Muốn thêm 10 năm tuổi thọ, chỉ cần một yếu tố này, không phải ăn uống hay tập luyện, ai cũng rèn được

Lối sống lành mạnh với thói quen ăn uống, tập luyện điều độ được cho là giúp kéo dài tuổi thọ, nâng cao sức khỏe nhưng một yếu tố khác cũng quan trọng không kém, theo kết quả một nghiên cứu gần đây.

“Chọn sống lạc quan để đời bình an”, Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói. Càng lạc quan càng dễ có tuổi thọ dài và thêm cơ hội sống tới hơn 90 tuổi, theo một nghiên cứu mới với 160,000 phụ nữ thuộc các chủng tộc và hoàn cảnh sống khác nhau. Các yếu tố về lối sống khỏe mạnh, như chất lượng bữa ăn, hoạt động thể chất, chỉ số khối cơ thể (BMI), hút thuốc và uống rượu, đóng vai trò ít hơn ¼ trong mối liên quan giữa tuổi thọ và sự lạc quan, theo nghiên cứu đăng tải hôm thứ 4 tuần trước trên Tạp chí về lão khoa tại Mỹ.

“Mặc dù bản thân sự lạc quan có thể là khuôn mẫu của các yếu tố cấu trúc xã hội, nhưng phát hiện của chúng tôi cho thấy lợi ích của lạc quan đối với tuổi thọ có thể tồn tại ở mọi nhóm chủng tộc và dân tộc. Lạc quan có thể là một mục tiêu quan trọng khi muốn cải thiện tuổi thọ ở các nhóm dân số khác nhau”, tác giả nghiên cứu chính Hayami Koga, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, cho biết.

Những bằng chứng thuyết phục

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên tìm thấy mối liên quan chặt chẽ giữa tuổi thọ và cách nhìn nhận cuộc sống tích cực. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy cả nam và nữ có tinh thần lạc quan cao đều có tuổi thọ trung bình cao hơn 11%-15% so với những người hay suy nghĩ tiêu cực. Thực tế, những người đạt điểm lạc quan cao nhất thì có khả năng cao nhất sống tới 85 tuổi trở lên.

Những người nhìn nhận mọi việc tích cực thường sống lâu hơn. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu thấy rằng, các kết quả trên vẫn đúng ngay cả khi điều kiện kinh tế xã hội, tình trạng sức khỏe, trầm cảm, hút thuốc, mức độ giao du, chế độ ăn nghèo nàn và việc sử dụng rượu cũng đã được tính tới.

Theo các chuyên gia, sự lạc quan không có nghĩa là phớt lờ những thứ gây stress trong cuộc sống. Nhưng khi những việc tiêu cực xảy tới, người lạc quan ít đổ lỗi cho chính mình và thường nhìn nhận các chướng ngại chỉ là tạm thời hay thậm chí có tính tích cực. Người lạc quan cũng tin rằng họ kiểm soát được số phận của chính mình và có thể tạo ra các cơ hội cho những điều tốt lành sẽ đến trong tương lai.

Các nghiên cứu cũng cho thấy sự lạc quan cũng cải thiện sức khỏe của bạn. Các nghiên cứu trước đây thấy rằng có mối liên quan trực tiếp giữa sự lạc quan với chế độ ăn uống lành mạnh và các hành vi tập luyện thể dục, cũng như sức khỏe tim mạch tốt hơn, hệ thống miễn dịch và chức năng phổi khỏe hơn, đồng thời nguy cơ tử vong thấp đi.

Lạc quan có thể tập luyện mà thành

Các nghiên cứu với những cặp song sinh thấy rằng chỉ 25% số người lạc quan là được lập trình sẵn do nguồn gene. Phần còn lại tùy thuộc vào chúng ta và cách ta phản ứng với những sự việc xảy ra trong đời mình. Nếu bạn dễ nổi quạu và chán nản khi căng thẳng, đừng lo lắng. Thực sự bạn có thể rèn cho bộ não mình trở nên tích cực hơn.

Một trong những cách hiệu quả nhất để thêm lạc quan được gọi là phương pháp “phiên bản tốt nhất của chính mình”, theo các nghiên cứu phân tích quy mô lớn. Với cách này, bạn tưởng tượng bản thân ở thời tương lai – khi bạn đạt được tất cả những mục tiêu trong cuộc sống và mọi vấn đề của bạn đều được giải quyết.

Dành thời gian mỗi ngày viết những điều tích cực giúp bạn cải thiện tính lạc quan. (Ảnh minh họa)

Bắt đầu với việc viết 15 phút về những điều cụ thể bạn đã đạt được và dành 5 phút tưởng tượng thực tế đó sẽ trông như thế nào và bạn sẽ cảm thấy ra sao. Thực hành việc này hằng ngày có thể cải thiện đáng kể cảm giác tích cực của bạn, các chuyên gia khẳng định.

Trong một nghiên cứu năm 2011, các sinh viên đã thực hành phương pháp “phiên bản tốt nhất của chính mình” luyện tập 15 phút một lần mỗi tuần trong suốt 8 tuần. Họ không chỉ cảm thấy tích cực hơn và cảm giác này còn kéo dài tới 6 tháng.

Một cách khác để thúc đẩy tinh thần lạc quan là viết nhật ký dành riêng cho những trải nghiệm tích cực mà bạn đã trải qua hôm đó. Theo thời gian, sự tập trung vào những điều tốt đẹp này có thể định hình lại cách nhìn của bạn.

Dành vài phút mỗi ngày viết xuống những điều bạn biết ơn cũng cải thiện góc nhìn của bạn về cuộc sống. Một số nghiên cứu cho thấy việc thực hành lòng biết ơn cải thiện kỹ năng đương đầu tích cực bằng cách phá vỡ những lối suy nghĩ tiêu cực thông thường và thay thế bằng sự lạc quan. Việc ghi nhận lại những niềm vui, điều may mắn thậm chí còn làm giảm các hành vi có vấn đề ở trẻ vị thành niên.

Giống như tập thể dục, các bài tập nâng cao tinh thần lạc quan sẽ cần được luyện tập thường xuyên để duy trì cách nhìn tích cực của não. Nhưng rõ ràng, để có một cuộc đời dài hơn, hạnh phúc và tích cực hơn thì xứng đáng cho chúng ta nỗ lực, đúng không bạn?

(Eva)