Lễ tạ mộ cuối năm gồm những gì, chuẩn bị như nào để tỏ lòng thành kính?

Cuối năm hầu như nhà nào cũng làm lễ tạ mộ, nhưng không phải mọi người ai ai cũng biết lễ tạ mộ cuối năm gồm những gì và phải chuẩn bị như thế nào?

Lễ tạ mộ cuối năm là gì?

Cuối năm có nhiều việc cần phải lo toan, trong đó có việc làm lễ cúng tạ mộ. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, thành tâm thăm viếng mộ phần rồi làm lễ để mời ông bà tổ tiên về chung vui ngày Tết cùng con cháu.

Ngoài ra, lễ tạ mộ còn là để tạ ơn Thánh Thần, tạ ơn quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần… trong suốt thời gian qua đã chăm sóc, chiếu cố cho người thân của mình, để họ được sống nương nhờ trên mảnh đất đó.

le ta mo cuoi nam gom nhung gi

Lễ tạ mộ cuối năm vào ngày nào? Tùy theo phong tục từng nơi mà lễ này được thực hiện vào các ngày khác nhau, nhưng thường sẽ được tiến hành vào khoảng thời gian từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp. Có nơi sau khi làm lễ ông Công ông Táo là sắp xếp thời gian ra mời các cụ về nhà ngay, có nơi lại tới ngày Tất niên mới làm lễ này.

Thời gian làm lễ này không quá quan trọng, bởi cái chính là tấm lòng hiếu thảo của con cháu. Thường những ai đi làm ăn xa không có nhiều thời gian chăm sóc, tu bổ mộ phần ông bà tổ tiên thì đây sẽ là dịp để họ thực hiện nghĩa vụ của con cháu trong nhà.

Lễ tạ mộ được chia làm 2 phần, phần đầu tiên là con cháu sẽ chuẩn bị dụng cụ để làm sạch cây cỏ mọc hoang trên mộ và xung quanh mộ, tiếp đó là đắp đất, bồi đất cho mộ phần được cao, tránh bị kiến mối, chuột đồng xâm hại, lại lau sạch bia mộ, bát hương đặt trên mộ phần.

Phần thứ 2 là phần lễ cúng, con cháu cần sắm lễ tạ mộ và đọc văn khấn tạ mộ. Đây là phong tục truyền thống lâu đời được truyền từ đời này qua đời khác. Vậy để có 1 lễ cúng đầy đủ, thể hiện lòng hiếu kính, nhớ ơn ông bà tiên tổ thì gia chủ cần làm gì, lễ tạ mộ cuối năm gồm những gì?

Lễ tạ mộ cuối năm gồm những gì?

Lễ tạ cuối năm gồm những gì còn tùy theo phong tục địa phương và gia cảnh của từng nhà, song 1 lễ tạ mộ thông thường sẽ có đủ hương hoa, đồ chay mặn như sau:

10 bông hoa hồng đỏ

3 lễ trầu cau (tức 3 lá trầu, 3 quả cau, nên chọn cau trầu tươi, cau có cành dài và đẹp)

1 đĩa trái cây (thường gồm 5 loại trái cây hoặc có số lượng là lẻ, từ 3-5-7 quả, theo quan niệm lẻ âm – chẵn dương)

1 đĩa xôi

1 con gà trống thiến luộc nguyên con (có nơi là gà trống hay mái đều được, cũng có thể là khẩu thịt lợn luộc)

1 chai rượu

1 hộp chè (hoặc 1 gói chè)

1 bao thuốc lá (hoặc thuốc lào)

2 nến cốc màu đỏ

Ngoài những đồ lễ như trên, gia chủ sẽ cần chuẩn bị thêm đồ vàng mã, cụ thể như sau:

do le co 5 con ngua vang ma

Tiền vàng (tùy tâm, thường chia làm 4 đĩa/lễ)

1 cây hoa vàng hoa đỏ

5 con ngựa mã (nên chọn 5 con với màu sắc khác nhau). Trên lưng mỗi con ngựa lại đặt 10 lễ tiền vàng gồm tiền xu, tiền vàng lá, tiền âm phủ.

5 bộ đồ mã (gồm mũ, áo, hia) có kèm ngựa, cờ lệnh, kiếm và roi ngựa. Đây là số lượng thường dùng, nhưng tùy vào số lượng mộ phần thì có sự thay đổi phù hợp. Thêm nữa, nên căn cứ vào giới tính, lứa tuổi của vong hồn mà chọn lựa đồ mã dâng lên cho phù hợp.

Đồ lễ đã chuẩn bị đầy đủ, song gia chủ nên chú ý thêm cả phần bày biện nữa. Lễ cao lễ trọng thì cũng cần phải bày biện đàng hoàng, nên có mâm đỡ, nếu cần thì dùng bàn kê.

Tùy theo phong tục của từng địa phương mà đồ lễ được bày biện khác nhau. Có nơi thì cho rằng đồ lễ mặn như xôi gà nên dâng lên ở miếu thần linh nơi nghĩa địa, còn những đồ lễ chay như hoa quả, thuốc lá thì dâng trước mộ phần, gia chủ nên cân nhắc để làm theo phong tục địa phương.

Một điều nữa cần nói rõ, đồ lễ ít nhiều không quan trọng, mâm cao cỗ đầy không thể hiện được tấm lòng của con cháu, chỉ có sự thành tâm, hiếu kính, nhớ thương, biết ơn ông bà tiên tổ và người thân đã khuất thì mới được vong hồn chứng giám. Cúng tất niên, đi tạ mộ, cúng giao thừa thành tâm càng hưởng phúc

Làm lễ cúng tạ mộ cuối năm như thế nào?

sua soan le cung ta mo cuoi nam nhu the nao

Người chủ trì lễ cúng tạ mộ cuối năm thường được lựa chọn khá cẩn thận. Đây thường là người nam có tiếng nói trong gia đình. Nếu có người lớn tuổi trong nhà sức khỏe tốt thì sẽ là người đó đứng ra làm lễ, nếu không thì có thể chọn 1 người con trai, cháu trai có lòng thành tâm, hiếu thảo trong gia đình, dòng họ làm người chủ trì lễ cúng.

Sau khi dọn dẹp xong mộ phần, bày biện đồ lễ ổn thỏa thì người này sẽ tiến hành lễ cúng, đọc văn khấn tạ mộ để tỏ lòng biết ơn với vong hồn người đã khuất và mời họ về nhà cùng con cháu ăn Tết sum vầy.

Đặc biệt chú ý, lễ cúng tạ mộ cuối năm phải được làm trong không khí trang nghiêm, con cháu làm lễ với lòng thành tâm, tuyệt đối không cười đùa, trêu chọc nhau trong khi làm lễ. Nếu để trẻ nhỏ đi cùng cần trông coi cẩn thận, vừa để giữ an toàn cho chính bản thân trẻ, vừa để tránh trẻ nhỏ thiếu hiểu biết phạm phải điều cấm kị.

Sau đây là nội dung bài Văn khấn tạ mộ cuối năm, theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam do Nhà xuất bản Văn Hóa – Thông Tin ban hành.

“Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy ngài Địa tạng vương Bồ tát.

Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.

Con kính lạy ngày Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương quản cai nơi nghĩa trang.

Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong nơi nghĩa trang này.

Con kính lạy hương linh cụ:…………………..

Hôm nay là ngày…….. tháng Chạp, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.

Tín chủ (chúng) con là:…………..

Ngụ tại:…………..

Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa trà quả, kim ngân tài mã, dâng hiến trình cáo Tôn thần.

Kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:……………

Kỵ nhật là…

Có phần mộ táng tại…………

Được về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.

Âm dương cách trở

Bát nước nén hương.

Thành tâm kính lễ

Cúi xin chứng giám

Phù hộ độ trì

Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!”

Sau khi đọc xong bài khấn thì dâng hương thêm lần nữa. Lưu ý sau khi thắp hương cho mộ phần của gia đình mình thì nên dâng hương cho các mộ phần ở xung quanh cũng như mộ phần của những người khác trong dòng họ. Nếu trong nghĩa địa có mộ phần “vô chủ”, ít người nhang khói thì cũng nên chiếu cố chăm sóc hơn cho bớt phần lạnh lẽo.