Mơ ngày về Việt Nam!

Định cư và làm ăn khá thành công tại TP.Lourdes (Pháp) nhưng vợ chồng anh Mai Phi Hùng vẫn mơ ngày về Việt Nam sinh sống trong tình cảm của người thân, bạn bè…

Định cư và làm ăn khá thành công tại TP.Lourdes (Pháp) nhưng vợ chồng anh Mai Phi Hùng vẫn mơ ngày về Việt Nam sinh sống trong tình cảm của người thân, bạn bè khi về già, bù đắp những năm tháng gian khổ làm việc quần quật nơi xứ người để mưu sinh.

 

Vợ chồng anh Mai Phi Hùng và chị Trần Thị Hoa

 

Điểm đến thứ 2 của chúng tôi dừng chân khi đến Pháp là TP.Lourdes cách thủ đô Paris khoảng 800 km với 5 giờ đi tàu siêu tốc. Sau 4 ngày ăn toàn đồ Tây đến ngán thì bữa cơm trưa tại nhà hàng Phi Long của vợ chồng anh Mai Phi Hùng và chị Trần Thị Hoa khiến chúng tôi hài lòng nhất. Bữa trưa rặt hương vị Việt, ngoài cơm còn có cá saba nướng, bò xào bông cải, ba chỉ heo kho, canh cải thịt bằm và dứa (thơm) tráng miệng. Có lẽ mọi người trong chúng tôi di chuyển khá nhiều nên đói và ăn ngon lành. Riêng tôi có một cảm nhận ra rất khác về chủ nhà hàng. Đó không chỉ là món ăn ngon hợp khẩu vị với người Việt, mà trong món ăn đó, tôi nhận ra rằng người chủ của nó rất tâm huyết và có gì đó gợi nhớ về cố hương, muốn mang hồn dân tộc giới thiệu cho bạn bè thế giới. Sau bữa cơm, gia chủ có ý mời chúng tôi quay lại vào buổi tối để hàn huyên chuyện đời, chuyện người nơi đất khách quê người.

Ăn mì tôm xây nhà

Hơn 21 giờ tối, chúng tôi mới đến nhà hàng, lúc này khách đã về gần hết. Thấy chúng tôi, chị Hoa cười và bảo cứ nghĩ chúng tôi hứa đùa mà không đến, nhưng vợ chồng anh chị thì nôn nao từ chiều chờ đón khách. Bên chai rượu vang Pháp, anh Hùng ngồi tiếp chúng tôi, còn chị Hoa vừa dọn hàng quán, vừa pha chuyện theo chồng.

Anh Hùng nói về cuộc đời mình trải qua rất nhiều chông gai. Sinh ra ở Tiền Giang, năm 1987 anh sang Campuchia và sau đó vượt biên sang Thái Lan và được sang Pháp năm 1991. Ở Paris, do hạn chế về ngôn ngữ nên anh được cho đi học nghề dân dụng, sau đó mưu sinh bằng nghề làm thợ điện, sửa ống nước nước, xây nhà…; cái gì anh cũng làm. Anh gặp vợ là chị Hoa (quê Vĩnh Long) trên một chuyến bay, sau đó yêu nhau và cưới nhau năm 1995. Năm 1996 thì dắt nhau về TP.Lourdes lập nghiệp.

Lập nghiệp bằng nghề nhà hàng, thấy nghề này phát triển được nên vợ chồng anh chị dùng số tiền dành dụm và vay ngân hàng để mua một căn nhà có diện tích 11 x 20 m, tổng diện tích sàn xây dựng là 460 m2. Chị Hoa nói ngày đó khi bắt tay vào sửa nhà chỉ có 2 vợ chồng làm, dù mang bầu đứa con thứ 2 nhưng anh làm gì thì chị làm đó và chỉ dám ăn mì tôm, không có tiền thuê nhân công.

Với tính hiền lành, chất phác, hào phóng và chăm chỉ của người miền Tây Nam bộ, cộng với tài nấu ăn của chị Hoa, nhà hàng vợ chồng anh chị có lượng khách thuộc diện đông nhất nhì TP.Lourdes trong khoảng 15 năm trước, phải thuê 6 nhân viên phục vụ. Khách đến nhà hàng đông đến nỗi nếu không đặt trước thì không có chỗ ngồi, mỗi ngày có đến 300 khách. Và chỉ 5 năm sau vợ chồng anh chị đã trả hết tiền vay ngân hàng. Không những vậy, vợ chồng anh còn mua một căn villa với khuôn viên 1.000 m2 tại TP.Lourdes để cho thuê và gửi tiền về phụ giúp cha mẹ 2 bên.

“Ngày đó cứ 8 giờ sáng tôi thức dậy làm việc, đến 3 giờ chiều nếu nhà hàng còn thiếu gì thì đi chợ. 6 giờ chiều mở cửa và phục vụ thực khách đến 2 – 3 giờ sáng. Tôi đã đứng hàng chục năm như vậy. Vừa làm, tôi còn phụ chồng chăm con, đưa đón con đi học”, chị Hoa nhớ lại và cho biết thêm, mỗi khi về Việt Nam, nhiều chị em bảo chị số sướng, chị bảo mỗi người có cái sướng, nỗi khổ riêng. Chị giơ đôi bàn tay chai sần, bảo đó là kết quả của nhiều năm liền làm đầu bếp cầm dao, chày và chảo nóng. Hiện nay chị không còn sức đứng nữa nên phải thuê người Việt đã sống tại Pháp nhiều năm làm đầu bếp và mọi kinh nghiệm chị đã truyền lại.

Không có gì ngoài sự chăm chỉ

Nói về bí quyết thành công, vợ chồng anh chị bảo không có gì ngoài sự chăm chỉ, chịu cực khổ, kiên nhẫn và biết phục vụ đẹp lòng khách. Chị Hoa cho biết, so với nhiều nước thì thực khách ăn uống dễ nhất là người Indonesia và Philippines. Khách ăn ngon và khen là động lực để vợ chồng chị tiếp tục sống với nghề này.

Quả ngọt của vợ chồng là 4 đứa con, người con đầu là kỹ sư nay 36 tuổi đã có gia đình và 3 đứa con; 3 người con còn lại đang đi học và đều xinh đẹp, ngoan ngoãn, ngoài giờ học còn phụ giúp ba mẹ trong việc kinh doanh nhà hàng. Vợ chồng anh Hùng cho biết thêm, khi các con lớn khôn sẽ giao hết tài sản lại cho chúng và vợ chồng anh về Việt Nam sinh sống, hưởng tuổi già cho đến cuối đời. Vợ chồng anh chị đã mua được nhà ở TP.HCM. Chị Hoa bảo, nhìn lại chị thấy vợ chồng, gia đình mình may mắn. Có nhiều người qua Pháp hàng chục năm vẫn chưa dám về Việt Nam, bởi họ còn nghèo lắm!

Chị Hoa kể, ở TP.Lourdes chỉ có mấy chục người Việt Nam, ít tụ họp. Vợ chồng chị rất nhớ tết ở Việt Nam, nên cứ dịp tết là đến chợ người Việt ở TP.Toulouse cách nhà cả trăm ki lô mét để mua củ kiệu, bánh trái, trong đó không thể thiếu bánh tét. Đêm giao thừa không ai ra đường, vợ chồng chỉ ở nhà thắp hương cúng ông bà. Năm ngoái chị về Việt Nam, thèm bánh tét đến nỗi mang 17 đòn bánh qua Pháp để vào tủ lạnh ăn dần.

“Về quê ăn tết là nhất rồi. Ngày xưa tết ở quê vui lắm. Cả tháng trước là chuẩn bị phụ ông bà già làm bánh tráng, dọn nhà, sau đó là gói bánh tét”, anh Hùng nhớ lại khi vợ nói đến tết.

Vì lâu lắm mới có người Việt Nam đến thăm, vợ chồng anh Hùng được nói tiếng mẹ đẻ thoải mái và cũng bày tỏ nỗi lòng của người Việt xa xứ trên hành trình mưu sinh khiến cuộc gặp của chúng tôi kéo dài quá 0 giờ. Gia chủ tiễn chúng tôi bằng cách mời lên xe chạy một vòng ngắm TP.Lourdes về đêm và đưa về tận khách sạn. Trước khi chia tay, vợ chồng anh Hùng bảo nếu có người quen qua TP.Lourdes thì hãy cho địa chỉ nhà anh chị để đón tiếp, cốt cũng là để có người Việt đến nói chuyện với nhau cho đỡ nhớ nhà.