Món Tây hay món Việt thì bổ hơn? Giải đáp của bác sĩ Việt tại Mỹ khiến nhiều người bất ngờ

Gần đây, không ít ưa chuộng thực phẩm ngoại như yến mạch, hạt chia, liệu “hàng Việt” có món nào cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như vậy? PGS. BS gốc Việt đang làm việc tại Mỹ Huynh Wynn Tran sẽ giải đáp thắc mắc này.

Chào bác sĩ! Tôi thấy ở Việt Nam nhiều người thường tập ăn theo chế độ lành mạnh, giảm cân nhưng thường chuộng những thực phẩm phương Tây hơn như yến mạch, táo, hạt chia. Tuy nhiên, không phải ở đâu trên nước mình cũng bán các thực phẩm này và đặc biệt ở tỉnh lẻ lại khó mua hơn, giá cả cũng cao hơn. Bác sĩ có thể chỉ ra những thực phẩm phổ biến ở Việt Nam, ví dụ như gạo lứt, và cách chế biến để chế độ ăn trở nên lành mạnh được không ạ?

PGS.BS Trần Huỳnh:

“Tôi sống ở Mỹ rất lâu nhưng vẫn thường xuyên ăn đồ Việt, tuần ít nhất vài lần, bên cạnh thực phẩm châu u, Mỹ…

Sau nhiều năm quan sát và tìm hiểu, tôi thấy thực phẩm ở Việt Nam là một trong những đồ ăn giàu dinh dưỡng nhất trên thế giới, vấn đề là chúng ta chưa quảng bá thôi. Ví dụ như món phở: Đây là một món ăn có nhiều nguyên liệu có lợi cho sức khỏe, trong đó nước súp và rau rất quan trọng. Thịt và bánh phở chưa chắc tốt bằng. Rau giá, rau húng quế, rau thơm… đều giúp tăng sức đề kháng, giúp ruột tốt hơn. Mỗi lần đi ăn phở ngoài quán, bạn có thể kêu: “Cho con nhiều rau, ít bánh, bớt thịt”. Chắc chắn người bán cũng vui mà người mua cũng có được nhiều lợi sức khỏe!

Phở là một trong những món ăn Việt ngon và giàu dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)

Về các loại ngũ cốc, đồ ăn Việt Nam cũng không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới, chỉ có điều chúng ta chưa nhận ra giá trị đúng thôi. Một ví dụ khác là gạo lứt. Khi tìm hiểu về y khoa thì tôi thấy đây là một trong những thực phẩm tuyệt vời. Chẳng hạn, đối với những người tiểu đường, có hệ miễn dịch yếu thì gạo lứt được chứng minh có tác dụng làm chậm đi quá trình chuyển hóa tinh bột, giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh tốt hơn.

Đặc biệt, trong số các thực phẩm ở Việt Nam, trái cây rất đa dạng và giàu dinh dưỡng. Nước ta ở vùng nhiệt đới nóng ẩm, từ bắc vào Nam đều nhiều trái cây ngon, bổ. Nên ăn đồ tươi, ăn nguyên trái sẽ thu được nhiều vitamin và chất xơ. Dù vậy, trái cây cũng không nên ăn quá nhiều. Cái gì dù tốt đến đâu ăn quá nhiều cũng đều không có lợi.

Các loại hạt khô ở Việt Nam cũng vô cùng tốt, như hạt hướng dương chẳng hạn.

Nói chung, ở mỗi nơi trên thế giới đều có những thực phẩm tốt cho sức khỏe, và tại Việt Nam, rất nhiều đồ ăn lành mạnh chúng ta có thể lựa chọn.”

(Eva)