Một Chiều thu Đông Âu, giọt nước mắt muộn cho ký ức Budapest hào hùng.
Có ai ngờ được 56 năm, sau cuộc nổi dậy của nhân dân Hung Gia Lợi năm 1956, tôi được đứng giữa trời Budapest. Nơi này năm xưa, hàng ngàn người đứng lên chố.ng lại bạ.o cư.ờng Liên Xô, đòi độc lập tự do. Xe tăng đã tiến vào Budapest b.ắn gi.ết và tà.n sá.t lực lượng nổi dậy không thương tiếc. Má.u và nước mắt các sinh viên trẻ thi nhau đổ xuống. Giấc mơ tự do của một ngày mùa đông tháng 11 đã trở thành một cuộc t.ự s.át tập thể của một dân tộc.
Tôi đi giữa Quảng Trường Anh Hùng đông nghịt du khách của Budapest mà thần trí còn mơ màng nghe được tiếng đ.ạn chi.ến xa ngày xưa còn réo vọng trên đầu. Đứng ngây người nhìn lâu đài thành quách tuyệt đẹp soi bóng bên dòng Danube, tôi không khỏi nhỏ thầm giọt nước mắt muộn màng cho cuộc tình duyên với tự do không thành của người dân Hung Gia Lợi. Đó cũng là giọt nước mắt tôi khóc cho quê tôi, cho những người có cùng một mục đích đã đổ m.áu và h.y si.nh thân xác cho Việt Nam được tự do.
Quảng trường Anh Hùng, Budapest. (Ảnh: Shutterstock)
Trời thu Đông Âu mang mang gió lạnh, thổi về tiếng hát day dứt đầy cảm xúc của anh Hoàng Ngọc Tuấn hôm nào “Hãy cho anh khóc bằng mắt em… Những cuộc tình duyên Budapest!”. Mới năm rồi, nhân lúc ghé Cali, anh Tuấn đã đàn hát cho chúng tôi nghe một bài thơ của Thanh Tâm Tuyền do anh phổ nhạc “Cho anh khóc bằng mắt em”. Tôi không thể quên được nét mặt cùng những ngón đàn chuyên chở trọn vẹn trái tim Thanh Tâm Tuyền dành cho Budapest của anh Tuấn. Anh hát thật xuất thần. Năm mươi sáu năm xưa, giọt máu từ tim của người thanh niên 20, 21 tuổi Thanh Tâm Tuyền từ trời Nam đã rỉ thành thơ mà khóc cho lớp lớp sóng người thi nhau đổ gục ở trời Âu.
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim, em một trái tim
Chúng kéo đầy đường ch.iến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng b.ắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say gi.ết người như gạch ngói
………………………………………………….
Hãy cho anh ch.ết bằng da em
Trong giây xích chi.ến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp
……………………………………………….
(Trích thơ Thanh Tâm Tuyền – “Cho anh khóc bằng mắt em”)
Dấu đ.ạn của cuộc nổi dậy ngày nào, nay vẫn còn được giữ nguyên trên tường, mái những ngôi nhà cũ nhưng tinh thần bất khuất mới là những lưu dấu muôn năm trong lòng người dân Budapest.
Tôi ghé Cộng Hoà Nghị Viện Hung trong một chuyến du lịch Đông Âu. Thủ đô Budapest là thành phố đầu tiên chúng tôi đặt chân đến. Người hướng dẫn địa phương đã đưa chúng tôi đi xem toàn thành phố bằng xe bus. Chúng tôi không ngừng xuýt xoa khen kiến trúc lầu đài cung điện của Hung thật tuyệt đẹp. Budapest còn được gọi là “Hòn ngọc của Danube” là “thành phố của lễ hội”, là “trái tim của Âu châu” vì nó nằm giữa lòng Âu Châu, mà sự tráng lệ, giàu có của nền văn hoá và kiến trúc lóng lánh sáng như một viên ngọc quý.
Con sông Danube chảy qua Áo, Slovakia và đến vương quốc Hung đã chia đôi hai bờ Buda và Pest. Buda và Pest tuy hai mà một, Budapest thấy chỉ có một, nhưng đích thị là hai. Pest là thành phố cổ, nằm bên phải của dòng sông Danube. Thắng cảnh đẹp nhất của Pest có lẽ là tòa nhà Nghị Viện và quảng trường Anh Hùng (Heroes’ Square). Còn Buda và Obuda nằm phía bên kia sông, phía đồi Gellert Hill nhìn xuống. Trên đỉnh đồi sừng sững bức tượng Nữ Thần Tự Do của Hungary đứng suốt từ năm 1945 sau Thế Chi.ến II. Cấu trúc một bên là đồi, bên kia là bình nguyên, giòng Danube ở giữa của Budapest tương tợ như Kiev của Ukraine.
Bức tượng Nữ Thần Tự Do tại Budapest. (Ảnh: Shutterstock)
“Rước em lên đồi, cỏ hoa ngập lối”, Sun Hill đầu thu không có hoa chỉ có cỏ ngợp xanh. Chúng tôi lên đồi vùng Central Park để nhìn xuống toàn cảnh thành phố trữ tình này. Dọc theo con dốc, hai bên đường là những quán cà phê lộ thiên, những quầy hàng lưu niệm, đặc biệt là kem Âu châu nơi nào cũng có. Thơm biết bao nhiêu là mùi kem hạt Hazelnut mịn như lụa tan chậm trên đầu lưỡi. Thời gian ở Hung không nhiều nên phần lớn các nơi chúng tôi được thăm viếng quanh quẩn trong vòng đai thành phố. Nào là Cung Điện Hoàng Gia, Cầu Chain Bridge, kiến trúc cổ Fishermen’s Bastion soi mình bên sóng nước đá.nh dấu một di tích như một pháo đài, một tuyến phòng thủ của những người ngư phủ xây nên để chống ngoại xâm. Gần đó những đỉnh tháp nhọn của thánh đường St. Matthias trang nghiêm vươn lên cao vút như chọc thủng trời. Đó đây gót chân những cô gái tóc vàng sợi nhỏ, đầu phủ khăn ngoan, tay ôm một bó hoa nhỏ bước về miền giáo đường trông thánh thiện như những thiên thần.
Toà nhà nghị viện (Parliament building) với kiến trúc Gothic Revival đứng uy nghi lộng lẫy bên bờ sông Danube tạo nên một bức toàn ảnh tuyệt đẹp cho những tay phó nhòm. Ban đêm cũng thế, thành phố cổ này long lanh sáng trong đáy mắt người nhìn. Do đó nếu bạn là một người đam mê nhiếp ảnh, một lữ khách giang hồ thích phiêu lưu cảnh lạ đường xa, một tay yêu thiên nhiên, mến kiến trúc, bạn không thể không ghé nơi đây. Có thể nói Budapest là một trong những thành phố đẹp nhất của Âu châu.
Budapest. (Ảnh: Shutterstock)
Chiều xuống, chúng tôi sửa soạn cho chuyến du ngoạn có ăn tối trên sông Danube. Bước vào con tàu sửa soạn cho cuộc hải hành, chúng tôi thấy ban nhạc với những cây đàn bass, violin, guitar cùng vào. Khi bóng tối đổ xuống, con tàu bắt đầu lênh đênh thì nhạc cũng trổi lên. Tiệc Buffet được bày ra. Nến, hoa hồng và sâm banh nổ cùng cung nhạc, chúng tôi tha hồ say. Ánh sáng những căn nhà hai bên bờ sông hắt vào con tàu lung linh, nhạc Mozart, Beethoven, Johann Strauss sóng sánh. Theo lời yêu cầu của chúng tôi những bản nhạc cổ điển được tấu lên. Đặc biệt nhất là bài “Chủ nhận buồn” tức “Sombre Dimanche” hay “Gloomy Sunday” của Reszo Seress được anh Thắng người hướng dẫn Tour yêu cầu.
Cung nhạc xưa vang lên trầm lắng và não nuột, tiếng vĩ cầm liên tục quấn rít vào sống lưng khiến người nghe không khỏi chơi vơi. Bản nhạc xưa này đã một thời nổi tiếng khắp thế giới vì nó là “tiếng gọi của tử thần”. Đã hơn 100 người chết khi họ nghe bản nhạc này mà tác giả Reszo Seress là người Hung đã viết vào một ngày Chủ Nhật thật ảm đạm của tháng 12 năm 1932. Trong nỗi tuyệt vọng của thất t ình , anh đã sáng tác ra bài hát sầu thảm nhất trong đời. Một người đàn ông đang ngồi trong một quán café đông đúc tại Budapest đã đòi ban nhạc chơi bản “Gloomy Sundaỵ”. Người đàn ông khác ngồi tại bàn ông ta vừa nhấp rượu champagne vừa lắng nghe bài nhạc. Khi bản nhạc chấm dứt, người đàn ông trả tiền, rời khỏi quán, và vẫy một chiếc xe taxi. Vừa ngồi vào trong xe, ông ta liền lôi ra một khẩu súng và tự kết liễu đời mình. Vài ngày sau đó, một cô gái bán hàng thật trẻ đã tự treo cổ tại Berlin. Nằm phía dưới chân của cô gái là tờ nhạc của bài “Gloomy Sunday”. Và một cô thư ký xinh đẹp tại New York tự tử trong căn apartment bằng hơi ga đã để lại một mẩu giấy nhỏ xin yêu cầu bản nhạc “Gloomy Sunday” được chơi vào buổi lễ an táng cô.
Rezso Seress, người viết ra bài nhạc này cũng đã tự tử vào năm 1968.
Bài hát này được dịch ra nhiều thứ tiếng và được lưu truyền khắp thế giới. Năm 2000 một cuốn phim mang tên “Gloomy Sunday” ra đời. Phim này từng đoạt nhiều giải thưởng của Đức năm 2000 trong các hạng mục quay phim, kịch bản, đạo diễn, và nam chính (người đóng vai L.Szabo). Ðạo diễn và cả ekip làm phim là của Tây Đức kết hợp với Hung. Cô Erika Marozsan đóng phim này lúc 26 tuổi, có vẻ đẹp vừa e lệ dịu dàng, lại vừa rất hoang dã, khiêu khích, lột tả tính cách nhân vật thật xuất sắc, nhưng Joachim Kol đúng là tuyệt hơn hẳn trong vai ông chủ nhà hàng tốt bụng. Giống trong chuyện phim, Budapest thật sự có một quán ăn tên Kulacs (Chủ nhận Buồn) cũng đổi thay theo vận mệnh thành phố, lúc là quán ăn, quán café, hoặc đổi thành quán Jazz Café. Bao nhiêu đời chủ nhân đã đi qua quán! Năm ngoái, quán hãy còn mở, năm nay đã đóng và đang để bảng cho thuê. Phải nói đây là một phim hay của Âu châu rất đáng xem.
Có một điều rất buồn cười trong ngôn ngữ của Hung Gia Lợi là tiếng Magyar, không phải Slavic, cũng chẳng phải Latin mà dân Hung không ai nói tiếng Hung cả. Chính vì Hung là tập hợp của nhiều giống dân nên cộng đồng nào nói tiếng đó. Ngôn ngữ, Đức, Lỗ Ma Ni, Croatian, Serbian, Slovak đều được nói. Dân Hung phần lớn theo công giáo Slavic (70%). Muslim là thiểu số. Hiện họ có khoảng 100 ngàn người Do Thái còn sống ở đây. Người Trung Hoa cũng có ở Hung nhưng không có phố Tàu mọc lên. Cô hướng dẫn viên du lịch cười bảo chúng tôi, người Hoa là những người rất quan trọng, những VIP của Hung. Cô tiếp, họ là những chủ nợ vì chính phủ Hung có những món nợ khổng lồ. Mùa đông xứ này rất lạnh, tới trừ 20 độ C. Phần lớn dân Hung sống trong những căn chung cư rất lớn, dưới thời cộng sản họ bị chia ra thành những căn hộ nhỏ hơn. Phương tiện di chuyển công cộng chính trong thành phố của họ là Bus, Tram và Metro.
Đi ngược quá khứ, tìm về nguồn gốc, theo sử liệu Hungary là giống dân Magyars. Quốc gia này được thành lập khoảng 946 năm do bảy bộ lạc của khoảng 80 bộ tộc gom lại. Ngay chính người Hung cũng mù mờ về nguồn gốc của họ vì trong cuộc viễn chinh của Mông cổ hay Hung Nô (The Huns), tất cả nguồn gốc dân tộc đã bị xoá mất khi Hung Nô tràn vào càn quét. Lịch sử của Hung trải qua nhiều sóng gió. Đất nước này bước vào Thời kỳ Cộng sản từ năm 1946. Khi khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Hungary tuyên bố độc lập và trở thành một quốc gia dân chủ theo thể chế cộng hòa nghị viện và có mức thu nhập cao.
Ngày nay, Hungary đã là một quốc gia phát triển thịnh vượng nhất trong khối cộng sản Đông Âu cũ.
Trịnh Thanh Thủy
Đăng lại từ tạp chí Chim Việt Cành Nam (Chimviet.free.fr)