Liên Minh Châu Âu (EU) cân nhắc bỏ việc đổi giờ theo mùa.

Phần lớn người dân Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ việc duy trì một hệ thống giờ duy nhất trong cả năm thay vì phải chuyển đổi giữa giờ mùa hè và giờ mùa đông như hiện nay.

 

Theo Wall Street Journal, vào thế kỷ 18, khi Benjamin Franklin đề xuất người Paris có thể tiết kiệm sáp nến bằng cách dậy sớm hơn thay vì giữa trưa, có lẽ ông không thể tưởng tượng được rằng cuộc tranh luận về giờ giấc giữa các nước châu Âu vẫn tiếp tục cho tới ngày nay.

Theo quy định từ năm 1996, người dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) phải điều chỉnh đồng hồ 2 lần/năm để kéo dài ban ngày trong mùa hè và đem tới ánh sáng sớm hơn khi mùa đông đến. Tuy nhiên, sau một khảo sát cho thấy đa số người dân không thích những tác động của việc đổi giờ, EU đang đề xuất hủy bỏ thông lệ này.

 


Nhân viên sửa đồng hồ tại Đức. EU đang cân nhắc bỏ quy định thay đổi giữa giờ mùa hè và mùa đông. Ảnh: AFP.Cuộc tranh luận trong cộng đồng EU

Cuộc tranh luận trong cộng đồng EU

“Cuộc tranh luận về giờ mùa hè, giờ mùa đông đã tồn tại nhiều năm”, Wall Street Journal dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôm 31/8.

Theo những người phản đối quy định, việc thay đổi giờ làm rối loạn giấc ngủ, gây tai nạn giao thông, cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe và năng suất lao động. Trong khi đó, phe ủng hộ lại cho rằng quy định này giúp tiết kiệm năng lượng và cho phép người lao động có thể đi làm vào ban ngày trong những tháng mùa đông.

Theo kết quả sơ bộ công bố hôm 31/8, 84% trong 4,6 triệu người tham gia khảo sát thể ủng hộ đối với việc bãi bỏ quy định.

Tại Phần Lan, 95% người được hỏi nói rằng họ ủng hộ việc dừng đổi giờ theo mùa. Đây là quốc gia nằm ở cực bắc của EU, nhận được ánh sáng mặt trời gần như liên tục vào mùa hè nhưng chỉ có vài tiếng ban ngày vào mùa đông.

Tại Hy Lạp, nước nằm về phía nam, ý kiến của người dân phân chia rõ rệt với số người ủng hộ quy định hiện hành là 44%.

 


Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: Reuters.

Lãnh thổ 28 nước EU trải rộng trên 3 múi giờ. Tuy nhiên, theo thông lệ, toàn khu vực đều phải thay đổi giờ vào chủ nhật cuối cùng của tháng 3 và tháng 10. Mỹ cũng có quy định tương tự theo Luật Chính sách Năng lượng 2005.

Năm 2015, một nghiên cứu được công bố cho thấy việc kéo dài thời gian ban ngày giúp tiết kiệm khoảng 59 triệu USD chi phí xã hội thường niên bởi ánh sáng ban ngày giúp giảm tỷ lệ tội phạm.

Thế nhưng, nếu các nhà lập pháp và các quốc gia tán thành việc bãi bỏ quy định, mỗi nước thành viên EU sẽ có thể lựa chọn duy trì giờ mùa hè hoặc giờ mùa đông trong suốt cả năm.

Theo ông Juncker, hàng triệu người trả lời khảo sát cho rằng nên sử dụng giờ mùa hè và điều đó sẽ trở thành hiện thực. “Nếu bạn hỏi dân thì bạn phải thực hiện mong muốn của dân”, ông nói.

Quy định thay đổi giờ có thật sự tiết kiệm năng lượng?

Nguyên nhân lịch sử của việc kéo dài ban ngày là để tiết kiệm năng lượng, giảm nhu cầu sử dụng điện. Đức ban hành quy định giờ tiết kiệm năng lượng vào Thế chiến thứ nhất. Anh cũng thông qua Luật Tiết kiệm Ánh sáng Ban ngày năm 1916.

Tuy nhiên, Matthew Kotchen, giáo sư kinh tế tại Đại học Yale, cho biết việc thay đổi giờ không ảnh hưởng đến mức độ tiêu thụ điện hiện nay, trái lại có thể làm gia tăng việc sử dụng.

 


Hoàng hôn tại Pháp. Nhiều người dân thuộc các nước EU ủng hộ việc duy trì giờ mùa hè, tức là kéo dài thời gian ban ngày vào buổi tối. Ảnh: AFP.

“Có nhiều lý do để người ta muốn đổi giờ. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy chính sách thay đổi giờ để tiết kiệm điện thực chất có thể làm tăng nhu cầu tiêu thụ thay vì giảm thiểu nó”, Kotchen nhận định.

Theo ông, trong các hộ gia đình, hệ thống sưởi và làm mát tiêu thụ nhiều điện hơn hệ thống chiếu sáng. Việc người dân phải dậy sớm hơn đồng nghĩa với việc họ bật hệ thống sưởi và dùng điện nhiều hơn.

“Tại một số vùng ở rìa phía tây của múi giờ, việc lùi giờ trong mùa đông khiến họ phải thức giấc khi trời lạnh và còn chưa sáng. Do đó, nếu cứ vào mùa đông, người dân lại sử dụng hệ thống sưởi và điều chỉnh thiết bị suốt cả ngày thì có khả năng họ dùng nhiều điện hơn so với bình thường”, nhà kinh tế học giải thích.

Theo zing