Mắc bệnh tiểu đường hôn mê sâu chỉ vì quên làm điều này mỗi ngày
Tài xế có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, do quên ăn sáng nên bị hạ đường huyết nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê sâu.
Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), bệnh nhân V.B.N. (38 tuổi, Long An) bị bệnh đái tháo đường (tiểu đường) khoảng 12 năm. Cách đây 2 tuần, bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị viêm phổi tại một bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, khoảng 3 ngày sau đó, bệnh nhân được bác sĩ chuyển từ dạng tiêm insulin bằng bút thành dạng lọ insulin dùng với kim tiêm.
7h ngày nhập viện, anh N. thức dậy và tiêm insulin bằng kim tiêm với liều 25 đơn vị như thường lệ nhưng lại quên ăn sáng. Bệnh nhân là tài xế xe tải, khi vừa lái xe ra khỏi nhà, anh cảm thấy mệt nhiều nên dừng xe bên lề đường và hôn mê sau đó.
Nhân viên nhà xe tình cờ phát hiện bệnh nhân hôn mê nhưng không đưa ngay vào bệnh viện gần nhất, gọi điện thoại cho người nhà đưa tới bệnh viện địa phương sau khoảng 5 giờ hôn mê. Tại đây, kết quả thử đường huyết là 1.5 mmol/L và anh N. được xử trí tạm thời và chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 lúc 14h30 cùng ngày.
Bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê do hạ đường huyết kéo dài, đái tháo đường tuýp 2, viêm phổi nặng. Ảnh: BVCC.
Qua thăm khám, ThS.BS Võ Tuấn Khoa, khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân Dân 115, ghi nhận bệnh nhân bị hôn mê sâu, thở nhanh, phổi đầy ran nổ hai bên. Anh N. được hỗ trợ hô hấp ngay bằng máy thở, truyền đường với nồng độ ưu trương để nâng mức đường huyết về bình thường. Tuy nhiên, tri giác bệnh nhân không cải thiện ngay.
Sau một tuần điều trị nội khoa tích cực, tri giác bệnh nhân cải thiện dần, tỉnh táo hơn, có thể trò chuyện và nhận biết người thân nhưng rất chậm. Đây là trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng và được cứu sống hi hữu ở bệnh nhân đái tháo đường đang sử dụng insulin.
Theo bác sĩ Khoa, các yếu tố thúc đẩy bệnh nhân này bị hạ đường huyết quá mức bao gồm:
– Không chú ý thời điểm tiêm insulin và bữa ăn. Loại insulin mà bệnh nhân đang dùng phải được tiêm trước ăn 30 phút. Tuy nhiên, bệnh nhân đã không tuân thủ điều này.
– Liều thuốc insulin có thể bị thay đổi khi chuyển từ bút tiêm (dễ sử dụng) sang loại lọ tiêm dùng kèm kim tiêm. Việc thay đổi này tiềm ẩn rủi ro về liều lượng thuốc tiêm cho bệnh nhân.
– Bệnh nhân có thể chưa được hướng dẫn cách nhận biết và xử trí ban đầu khi bị hạ đường huyết.
Các bác khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường có nghề nghiệp đòi hỏi an toàn lao động tuyệt đối như lái tàu xe, vận hành máy móc, thợ xây dựng làm việc trên giàn giáo… tình trạng hạ đường huyết quá mức có thể xảy ra, ảnh hưởng đến đến ý thức bệnh nhân đột ngột, từ đó gây mất an toàn thậm chí tử vong và nguy hiểm cho người xung quanh.
Do đó, bệnh nhân nên gặp các bác sĩ chuyên khoa nội tiết để có thể chọn các loại thuốc an toàn và được tư vấn hướng dẫn cách xử trí tạm thời khi hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân bị hạ đường huyết nhiều lần, bệnh nhân cân nhắc chuyển đổi nghề khác.
Các trường hợp hôn mê cần nhanh chóng đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất để xử trí. Tại các cơ sở y tế này, các nhân viên y tế nên mau chóng thử đường huyết để xác định ngay (xét nghiệm này chỉ tốn từ 5-30 giây) để cấp cứu kịp thời trước khi nghĩ đến các nguyên nhân gây hôn mê khác.
Bác sĩ Khoa cho hay các trường hợp hạ đường huyết quá lâu (do chậm chẩn đoán hoặc đưa vào bệnh viện trễ hoặc cấp cứu không kịp thời) có thể dẫn đến di chứng não không hồi phục và thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân. Nếu phát hiện sớm, phần lớn bệnh nhân hồi phục ngoạn mục và không để lại di chứng.
Nguồn: Tri thức trực tuyến