Ly Nguyễn – 9X từng “ẵm” học bổng tiến sĩ Mỹ 9,3 tỷ, nhận thất bại bầm dập đến nhà khoa học cấp cao
Ly Nguyễn – cô gái Việt đã có bài đăng “flex” bản thân trong group “Flex đến hơi thở cuối cùng” nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Hiện bài viết đã thu về hơn 18 nghìn lượt like (yêu thích) và hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ.
5 năm trước, Nguyễn Thị Sao Ly (SN 1993, Đà Nẵng) từng là hiện tượng nổi đình đám khi được 8 ngôi trường đại học danh tiếng ở Mỹ cấp học bổng chương trình Tiến sĩ. Đó lần lượt là các trường: MIT, Johns Hopkins, Cornell University, University of California San Diego, University of Chicago, Rice University, University of Texas Southwestern và Baylor University.
Vượt qua hơn 5000 ứng viên tài năng, Sao Ly đã xuất sắc “ẵm” học bổng trị giá 9,3 tỷ đồng của Đại học Johns Hopkins – ngôi trường thuộc top đầu đại học nước Mỹ và top 5 thế giới về lĩnh vực nghiên cứu y học, có bệnh viện Johns Hopkins nổi tiếng toàn thế giới. Sao Ly còn được biết đến là một trong những đại diện của Việt Nam tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 năm 2019, với sứ mệnh lan tỏa và là người kết nối mô hình giáo dục SARE – dự án nhằm kích thích sự ham học của học sinh yếu kém thông qua việc tham gia và thực hành nghiên cứu khoa học. Trước đó, Sao Ly tốt nghiệp thủ khoa ngành Hóa Sinh tại Đại học California, Los Angeles.
Sao Ly cũng là một trong những nhân vật đặc biệt được nhắc đến trong cuốn sách “Rạng danh tài trí Việt năm châu” và chương trình Hành trình nước Mỹ của Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Lý giải cho việc chọn học tiếp lên tiến sĩ, chị Ly cho biết, bản thân là người thích các lĩnh vực học thuật, đam mê nghiên cứu, chế tạo. Lĩnh vực nghiên cứu luôn đòi hỏi ở người học sự tìm tòi, mong muốn khám phá, học hỏi. “Bản thân mình không chọn làm bác sĩ vì nhận thấy tính cách của bản thân khá phù hợp với con đường nghiên cứu. Hơn nữa, bản thân Ly không đủ can đảm để “đối mặt” khi nhìn thấy những đau đớn mà bệnh nhân phải chịu đựng“, Sao Ly tâm sự.
Về lý do chọn Hopkins, chị Ly chia sẻ rằng: “Trong hành trình tìm đến học bổng Tiến sĩ, chị nhận thấy môi trường nơi đây rất thân thiện, mọi người luôn hỗ trợ lẫn nhau để cùng đạt được thành tích tốt nhất. Bên cạnh đó, chị tin rằng, Hopkins – một trong những trường đại học tốt nhất thế giới về đào tạo y học, sẽ là nơi ươm mầm, chắp cánh cho con đường trở thành nhà khoa học của chị vươn cao và bay xa hơn”.
Từ khi đi học đến khi đi làm, Sao Ly có cơ hội trải nghiệm ở những môi trường toàn người ưu tú. Chính vì thế, cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại ngã bầm dập. “Thất bại gần đây nhất và cũng là đau đớn nhất là vào tháng 9/2022 – khi tôi bắt đầu tìm việc làm. Tôi phải tìm được việc càng sớm càng tốt bởi đến tháng 12 sẽ tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ. Tôi gặp khó khăn vì thời điểm cuối năm, phần lớn các vị trí đều được lấp đầy, cơ hội mở ra không còn nhiều. Hơn nữa, các công ty sẽ ưu tiên người bản địa hơn là sinh viên quốc tế như tôi.
Tôi không chỉ phải cạnh tranh với người bản địa mà còn phải cạnh tranh với những người đã đi làm sau Tiến sĩ một vài năm. Khoảng thời gian đầu, tôi nộp đơn và đi phỏng vấn nhiều nhưng không nhận được lời mời. Thật sự lúc đó, tôi rất chán nản, nghi ngờ khả năng bản thân. Trước đây, tôi đạt được một số thành tích nhất định nên khi rơi vào tình cảnh như vậy khiến tôi nảy sinh cảm giác mình không đủ giỏi để đi theo con đường này.
Tuy nhiên, dù nản chí nhưng tôi luôn cố gắng gạt bỏ tâm trạng hoang mang. Tôi bắt đầu lên kế hoạch trau dồi kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng nộp đơn để tạo ra cơ hội khác. Sau 1-2 tuần để tâm trạng ổn định, tôi mới tiếp tục nộp đơn tìm việc và lựa chọn được công ty phù hợp.
Qua thất bại đó, tôi nhận ra điều quan trọng nhất là phải luôn yêu bản thân. Tôi đã và đang trong quá trình ấy, luôn nhìn vào gương để chấp nhận con người của mình, dù còn nhiều điều chưa hoàn thiện. Điều này giúp tôi trở nên tự tin, nhiều năng lượng tích cực hơn. Chỉ khi tin vào bản thân thì mới có thể làm được rất nhiều việc ý nghĩa”.
Ban đầu, Ly có ba lời mời phỏng vấn và thất bại ở hai trong số đó. Cô phải dành thời gian chỉnh sửa hồ sơ, kết nối với những nhà khoa học trong ngành, tìm lời khuyên. Ly sau đó nộp đơn ở nhiều nơi, rồi được 8 công ty mời phỏng vấn trong tháng 11/2022. Ly trúng tuyển 7 chỗ, quyết định chọn Intellia Therapeutics, công ty do nhà khoa học Jennifer Doudna – người giành giải Nobel Hoá học năm 2020 cho cơ chế chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9, sáng lập.
Hiện tại, Ly đang sinh sống và làm việc tại khu Boston, bang Massachusetts, nước Mỹ, trở thành nhà khoa học cấp cao (mid-senior level scientist) ở bộ phận Nghiên cứu và Phát triển, nghiên cứu cải thiện liệu trình tế bào bằng phương pháp biến đổi gen để chữa những bệnh liên quan đến m.áu, nhất là ung thư m.áu. Sao Ly tiết lộ, mức lương mà cô nhận được khá tốt so với mức của một người vừa tốt nghiệp trong ngành y sinh ở thành phố Boston.
Làm tiến sĩ là một hành trình phát triển cá nhân và vượt qua chính mình, theo Ly. Chìa khóa giúp Ly vượt qua thử thách là sự quyết tâm và khả năng phân bố thời gian, công việc hợp lý. Ly cho biết lập kế hoạch làm việc chi tiết, nhiều thời điểm phải làm hơn 17 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, cô cố gắng tạo dựng mối quan hệ với các giáo sư, đồng nghiệp trong trường, cũng như những người đi trước trong ngành công nghệ y sinh.
“Chặng đường theo đuổi ước mơ không ai giống ai và ai cũng có thử thách, gian nan, chỉ cần mỗi người đủ động lực và kiên trì đi theo con đường đã đặt cho chính mình”, Ly nói.