Mỹ đối mặt với “cơn bão” kinh tế
Mỹ đang phải đối mặt với một “cơn bão” kinh tế – gã khổng lồ JPMorgan Chase ở Phố Wall cảnh báo các nhà đầu tư.
Ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo Mỹ đang đối mặt “cơn bão” kinh tế. Ảnh: AFP
Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase mô tả những thách thức mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt giống như một cơn bão sắp đổ bộ và thúc giục Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để tránh đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.
Bình luận của ông Dimon được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden gặp Chủ tịch Fed Jerome Powell để thảo luận về lạm phát, vốn đang dao động ở mức cao nhất trong 40 năm.
“Đó là một cơn bão” – AP dẫn lời ông Dimon phát biểu tại một hội nghị ngân hàng hôm 1.6. “Hiện tại, trời nắng đẹp, mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Mọi người đều nghĩ Fed có thể giải quyết việc này. Nhưng cơn bão đang đâu đó ngoài kia và sẵn sàng ập đến với chúng ta. Chúng ta chỉ không biết nó là cơn bão nhỏ hay siêu bão Sandy” – ông Dimon ví von.
Theo người đứng đầu ngân hàng lớn nhất Mỹ, người tiêu dùng Mỹ vẫn còn đủ tiền tài khoản để chi tiêu trong khoảng sáu đến chín tháng nữa, nhưng ông Dimon nhấn mạnh rằng, số tiền này có được là do các biện pháp kích thích kinh tế trong đại dịch của chính phủ.
Giám đốc JPMorgan Chase cũng bày tỏ lo ngại về cuộc xung đột ở Ukraina và tác động của nó đối với giá dầu thô toàn cầu, dự báo cuối cùng có thể tăng vọt lên 175 USD/thùng.
“Xung đột trở nên tồi tệ, gây ra những hậu quả không lường trước được” – ông Dimon nói và cho biết cuộc xung đột dự kiến sẽ tiếp tục khuấy động thị trường hàng hóa trên toàn cầu, tác động đến giá xăng dầu, khí đốt và lúa mì.
Giám đốc JPMorgan Chase Jamie Dimon. Ảnh: AFP
Ông chủ ngân hàng hàng đầu còn bày tỏ lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang bắt đầu nới lỏng danh mục trái phiếu của mình, một quá trình được gọi là thắt chặt định lượng cùng lúc với việc tăng lãi suất.
“Chúng ta chưa bao giờ thắt chặt định lượng như thế này trong lịch sử 50 năm qua. Họ không có sự lựa chọn vì có quá nhiều thanh khoản trong hệ thống. Họ phải loại bỏ một phần thanh khoản để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, giảm giá nhà và những thứ tương tự” – ông Dimon nói.
Fed đang chịu áp lực phải quyết định giảm tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao hơn ba lần so với mục tiêu 2% – khiến chi phí sinh hoạt của người dân Mỹ tăng vọt. Fed phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc giảm nhu cầu đủ để kiềm chế lạm phát trong khi không gây ra suy thoái.
Các ngân hàng trung ương lớn, vốn đã lên kế hoạch tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát, cũng đang chuẩn bị cho một đợt thoái vốn chung từ các thị trường tài chính quan trọng trong vòng thắt chặt định lượng toàn cầu lần đầu tiên. Động thái này dự kiến sẽ hạn chế tín dụng và gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế thế giới vốn đã chậm lại.