Mẹ Việt đơn thân lấy trai tân ngoại quốc, đám cưới “dát vàng“, chồng tặng cho cả núi tiền
Lần đầu tiên sang Pakistan thăm gia đình nhà chồng, chị Trang bất ngờ khi được mọi người tổ chức đám cưới bí mật 3 ngày ở đây.
Khi quyết định làm mẹ đơn thân, chị Trần Thùy Trang (35 tuổi, Lào Cai) đã từng nghĩ sẽ ở vậy nuôi con bởi chị biết một người lỡ dở một lần đò, lại có con trai riêng sẽ khó tìm được hạnh phúc mới. Đó chưa kể những đổ vỡ của quá khứ khiến chị dè chừng và khó mở lòng mình ra hơn. Thế nhưng, anh Tallal Ahmed (34 tuổi, Pakistan) đã làm thay đổi mọi suy nghĩ của chị bằng sự chân thành dù anh kém chị 1 tuổi.
Hiện tại, chị Trang đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên ông xã Pakistan cùng bé Zin – con trai riêng và con gái Miu xinh xắn – trái ngọt tình yêu của vợ chồng mình ở Nhật. Nhìn tổ ấm nhỏ của chị, nhìn sự quan tâm chăm sóc của anh Tallal dành cho 2 con, nhiều người đều vui mừng thay và chúc mừng hạnh phúc cho chị vì sau tất cả, chị và con trai đã tìm một người đàn ông che chở thực sự.
Chia sẻ về bước ngoặt khiến cuộc sống mẹ đơn thân của mình sang một trang mới, chị Trang cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở Lào Cai. Chị từng thất bại cuộc hôn nhân đầu và làm mẹ đơn thân của một con trai. Sau nay, chị làm trong một siêu thị ở Nhật và tình cờ quen anh Tallal Ahmed qua mạng. Khi ấy, anh làm kinh doanh buôn bán xe ô tô và có công ty riêng ở tại Nhật.
Trước đó, chị Trang đã từng nói chuyện với rất nhiều người và rất ít khi cho biết thông tin riêng hay số điện thoại, vậy mà chẳng hiểu sao nói chuyện với anh Tallal, thấy anh thật thà nên chị cứ thoải mái. Sau một tuần trò chuyện, anh chị có buổi gặp mặt đầu tiên và sau một tháng, anh chị quyết định tiến tới kết hôn.
“Chồng mình ít hơn mình 1 tuổi, là con cả trong gia đình 4 anh em, thuộc hàng giàu có ở Pakistan, ở khu nhà giàu, họ hàng ai cũng giàu có ở biệt thự. Tuy nhiên khi quen, mình không hề biết điều này đến mãi sau khi kết hôn về thăm quê chồng lần đầu tiên.
Hồi quen nhau, anh ở thành phố xa không gặp được thường xuyên nên hàng ngày tụi mình chỉ nhắn tin điện thoại và anh nói về công việc ở Nhật thôi, chứ không hề nói về gia đình và thực sự mình cũng chẳng quan tâm lúc ấy.
Sau một tuần nói chuyện bọn mình gặp nhau lần đầu tiên. Phải nói, ấn tượng của mình về anh rất đẹp trai và hài hước. Không chỉ vậy, anh còn yêu con riêng của mình hơn bố đẻ và chiều con hơn chiều mình”, chị Trang chia sẻ.
Đến bây giờ, chị Trang vẫn nghĩ chuyện tình yêu của mình và anh Tallal là do duyên số bởi trong rất nhiều người quen trên mạng, chị lại không hề thận trọng với anh. Có thể sự hài hước, thật thà của anh đã khiến anh chị mở lòng hơn. Tuy nhiên vì anh Tallal chưa từng kết hôn, lại sinh ra trong gia đình giàu có ở vùng trong khi đó chị Trang lại là một bà mẹ đơn thân nên trước khi quen chị đã phải nói rõ hoàn cảnh của mình cho anh. Đặc biệt khi anh Tallal đồng ý bỏ mặc tất cả để đến với chị, anh cũng phải nói rõ với gia đình của mình và đề nghị mọi người tôn trọng quyết định của anh, sẽ không ai được chế giễu hay đùa cợt chị có con riêng.
“Chồng chấp nhận hoàn cảnh của mình. Mình cũng đã hỏi “anh nói cho gia đình biết như thế nào?” Anh có nói rằng, anh đã nói hết với mọi người.
Bố mẹ hỏi sao anh không tìm người chưa kết hôn lần nào, sao lại muốn lấy mình? Anh đã nói rõ với mọi người rằng vì anh yêu mình, có con cũng không sao. Anh sẽ coi con mình như con anh ấy và anh cũng yêu cầu mọi người trong nhà phải tôn trọng quyết định của anh. Nếu sau này mình có sang Pakistan chơi, không ai được chế giễu hay đùa cợt việc mình có con riêng.
Sau này, mọi người rất tôn trọng quyết định của chồng mình và rất thương yêu cả mình lẫn con riêng của mình”, chị Trang cười chia sẻ.
Mặc dù anh Tallal không lãng mạn như nhiều người đàn ông khác, anh chỉ cầu hôn đơn giản khi nhắn tin trò chuyện điện thoại, không hoa, không quà hay khung cảnh thơ mộng, ngọt ngào. Chỉ một câu hỏi đơn giản “Anh muốn tìm người tốt để lấy vợ rồi, mình kết hôn nhé!” nhưng với sự chân thành của anh, nhìn cách anh yêu thương con riêng của chị hơn cả bố đẻ, chiều con riêng của chị hơn cả chiều chị đã khiến chị xúc động, gật đầu đồng ý.
Vì cả 2 vợ chồng sống ở Nhật, hơn nữa cả 2 cũng lớn tuổi nên anh chị không về Việt Nam hay Pakistan tổ chức đám cưới mà tự lo liệu thủ tục rồi thông báo cho 2 bên gia đình. Chồng theo đạo hồi nên vợ chồng chị có đến nhà thờ hồi giáo ở Tokyo, Nhật để làm lễ kết hôn. Nhớ lại ngày hôm đó, chị Trang cười cho biết, cuối buổi làm lễ, anh Tallal có mở ví, trong đó có một tập tiền và bảo chị lấy đi. Do không biết lấy để làm gì nên chị chỉ rút 1 tờ 1 man khoảng 100 đô. Thấy vậy, anh Tallal và những người làm chứng cứ tủm tỉm cười khiến chị vô cùng thắc mắc.
Khi hỏi anh Tallal, chị mới biết, đó là quà của anh cho chị để ghi vào giấy tờ lúc làm lễ, chị có thể lấy bao nhiêu cũng được, thậm chí lấy hết nhưng do chị chỉ rút một tờ nên khiến mọi người cười.
“Hồi đó mình có bảo chồng mình sao không nói trước. Đến bây giờ nghĩ lại mình thấy dại quá, biết trước đã lấy hết tệp tiền đó rồi. Đến bây giờ tờ tiền đó cả 2 vợ chồng mình cùng ghi ngày và mình vẫn cất tủ để làm kỉ niệm”, chị Trang cười nhớ lại.
Dẫu đã tổ chức đám cưới đơn giản ở Nhật nhưng sau khi bé Miu – con gái của anh chị được một tuổi, trong lần về thăm Pakistan lần đầu tiên, chị vẫn được gia đình mình tổ chức đám cưới vô cùng hoành tráng theo phong tục ở đây.
Chị trong trang phục cưới ở Pakistan.
Chị Trang kể, lần đầu tiên về thăm quê chồng cũng là lần đầu tiên chị đến Pakistan. Mọi thứ khá lạ lẫm, không giống như chị tưởng tượng. Đến sân bay Pakistan tối muộn rồi đi về nhà chồng đến gần sáng mới đến nơi nhưng cả nhà chồng chị đều đến sân bay đông đủ để đón. Sự tình cảm, lịch sự, vui vẻ khiến chị cảm thấy thân thuộc.
Lần đó chị về Pakistan cùng với gia đình chỉ nghĩ đơn giản để thăm nhà chồng và dự đám cưới của em trai chồng nên không hề có sự chuẩn bị như chăm sóc da, spa, làm đẹp,… Mãi đến khi sang Pakistan được 2 ngày, vô tình thấy thiệp cưới quá đẹp, mở ra xem, thấy tên mình và chồng trong đó, chị mới biết, gia đình tổ chức đám cưới cho.
“Mình hỏi em chồng tại sao có tên mình trong đó? Em chồng cười ha hả, hỏi mình là chị không biết gì à? Tallal không nói gì với chị hả? Tuần sau sẽ có cả nghìn người đến để nhìn mặt chị thôi đó. Lúc đó mình mới đi hỏi chồng, anh trả lời tụt ngủn là “đúng rồi”. Cảm giác mình như trâu bị dắt mũi, đến đám cưới cũng không biết vì nếu biết mình đã chuẩn bị làm đẹp này kia như bao người chuẩn bị làm cô dâu khác….”, chị Trang chia sẻ.
Chia sẻ về phong tục cưới ở đây, chị Trang cho biết, đám cưới ở Pakistan rất khác so với Việt Nam, đám cưới kéo dài liên tục 3 ngày. Ngày đầu là tiệc tại nhà có bắn pháo hoa, múa nhảy ngựa, ngày thứ 2 là đi đón dâu và ngày thứ 3 là tiệc ra mắt cô dâu tại nhà trai. 3 ngày làm cô dâu chị phải mặc 3 bộ váy màu khác nhau kèm theo 3 bộ trang sức bằng vàng khác nhau. Đặc biệt, đám cưới sử dụng rất nhiều vàng.
Ngoài ra, trái ngược với Việt Nam, nhà gái thách cưới nhà trai, ở Pakistan, khi lấy chồng, nhà gái phải chuẩn bị của hồi môn cho con gái rất nhiều giống như ở Việt Nam thường gọi là nhà trai thách cưới. Nhà trai chỉ tặng một bộ vàng vào ngày cưới ra mắt. Tuy nhiên, chị lấy chồng Pakistan lại không có gì hết và hoàn toàn nhà chồng đều tự sắm cho.
“Ở bên Pakistan đám cưới sử dụng rất nhiều vàng, những bộ trang sức rất to, và đeo rất nhiều nữa. Váy của mình do chồng và mẹ chồng chọn sẵn nhiều kiểu gửi cho mình xem trước, mình thích bộ nào thì mẹ chồng đặt trước, đến ngày sang, mình chỉ việc đi xem có cần chỉnh sửa thêm gì không và lấy về thôi.
Xong váy cưới là đến mua trang sức, mình có nói với chồng thôi dùng 3 ngày sau đó không dùng nữa nên mua vàng giả cũng được cho tiết kiệm đỡ tốn tiền nhưng chồng và mẹ chồng không đồng ý. Mọi người nói cưới có 3 ngày, sau không dùng để làm kỷ niệm, ngày cưới phải đẹp vì có rất nhiều người đến xem mặt cô dâu, cũng là bộ mặt của gia đình chồng.
Sau đó, mẹ chồng mình dẫn đến plaza hiệu vàng nổi tiếng nhất thành phố để chọn trang sức. Mình sợ tốn tiền nên cứ nhắm bộ nào nhỏ để chọn, còn mẹ chồng cứ bảo chủ cửa hàng lấy mẫu mới nhất đẹp nhất mang ra. Từ chối không được nên mình đã chọn được 3 bộ thấy đẹp để mix cùng với váy vàng”, chị Trang kể.
3 ngày cưới tuy rất mệt, ngủ ít nhưng thực sự là 3 ngày vô cùng vui của chị Trang. Mọi người gần gũi, tình cảm, dành rất nhiều sự quan tâm cho chị, đặc biệt bé Zin, bé Miu. Và chuyến về thăm quê chồng 2 tuần đó mang lại cho chị rất nhiều kỷ niệm.
Sau khi kết hôn, biết thuê nhà và mua đồ tốn kém nên chị đã chủ động góp 4000 đô (Khoảng gần 100 triệu) đưa chồng phụ thêm khi cả 2 chuyển về chung một nhà. Có lẽ vì vậy mà từ đó đến sau này, ông xã vẫn luôn nể chị và không bao giờ tính toán với chị điều gì. Hiện tại, công việc kinh doanh của chồng chị khá bận rộn nên cuối tuần anh thường dành thời gian đưa cả nhà đi chơi hay những ngày nghỉ, Lễ Tết, cả nhà chị cùng nhau dành những chuyến đi xa với nhau. Chồng chị vẫn luôn dành những điều lãng mạn thực tế cho chị như mua quà tặng vợ dù không phải ngày lễ hay mua nước hoa, đồng hồ, túi xách,… cho chị.
Nói về cuộc sống hôn nhân, chị Trang thổ lộ, gia đình nào cũng có xung khắc, cãi vã, đặc biệt 2 vợ chồng chị đều nóng tình, chồng tính trẻ con nên cả 2 cãi nhau suốt ngày. May mắn vì cả 2 to tiếng rồi thôi, chẳng bao giờ để bụng vì hiểu được tính tốt của nhau nên đều bỏ qua hết mọi điều. Mỗi khi gặp khó khăn, anh chị lại luôn bên cạnh động viên nhau cùng vượt qua. Đối với chị, để có được hạnh phúc như hiện tại đó là sự chân thành, cùng đồng lòng cố gắng của cả 2 vợ chồng cho gia đình nhỏ để mọi việc trở lên tốt đẹp hơn.
Eva