Mọi người lưu ý: Những ‘bẫy du lịch‘ thường gặp ở châu Âu

Một người khóc nức nở kể cho bạn nghe câu chuyện buồn của họ, và rồi nếu không cho họ tiền, bạn không thể rời đi.

Châu Âu đã mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch và hè năm nay, nhiều người Việt đã có các chuyến đi tới châu lục này. Dưới đây là những lưu ý và các “bẫy du lịch” có thể gặp phải khi tới châu Âu, theo liệt kê từ Fordor’s Travel và Culture Trip để bạn có thể chủ động tránh.

Nghệ sĩ “dởm”

Châu Âu có rất nhiều các nghệ sĩ đường phố biểu diễn. Phần lớn trong đó là nghệ sĩ xịn, trình diễn âm nhạc và đổi lấy tiền của khách đứng xem. Nhưng một số lại là những kẻ lừa đảo, thuộc các băng nhóm có tổ chức. Bạn có thể dừng lại một chút trên đường xem các nghệ sĩ ca hát, đàn… nhưng không nên quá phân tâm. Vì có thể khi bạn đang quá say mê đứng xem biểu diễn, đồng bọn của các “nghệ sĩ dởm” sẽ theo dõi bạn và móc túi lúc nào không hay.

Dù cẩn thận, nhiều du khách vẫn dính bẫy kẻ xấu khi đi du lịch. Ảnh: Hotels

Dù cẩn thận, nhiều du khách vẫn dính bẫy kẻ xấu khi đi du lịch. Ảnh: Hotels

Người bạn mới quen thân thiện

Một người lạ thân thiện vô tình đứng cạnh bạn, bắt chuyện và sau đó cuộc trò chuyện của các bạn diễn ra thật rôm rả. Người bạn mới rủ bạn đến một quán bar, nhà hàng nào đó để mời uống một ly. Bạn vui vẻ đồng ý cho đến khi nhận được hóa đơn từ quán. Đó sẽ là cái giá “trên trời” và bạn không thể tìm thấy người bạn mới quen kia nữa. Trên thực tế, những kẻ làm trong quán bar đó cũng là đồng bọn của kẻ xấu. Do đó, nếu bạn thực sự nghĩ rằng bạn đã gặp được một người đáng mến, hãy tự tra cứu địa điểm, xem các đánh giá trên mạng về các quán bar và tự chọn theo sở thích của mình.

Trình bày hoàn cảnh khốn khó

Có rất nhiều biến thể về trò lừa đảo phổ biến này, nhưng tất cả đều nhắm đến mục tiêu chung là gợi lên sự thương xót, lòng trắc ẩn của người nghe để xin tiền. Một số người sẽ tìm cách tiếp cận du khách, kể với họ về câu chuyện khốn khó của bản thân, và xin giúp đỡ về tài chính.

Người dưng tốt bụng

Nhiều du khách đến châu Âu thường lúng túng trong việc mua vé các phương tiện công cộng từ máy tự động. Và đó là lúc một người lạ tới gần, đề nghị giúp đỡ bạn làm các thao tác mua vé Nhưng sau đó, họ sẽ nói máy bị hỏng, và không chấp nhận tiền mặt. Tiếp đến, người lạ đề nghị giúp bạn bằng việc thanh toán qua thẻ của họ, còn bạn trả họ tiền mặt. Và tấm vé ấy, thông thường sẽ không thể sử dụng được. Đôi khi, kẻ lừa đảo sẽ xuất hiện với đồng phục, thẻ tên để giả dạng nhân viên để khiến du khách mất cảnh giác.

Thực đơn không ghi giá

Một số nhà hàng cố gắng bẫy khách du lịch bằng cách bỏ qua giá cả in trên menu hoặc trên bảng treo tường. Nhiều khách chủ quan vì thấy nhà hàng trông đơn giản, nghĩ rằng giá cả phải chăng. Nhưng sự thật sẽ khiến bạn ngỡ ngàng khi thanh toán. Theo luật, các nhà hàng buộc phải niêm yết giá. Do đó, đừng ngần ngại hỏi về các món ăn và giá tiền nếu bạn không chắc chắn.

Cờ bạc bịp

Du khách đến Paris, Pháp, đặc biệt là các nơi gần các điểm du lịch nổi tiếng như tháp Eiffel dễ thấy các nhóm người đang tụ tập chơi một trò gì đó. Các trò này thường là cờ bạc “bịp”, thông thường chúng sẽ để bạn thắng một vài ván đầu tiên. Nhưng sau đó, bạn sẽ thua sạch số tiền mình có lúc nào không biết. Và nếu bạn bỏ đi ngay sau khi bạn thắng, bạn sẽ bị những kẻ đứng đó “quây” lại và gây khó dễ.

Voucher giảm giá giả

Bạn được một người xa lạ, nhưng trông thân thiện tặng một phiếu mua đồ giảm giá với mức chiết khấu hấp dẫn cho nhà hàng ở gần đó. Bạn nhận voucher, ghé ăn và đến khi thanh toán, bạn mới phát hiện rằng voucher giả. Tất nhiên, bạn phải trả 100% số tiền và giá không hề rẻ chút nào.

Taxi lừa đảo

Châu Âu nói chung có các dịch vụ taxi rất an toàn, đáng tin cậy. Lái xe phần lớn được cấp phép hoạt động, đồng hồ đo cây số hiện thị rõ ràng. Vì vậy, nếu bạn gặp một lái xe nào đó nói rằng đồng hồ bị hỏng, hoặc yêu cầu bạn trả tiền mặt trước, hãy đơn giản là rời khỏi chiếc xe đó và bắt một chiếc tiếp theo.

Cảnh sát giả mạo

Đây là một trò lừa đảo tinh vi, và lừa được nhiều du khách. Câu chuyện sẽ được bắt đầu bằng việc một người là du khách giống bạn hỏi đường và nhờ chỉ dẫn. Bạn trao đổi với họ vài câu. Vài phút sau đó, bất ngờ hai người mặc thường phục tự nhận là cảnh sát, tiếp cận bạn và xuất trình phù hiệu giả để “chứng minh”. Họ nói bạn vừa tiếp xúc với một tên tội phạm, và muốn kiểm tra hộ chiếu, giấy tờ tùy thân của bạn hoặc khám xét balo, túi xách. Đây là thời điểm đồ có giá trị của bạn sẽ bị mất.

Anh Nguyễn Tất Thịnh, một Việt kiều sống lâu năm tại CH Czech, cho biết các địa điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu thường có nhiều kẻ trộm cắp, lừa đảo chuyên nghiệp. “Nghiệp vụ của chúng rất giỏi. Mọi người thường truyền tay nhau 10 mẹo để tránh mất cắp ở châu Âu, thì chúng có 20 cách để lừa khách “, anh Thịnh hài hước nói.

Anh cho biết thêm không phải ai cũng có điều kiện mỗi năm đi du lịch châu Âu đôi ba lần. Phần lớn đều là khách vài năm một lần, hoặc lần đầu tiên nên không có nhiều kinh nghiệm. Còn những kẻ lừa đảo, chúng làm công việc đó hàng ngày. Đó là lý do, bạn dù cẩn thận nhưng đôi khi vẫn gặp sự cố.

Nguyễn Anh Lukas, nhiếp ảnh gia người Việt ở Pháp hơn 6 năm, cho biết kẻ xấu tiếp cận và lừa khách thành công vì chúng biết đánh vào lòng tham của con người. “Có kẻ bất ngờ tiếp cận bạn, bán cho bạn một chiếc đồng hồ hàng hiệu giá rẻ. Bạn đồng ý mua và sau đó thẫn thờ vì biết đã bị lừa. Tôi quan điểm không có người dại người khôn khi đi du lịch. Chỉ là đôi khi, chúng ta bị lòng tham làm mờ mắt và dính bẫy”, anh nói.

(VnExpress)