Mẹ chồng Nhật làm nông giữa trời âm độ, dâu Việt ra tay giúp ai dè quá đỉnh, cứu cả công ty: Báo Nhật ca ngợi
Là lễ tân khách sạn kiêm bà chủ tiệm nail, chưa bao giờ làm nông nghiệp, chị Thúy không dám nghĩ có ngày am hiểu quy trình trồng lúa công nghệ cao của Nhật. Bằng sự chăm chỉ của mình, chị đã giúp chồng gầy dựng lại công ty đang trên bờ vực phá sản.
Những câu chuyện tình yêu và hôn nhân với người ngoại quốc luôn mang đến cho tôi nhiều ấn tượng đặc biệt. Thường mọi người sẽ nghĩ lấy vợ hoặc lấy chồng ngoại chủ yếu là để được sang nước ngoài định cư, để được có tiền và đổi đời đúng không?
Riêng tôi lại nghĩ nếu vì mục đích vật chất thì cuộc hôn nhân đó sẽ khó bền vững, hoặc nếu có chung thủy bên nhau thì sẽ cũng tồn tại mặt trái nào đó trong quá trình chung sống (chẳng hạn như vất vả bếp núc, không được tôn trọng, bị phụ thuộc…). Vì vậy, lấy ai cũng được, quan trọng là mình biết nhìn nhận bản chất của đối phương trước khi đồng ý và chính bản thân biết nỗ lực tạo dựng giá trị cho riêng mình.
Mới đây, đọc trên báo Thanh Niên, tôi thấy câu chuyện của chị Bùi Thị Ngọc Thúy (quê Long Khánh, Đồng Nai) khá ấn tượng nên muốn chia sẻ lại với mọi người. Chị này 36 tuổi sang Nhật 6 năm trước, bằng sự chăm chỉ của mình đã giúp chồng gầy dựng lại nông trại 50 hecta rất ấn tượng. Nỗ lực của chị đã được đại diện Hiệp hội Quốc tế hóa tỉnh Miyagi cảm ơn “vì đã lan tỏa những điều tốt đẹp của Nhật Bản”.
Chị Bùi Thị Ngọc Thúy (Ảnh: NVCC/ Thanh Niên)
Theo báo đăng thì chị Ngọc Thúy học lễ tân và quản trị khách sạn. Sau đó, chị có làm trong một công ty Nhật, nhờ vậy mà gặp và kết hôn cùng anh Murakami Kazuyuki (năm nay 49 tuổi, ở tỉnh Miyagi, Nhật Bản) vào năm 2017. Dự tính của chị là theo đuổi nghề nail ở Nhật. Tuy nhiên, lúc mới qua, công ty của gia đình chồng chị có 2 nhân sự nghỉ việc. Mùa đông tiết trời lạnh dưới 0 độ, rau củ trong nhà kính vào vụ Tết mà không có ai làm buộc mẹ chồng chị dù tuổi đã cao vẫn cố ra vườn thu hoạch, đóng gói.
Thấy mẹ chồng cực khổ, phận dâu con không thể ngó lơ, thế là chị Ngọc Thúy bèn ra giúp. Trong khi mẹ chồng Nhật bó rau theo cách truyền thống thì nàng dâu Việt lại mày mò học cách gói khác đẹp hơn. Sau đó, chị giao rau cho các siêu thị gần nhà. Nhờ gặp ai cũng lịch sự và niềm nở mà người ta ưu ái dành cho chị một kệ để rau hút khách nhất trong siêu thị. Thế là rau của gia đình chị trở nên đắt hàng.
Không những thế, từ một người không biết gì về trồng trọt, hiện tại chị Ngọc Thúy dường như rất am hiểu quy trình trồng lúa công nghệ cao của Nhật. Ngoài trồng lúa, chị cũng trồng thêm đậu nành, bắp, các loại rau… Mùa hè, mỗi ngày nàng dâu Việt dậy từ 4h sáng để trồng, chăm sóc, thu hoạch rau củ. Buổi trưa chị làm việc nhà, điều hành công việc của nông trại công ty.
(Ảnh: NVCC/ Thanh Niên)
Sự chăm chỉ, giỏi giang đó của chị góp công lớn giúp người chồng gầy dựng lại công ty đang trên bờ vực phá sản khiến anh cảm thấy hạnh phúc và biết ơn vợ. Chị cũng hay tranh thủ quay các video hướng dẫn quy trình làm nông hiện đại rồi chia sẻ lên mạng xã hội để mọi người tham khảo. Những video đó do một tay chị thực hiện, từ quay đến dựng hình. Chỉ những cảnh bay flycam chị mới nhờ chồng hoặc nhân viên hỗ trợ mình.
Bà Tobinai Junke, đại diện Hiệp Hội Quốc tế hóa tỉnh Miyagi (MIA) cho biết: “Chị Thủy thuộc nhóm rất hiếm người giới thiệu hình ảnh nông nghiệp Nhật Bản vì thế chúng tôi đã phỏng vấn, chia sẻ câu chuyện của chị ấy lên trang thông tin của Hiệp hội. Chúng tôi cũng giới thiệu chị ấy cho tờ báo địa phương Kahoku Shinpo để viết bài về Thúy…
… Hình ảnh chị ấy mỗi ngày dù bận rộn việc nhà, chăm con, làm nông, gia công và bán thịt… nhưng vẫn luôn nỗ lực lạc quan hướng về tương lai làm chúng tôi chỉ biết cảm động. Chị ấy đã lan tỏa điều tốt đẹp của Nhật Bản và chúng tôi thật cảm ơn chị ấy về điều này”.
(Ảnh: NVCC/ Thanh Niên)
Không những nỗ lực tạo sự nghiệp và giá trị cho bản thân, chị Thúy còn là một người mẹ, người vợ ấm áp, tuyệt vời. Chị luôn yêu thương và trân trọng người chồng đã tạo điều kiện để mình có được ngày hôm nay: “Nếu không có một người chồng tâm lý, luôn ủng hộ những việc làm của vợ như anh thì một người như tôi không bao giờ trụ lại với nghề nông ở đất nước này. Cám ơn chồng và đất nước Nhật đã tạo nên tôi ngày hôm nay”.
Có lẽ đọc đến đây, mọi người đều sẽ xuýt xoa trước sự siêng năng và mái ấm hiện tại của chị Ngọc Thúy phải không ạ? Đúng là hạnh phúc chẳng cần trông chờ vào ai ban phát mà tự bản thân mình cố gắng từng ngày thì sớm muộn cũng sẽ được đền đáp mà thôi. Thay vì mong lấy chồng ngoại để dựa dẫm, đổi đời thì hãy xem như đó chỉ là một bước ngoặc hỗ trợ để mình phát huy hết năng lực của bản thân. Dù Việt Nam hay nước ngoài thì vợ chồng cũng đều phải cùng nhau vun vén cho gia đình và “phải làm mới có ăn”.
Câu chuyện của chị Ngọc Thúy bất giác làm tôi nhớ đến trường hợp của chị Đào Thị Thái (34 tuổi, quê Hải Phòng) cũng từng được đăng trên báo Thanh Niên. Cụ thể, khoảng 13 năm trước, quê chị Thái có trào lưu lấy chồng Hàn. Thời điểm ấy vì mong muốn đổi đời, giúp đỡ gia đình, chị đã đăng ký lấy chồng Hàn qua môi giới.
“Sau nửa tháng đi xem mắt, tôi nên duyên cùng chú rể làm nông tại tỉnh Gyeongsang Bắc. Anh hơn tôi 19 tuổi, ngay khi gặp mặt nói chuyện tôi có thiện cảm với anh nên quyết định gửi gắm cuộc đời, xác định đây là bờ vai sẽ che chở cho mình. Anh giới thiệu làm nông, nhà có vườn táo nên tôi xác định tư tưởng sẽ cùng anh vun vén cho gia đình nhỏ, phải làm thì mới có tiền”, chị Thái kể lại.
Lấy chồng Hàn là nông dân, nàng dâu Việt cho hay khi mới sang chị đã rất bất ngờ trước quy mô nông nghiệp hoành tráng của nhà chồng với đủ loại máy móc, tiện nghi trong nhà cũng không thiếu thứ gì.
“Ngày xưa tôi xem phim Hàn thấy cuộc sống tươi đẹp. Quyết định kết hôn với chồng Hàn, đến một đất nước xa lạ giống như đánh cược với cuộc đời vậy. Những sóng gió đầu tiên đến khi tôi sinh bé đầu tiên, tôi đều nhường nhịn. Tôi hiểu chồng hơn mình 19 tuổi, là người trải đời nhiều hơn nên những cãi vã thời gian đó cũng chỉ vì xót con ốm. Sau vài năm đầu, vợ chồng tôi giờ hoàn toàn không có xung đột, cứ vậy nuôi con, cùng nhau chăm lo gia đình”, chị Thái tâm sự.
Vợ chồng chị Đào Thị Thái (Ảnh: Thanh Niên)
Được biết hiện tại, ngoài làm nông nghiệp trên phần đất canh tác của gia đình, cô dâu Hải Phòng còn bán hàng online, cuối tuần đi rửa chén thuê để kiếm tiền, tự lo cho mẹ ruột và các chi phí sinh hoạt của gia đình. Chị cũng sở hữu kênh Youtube, Fanpage chuyên chia sẻ cuộc sống của cô dâu Việt ở vùng nông thôn Hàn, với hàng chục ngàn lượt theo dõi vì lan tỏa được sự tích cực, gần gũi đến với mọi người.
Không màu mè xa hoa, không rườm rà phức tạp, cuộc sống của họ cứ trôi qua êm đềm và hạnh phúc. Lấy chồng Hàn qua môi giới, xác định sẽ có những khó khăn, rủi ro nên chị luôn cố gắng cân chỉnh, dung hòa mối quan hệ với chồng, đồng thời làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, chăm làm vườn lẫn hoạt động youtube để kiếm tiền chứ không có tâm lý dựa dẫm vào ai… Bằng tất cả những cố gắng đó, chị được chồng thấu hiểu, ghi nhận và có được cuộc hôn nhân hạnh phúc.