Mỹ lại cân nhắc xóa hàng trăm tỷ USD ɴợ sinh viên

Tổng thống Biden đang cân nhắc xóa hàng trăm tỷ USD khoản vay của sinh viên Mỹ. Quyết định có thể được công bố sớm nhất trong tháng tới.

Theo CNBC, tổng số nợ sinh viên ở Mỹ hiện tại là 1,7 nghìn tỷ USD và cả nước có khoảng 44 triệu cựu sinh viên gánh nợ từ thời đại học. Thậm chí, nhiều người gần đến tuổi nghỉ hưu vẫn tồn khoản nợ hàng trăm nghìn USD và nhiều khả năng không thể trả nổi.

Lời hứa xóa nợ sinh viên của Tổng thống Joe Biden dấy lên hy vọng rồi lại khiến hàng triệu người Mỹ thất vọng. Đến cuối tháng 7, chương trình xóa nợ lại được cân nhắc. Trên CNBC, chuyên gia đưa ra 3 lý do Mỹ cần xóa nợ.

Hệ thống cho vay có vấn đề

Vài thập kỷ qua, chi phí học đại học tăng vọt trong khi tiền lương không được cải thiện. Vì thế, nhiều gia đình phải vay nợ để cho con học lên giáo dục bậc cao. Dư nợ trung bình của sinh viên tốt nghiệp đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1980, từ khoảng 12.000 USD đến hơn 30.000 USD.

Số dư nợ về giáo dục chưa thanh toán của quốc gia này hiện vượt quá 1,7 nghìn tỷ USD. Đối nhiều gia đình, khoản nợ này là gánh nặng lớn hơn so với nợ thẻ tín dụng hay tiền vay mua ôtô.

Chinh phu My xem xet xoa no cho sinh vien anh 1

Mỗi sinh viên Mỹ hiện nay sau khi tốt nghiệp phải gánh trên vai số nợ hơn 30.000 USD. Ảnh: Unsplash.

Sinh viên đi vay phàn nàn rằng hệ thống cho vay có nhiều vấn đề. Khoảng 20% người vay nợ sinh viên để theo học các đại học vì lợi nhuận. Nhiều trường trong số đó bị chỉ trích vì khiến người học hiểu nhầm và không cung cấp nền giáo dục chất lượng. Hậu quả, khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp những trường này rơi vào kết cục vỡ nợ.

Persis Yu, Giám đốc chính sách của Trung tâm Bảo vệ Người vay nợ sinh viên, cho biết Bộ Giáo dục Mỹ đã không thực hiện tốt nhiều lời hứa của mình.

Hàng triệu người đã đăng ký các chương trình xin xóa nợ nhưng không được hỗ trợ. Nhiều người trong số họ tham gia chương trình trả nợ dựa trên thu nhập và chương trình xóa nợ dịch vụ công phổ biến. Họ mắc kẹt trong việc tiếp tục thanh toán sau khi bị từ chối giúp đỡ, thường do lỗi kỹ thuật hoặc sai sót.

Các công ty cung cấp các khoản vay cho sinh viên cũng bị cáo buộc vì đưa cho người vay thông tin sai và không đầy đủ.

“Nhiều thập kỷ quản lý yếu kém, thói quen lạm dụng, thiếu năng lực khiến hàng triệu người đi vay bỏ lỡ nhiều chương trình và lợi ích quan trọng theo luật”, bà Persis Yu nhận định.

Lo ngại nhiều khoản nợ không được hoàn trả

Một trong những lập luận cho việc xóa các khoản vay của sinh viên là hàng triệu sinh viên sẽ không bao giờ trả hết số nợ của họ.

Theo ước tính sơ bộ của chuyên gia giáo dục đại học Mark Kantrowits, chỉ khoảng một nửa sinh viên Mỹ vay nợ (khoảng 20 triệu người) đã trả nợ trước đại dịch. Một phần tư số sinh viên, tức là hơn 10 triệu người, rơi vào tình trạng quá hạn hoặc vỡ nợ. Nhiều sinh viên khác phải nộp đơn xin trợ giúp cho người vay đang gặp khó khăn, bao gồm những đơn xin hoãn nợ (không có lãi tích lũy vào số dư nợ) và khất nợ (lãi tích lũy vào số dư nợ).

Những con số này khiến người ta so sánh với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Trong khi đó, nhiều cựu sinh viên còn phải đối mặt với một loạt hậu quả từ việc bảng tài chính cá nhân có hàng chục nghìn USD tiền nợ, bao gồm khó khăn khi mua nhà, khởi nghiệp.

Sắp đến thời hạn nửa nhiệm kỳ

Chính quyền Biden cho biết sắp có thông báo về việc xóa nợ cho sinh viên, đồng nghĩa tin tức này sẽ lan truyền nhanh chóng trước khi người Mỹ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Phe ủng hộ nói rằng việc xóa nợ cho sinh viên sẽ khuyến khích các cử tri trẻ tuổi nghiêng về phía Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử.

Astra Taylor, người đồng sáng lập của Debt Collective (công đoàn dành cho người vay nợ), nói: “Quyết định xóa nợ có thể dẫn đến thành công hoặc thất bại của đảng Dân chủ ở ‘chiến trường’ các tiểu bang”.

(zingnews)