Marcus Rashford: Sự khác biệt của hai thế giới Solsa – Mou

Ole Gunnar Solskjaer và Jose Mourinho có cái nhìn hoàn toàn khác nhau về một tiền đạo hoàn hảo, vì thế họ đã tạo ra hai “sản phẩm” hoàn toàn khác nhau.

Kể từ khi thay Jose Mourinho trở thành thuyền trưởng tạm quyền của Manchester United, chính xác là vào ngày 19/12/2018, hiếm có khi nào người ta thấy nụ cười tắt trên khuôn mặt Ole Gunnar Solskjaer. Khác với Mourinho, chiến lược gia người Na Uy hoàn toàn tận hưởng công việc của mình. Và một trong những điều khiến ông hài lòng nhất, và cũng là thành công lớn nhất của ông cho đến thời điểm hiện tại hẳn chính là việc biến Marcus Rashford trở thành một thanh bảo kiếm thực sự.

 - Bóng Đá
Hình ảnh Solskjaer chỉ bảo tận tình cho các học trò trong chuyến tập huấn tại Dubai.

Phía trên đây là bức hình cánh phóng viên chụp được trong chuyến tập huấn của Quỷ đỏ tại Dubai vài tuần trước. Nhìn cái cách Solsa tận tình chỉ dạy các học trò như thế, chẳng cần nói cũng hiểu kỳ vọng của ông là lớn đến thế nào. Còn Rashford đương nhiên không phụ lòng ông thầy. Sau tám trận, số 10 có 5 pha lập công, kém 2 bàn so với những gì chính anh làm được mùa 2016/17 và bằng một nửa so với mùa 2017/18.

Thế nhưng đó chưa phải tất cả. Một trong những điểm khác biệt mà Ole Gunnar Solskjaer đã tạo ra trong lối chơi của MU đó là việc các cầu thủ trên hàng công thường xuyên hoán đổi vị trí cho nhau. Và Rashford, dù là khi dạt cánh hay lùi về thi đấu như một tiền vệ tấn công, anh đều mang lại cho người ta cái cảm giác kể cả Solsa có xếp anh đá ở một vị trí khác không phải trung phong thì số 10 cũng sẽ hoàn thành hơn cả trọn vẹn nhiệm vụ được giao.

 - Bóng Đá
Rashford dưới thời Mourinho thua xa Rashford của hiện tại.

Nói vậy chẳng có nghĩa là bảo Rashford thời Mourinho không hay. Ở trận đấu với Southampton hồi đầu tháng 12, tiền đạo người Anh với hai đường kiến tạo đã trở thành cái tên duy nhất thoát khỏi chỉ trích thiếu tinh thần “chó điên” của ông thầy. Rồi ở cuộc tiếp đón Fulham đúng một tuần sau đó, Rashford khiến người hâm mộ phát cuồng khi đã ghi dấu giày vào tới 3 bàn thắng.

Nhưng cái hay của Rashford thời Mourinho chỉ mang tính thời điểm. Còn phần nhiều thời gian, anh bị chôn vùi bởi thứ triết lý bảo thủ nơi ông thầy cũ. Cựu thuyền trưởng Inter không mặn mà tấn công, không thích những tình huống đột phá vốn vẫn luôn ẩn chứa nguy hiểm mà thay vào đó, yếu tố an toàn, sự chắc chắn mới là thứ được đưa lên hàng đầu.

 - Bóng Đá
Từ khi Solskjaer đến, Rashford đã “lột xác” hoàn toàn.

Để trở thành một tiền đạo giỏi, Mourinho từng nói: “Điều đó phụ thuộc vào những yếu tố thiên bẩm”. Thế nhưng với Solskjaer: “Chẳng ai sinh ra mà đã là một tiền đạo giỏi. Tôi đã phải học cách dứt điểm, học cách chạy chỗ, học cách ghi bàn”. Có thể thấy, quan điểm của cả hai là hoàn toàn trái ngược, và đó chính là lý do tại sao chúng ta được thấy hai “sản phẩm” hoàn toàn khác nhau.

Trong đầu Mourinho, Rashford có lẽ không phải mẫu tiền đạo sinh ra với những phẩm chất để trở thành mảnh ghép phù hợp cho đội hình trong mơ của ông. Còn Solskjaer, ông sẽ mài dũa Rashford, hướng anh đến sự hoàn hảo nhất có thể với triết lý của mình, triết lý của Manchester United.