ngay lập tức. Lúc đó mình chỉ biết ráng đẩy cho nó ra một lần thôi vì nghe chữ mổ, mình rất sợ.
Khoảnh khắc đó nhanh đến mức chồng mình cũng không kịp nhìn. Lúc đó bác sĩ đưa chồng chị cái kéo kêu cắt nhanh đi, xong chồng chị xin chụp hình được không thì bác sĩ bảo không được. Sau đó người ta đưa con đi tắm rửa rồi đưa cho ảnh bồng. Lúc đó mình cứ: “Cho tôi đồ ăn đi, cho tôi đồ ăn đi”. Mình cứ kiếm đồ ăn chứ không kịp nhìn con.
Chồng mình cứ ôm cứ ấp. Trước khi sinh mình có nói với chồng là em bé sinh ra có mùi thơm đặc biệt, lát con mình ra anh ngửi thử xem có không, nên anh cũng ngửi và nói là: “Có thiệt em ơi, thơm lắm” nên anh cứ để con ngay mũi ngửi hoài.
Trước khi phát bệnh, mình từng có khoảng thời gian 4 tháng làm mẹ bỉm sữa. Chỉ cảm nhận như thế nào về trải nghiệm này?
Mình rất may mắn là có mẹ phụ chăm em bé. Mình trông con ban ngày, mẹ trông vào ban đêm. Có mẹ phụ nên mình cũng không “đầu bù tóc rối” gì hết, vừa chăm con vừa chăm 2 con chó nữa. Cực nhất là lúc bơm sữa thôi. Nhiều lúc mình đang ngủ ngon thì ngực căng sữa rất đau, mình cứ vừa hút sữa, vừa ngủ gục.
Hạnh phúc là mình được chụp hình con rất nhiều, mình mua đồ về rồi lên kế hoạch là mỗi khi con tròn tháng thì sẽ cho con mặc và chụp hình. Tháng nào mình cũng làm vậy nhưng chỉ chụp được đúng 4 tháng thôi. Sau đó quần áo và trang sức không sử dụng đến tại mình bệnh rồi. Vậy nên cũng buồn lắm vì đồ mình để sẵn hết rồi tới tháng 12 lận, xong mình còn dự định đến sinh nhật con tròn 1 tuổi thì mình sẽ trao từng tấm hình lại.
Chị Hiệp Phố ấp ủ ý định chụp hình con mỗi tháng, nhưng chỉ thực hiện được đến tháng 4…
Ông xã có giúp mình nhiều trong chuyện bỉm sữa không, thưa chị?
Anh bận đi làm nên cứ cuối tuần anh về thăm con rồi lại đi. Lúc ở nhà thì anh làm hết, thay tã, giặt quần áo, bế con đi vòng vòng.
Bất ngờ phát bệnh lạ sau 4 tháng sinh con, không thể ngồi dậy. Chị có thể chia sẻ thêm về hoàn cảnh và cảm xúc của chị lúc đó?
Lúc bệnh mình không cảm xúc gì hết vì bệnh mình mắc không phải bệnh bình thường là chiến đấu với cửa tử. Mình ráng lấy từng hơi thở để được thở, chứ không còn suy nghĩ được gì hết.
Mình ra viện là con đã biết ngồi, tóc dài, không còn là con lúc mình đi nữa. Thế nên mình buồn rồi khóc là vì vậy. Người ta nói em bé lớn như bong bóng thổi. Trong thời gian con lớn, mình không được nhìn con lớn như thế nào mỗi ngày.
Khi xuất viện mình còn yếu hơn khi nằm viện nữa. Vì khi nằm viện, mình có thuốc bơm liên tục, còn ở nhà mình chỉ uống thuốc thôi. Với lúc ở xuất viện, mình cũng không được ở nhà, ví dụ một tháng 4 tuần thì mình nhập viện 3 tuần. Có lúc mới về nhà được 2 – 3 tiếng mình phải nhập viện cấp cứu, cứ liên tục như vậy trong suốt gần 3 năm. Mình không tự ngồi bình thường được, phải sử dụng giường bệnh viện cấp cho, ngồi xe cũng phải tấn gối mền để nằm.
Căn bệnh lạ không chỉ dày vò chị Hiệp Phố, mà còn khiến người mẹ Việt kiều đau lòng vì bỏ lỡ khoảnh khắc lớn không của con.
Lúc chị phát bệnh, con vẫn còn bé quá. Vậy lúc chị về nhà, con có bị “lạ” và không nhận ra mẹ không?
Không chỉ bị lạ mà cho đến năm ngoái, khi dịch Covid-19 mới bắt đầu, con vẫn chưa quen và vẫn còn ghét mẹ. Con gặp mặt mình, nó sẽ đóng cửa lại. Sáng, trưa, chiều, tối, mình không thấy mặt con luôn. Chỉ khi nào ở trong phòng, mình buồn, mình quay Youtube, con mới tò mò vào xem và chỉ quấn quýt mình lúc đó thôi, sau đó mình như người lạ với nó. Chỉ mới năm nay, con mới bắt đầu hơi quen với mẹ.
Trong khoảng thời gian khó khăn đó, chị có bao giờ cảm thấy tuyệt vọng? Điều gì đã vực chị dậy và tạo cho chị động lực?
Mình khóc suốt, vừa buồn vừa chán nản. Mình bệnh, mình đã đau nhức 24/24 và khó chịu rồi, cảm thấy cơ thể như bị hành xác. Mình có nói với chồng là “Em sống là vì con, mà giờ con em nó không nhìn em nữa là em không còn gì để sống”. Chồng mình khuyên mình mỗi ngày, anh nói là ráng cố gắng đi, cho con có thời gian. Anh đem hình ra cho mình xem, những bức hình hạnh phúc vợ chồng mình bế con đi đây, đi đó trong vòng 4 tháng mình chưa phát bệnh. Mình xem những bức hình đó làm động lực.
Những bức ảnh gia đình chính là động lực của chị Hiệp Phố.
Có điều gì chị rất muốn làm cho con nhưng tình trạng sức khoẻ không cho phép?
Đó giờ mình chỉ mong mình có thể đi đứng được, để có thể dắt con đến trường, nấu cho con những món ăn ngon. Bây giờ ngày nào con cũng nói là: “Mommy, con cầu cho mommy được đi, để mommy dắt con đi chơi. Sao mommy không đi bác sĩ để bác sĩ giúp mommy khoẻ lại”. Xong con còn chạy sang nói với mình: “Hôm qua con nằm mơ mommy đi được, rồi mommy có cảm giác nữa”.
Mình rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao con mới 4 tuổi đã biết mẹ mất cảm giác. Nhiều lúc mình thấy con như 20 tuổi chứ không phải 4 tuổi khi con nói như thế.
Con từng không nhận mẹ nhưng hiện tại bé rất gần gũi, thậm chí còn biết an ủi mẹ. Không biết một năm qua, chị đã làm như thế nào để gắn kết với con gái?
Con mình có đặc điểm là thích chơi nhưng ở nhà ai cũng lo công việc rồi mệt nên ít chơi với con. Mình lúc nào cũng cố gắng chơi với con. Có những đêm con không ngủ, lẻ loi một mình thì mình cố gắng thức chung với con. Những lúc con cần mọi người nhưng không có ai thì mình ở đó, mình nói: “Để mommy chơi với con”, rồi dần dần con mới quen với mẹ, chơi đồ chơi với mẹ.
Là một người mẹ, chị có mong muốn và kỳ vọng như thế nào về con gái của mình?
Mình và chồng lúc nào cũng nói với nhau không cần con là bác sĩ hay kỹ sư, chỉ cần con mạnh khỏe và sống thật thoải mái. Mình muốn con được sống theo ý con, thay vì ép con phải làm thế này, thế kia. Mình sẽ luôn ủng hộ con 100%.
Hồi trước khi mình chưa bệnh, mình đã suy nghĩ là mình sẽ rất kỷ luật với con. Thế nhưng sau khi mình chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, mình không còn ý nghĩ đó nữa, chỉ muốn con vui vẻ, khoẻ mạnh.
Liệu có khoảnh khắc nào chị từng nghĩ, nếu không sinh con mình sẽ không phát bệnh như bây giờ?
Mình bị bệnh không phải do bé 100%. Bác sĩ cũng nói là việc mang thai và sinh con chỉ góp một phần rất nhỏ, khiến cơ thể mình bị “quá tải” rồi phát bệnh ra, chứ bệnh thì có sẵn trong người rồi. Mình không bao giờ suy nghĩ vì có con mà mình bị như vậy. Ông xã mình thì hay tiếc là giá như hồi đó mình sinh mổ thì có lẽ mọi chuyện đã khác, khi sinh thường mình phải dùng quá nhiều lực nên có thể vì vậy mà cơ thể bị mệt mỏi.
Sau khi gia đình chị nhận được nhiều chú ý, ông xã chị gần như là mẫu hình người chồng quốc dân trong lòng mọi người. Vậy trong mắt chị thì sao, có điều gì chị muốn “kể xấu” ông xã.
Trước mặt chồng, mình không bao giờ thể hiện ra anh là người tốt nhất trên đời (cười), mình ghi nhận ở trong lòng. Việc anh tốt, biết chăm sóc gia đình là từ trước đến giờ luôn rồi, đó là lý do ngày trước mình chọn cưới anh.
Anh là người cha không được tốt cho mấy (cười lớn). Tại vì nhiều khi anh vẫn còn con nít, anh hay giành cái này, cái kia với con, kiểu “ngang hàng phải lứa”. Có lúc anh không nhường con, mình phải la, anh mới nhớ ra: “Anh đang là ba”.
Mình muốn anh tự quyết định chứ không phải lúc nào cũng hỏi ý vợ. Mình biết là anh muốn chiều mình nhưng mà thỉnh thoảng anh cần quyết đoán hơn. 17 năm qua lúc nào ra đường anh cũng để mình quyết định ăn cái gì, công việc ở chỗ làm anh cũng hỏi vợ giải quyết thế nào. Nhiều lúc mình không biết mình là vợ hay là má của anh nữa (cười lớn).
Ông xã đã nghỉ phép 2 năm để chăm sóc chu đáo cho vợ, luôn sát cạnh bên chị trong những ngày khó khăn nhất. Vậy điều gì anh làm khiến chị cảm động nhất?
Anh không bao giờ có một giấc ngủ trọn vẹn. Mình biết là mình làm phiền anh nhưng mình cứ cần anh giúp đỡ liên tục. Một ngày của anh cứ quanh quần chăm sóc, dọn dẹp cho mình. Mình thấy rất tội nghiệp anh. Mỗi lần mình bệnh vô cấp cứu là anh ôm mình khóc, anh năn nỉ mình ráng cố gắng.
Khi ở bên chồng, chị có bao giờ cảm thấy mặc cảm vì căn bệnh của mình? Nếu có, chị đã vượt qua như thế nào?
Đến tận bây giờ, mình vẫn còn mặc cảm với chồng, hiện tại thì đỡ hơn nhiều rồi. Lúc mà mình bệnh quá, mình cảm thấy bản thân xấu xí quá, trông như “gốc cây” và không còn là con người nữa, mình chỉ muốn cho ảnh đi thôi, không muốn anh ở bên nữa.
Nhờ trời phật phù hộ, mình có thêm một chút sức lực để mình ngồi dậy, diện lại, trang điểm rồi đi làm tóc. Mình có sức khoẻ mình ngồi cắt tóc, chứ hồi xưa mình không có sức ngồi làm tóc đâu. Bây giờ mình thấy mình đỡ xấu nên mình vượt qua mặc cảm.
Chị có chia sẻ là chị từng đuổi chồng đi, thậm chí là cho anh tiền để “ăn bánh trả tiền” nhưng anh không bao giờ rời đi. Anh có chia sẻ với chị lý do vì sao không?
Mỗi lần mình làm như vậy, anh hay giỡn: “Ừ tui đi nè, tui đi nè”. Nhưng anh có nói là anh không bao giờ tìm được trên đời người vợ nào tốt hơn mình nên anh không đi.
Trong thời gian chị bị bệnh, phải vô thuốc liên tục, ông xã ở nhà chăm sóc vợ và con còn nhỏ thì gia đình mình có gặp khó khăn kinh tế?
Mình không gặp khó khăn kinh tế. May mắn là quân đội họ cũng thương và vẫn cấp tiền lương bình thường trong thời gian anh nghỉ phép.
Bản thân chị có dự định kiếm tiền từ kênh Youtube không, thưa chị?
Từ trước tới giờ, mình không bao giờ có ý định kiếm tiền từ kênh Youtube. Mình xem Youtube như một quyển nhật ký, do đó mình không màng đến việc làm clip mỗi ngày. Mình làm video khi có đủ sức khoẻ, khi mình vui, khi mình muốn ghi lại một kỷ niệm nào đó. Mỗi ngày mở mắt ra, mình đều lên Youtube đọc bình luận để có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn mỗi ngày.
Gia đình chị Hiệp Phố viếng thăm cố nghệ sỹ Phi Nhung
Cảm ơn chị đã chia sẻ. Mến chúc chị và gia đình nhiều niềm vui và sức khoẻ.