Mỹ vật lộn với ‘cơn khát’ sữa công thức

 Những kệ hàng sữa công thức trống trơn, nhiều trẻ sơ sinh phải nhập viện do thiếu hụt dinh dưỡng, các công ty vận tải phải trang bị hệ thống khóa đặc biệt cho những container chở sữa phòng nguy cơ bị đánh cắp là những hình ảnh khó tin đang diễn ra tại chính nước Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới.

Những điều cần biết về sữa công thức - Baby Brezza Việt Nam

Trở thành mặt hàng có nguy cơ mất trộm cao nhất ở Mỹ
Với chế độ nghỉ 12 tuần khi sinh, Mỹ là nước có kỳ nghỉ thai sản ngắn nhất trong các quốc gia phát triển, cũng là một trong những nước hiếm hoi không quy định nghỉ thai sản được trả lương. Do đó, việc thiếu hụt sữa công thức là vấn đề nghiêm trọng với những hộ gia đình thu nhập thấp bởi những người mẹ thường phải trở lại làm việc không lâu sau khi sinh con và gặp khó khăn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Cô Clara Hinton (30 tuổi) sống tại thành phố Hartford, thủ phủ của tiểu bang Connecticut, có một bé gái 10 tháng tuổi tên là Patiennce. Vì bị dị ứng nên Patiennce phải uống loại sữa công thức đặc biệt từ khi 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, việc có đủ sữa cho Patiennce là vấn đề thực sự nan giải với Clara kể từ đầu tháng 5. Vì không có ô tô, bà mẹ trẻ 30 tuổi đã phải bắt xe buýt ra ngoại ô, lùng sục từ thị trấn này sang thị trấn khác, và cuối cùng đã may mắn tìm thấy một cửa hàng ở West Hartford bán loại sữa công thức phù hợp với con gái. Dù vậy, số sữa mua được cũng chỉ đủ cho Patiennce dùng trong 2 tuần.

Elizabeth Amador, sống tại Utah – một tiểu bang miền tây của Mỹ, cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Mỗi ngày, sau khi tan làm, Amador lại lái xe vòng quanh thành phố Salt Lake với nỗ lực tìm kiếm loại sữa công thức mà con gái 9 tháng tuổi của cô ấy cần. “Bạn biết đấy, điều đó thật tệ vì giá xăng cao. Chúng tôi phải lái xe khắp nơi để tìm sữa cho con”, Amador bộc bạch.

Một số bà mẹ khác thì tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội để tìm sữa công thức cho con mình. Ashley Maddox (31 tuổi), một bà mẹ hai con đến từ San Diego, đã tham gia một nhóm trên Facebook sau khi vô vọng vì đi khắp các cửa hàng vẫn không tìm được sữa công thức cho cậu con trai 5 tháng tuổi của mình. “Tôi đã kết nối với một bà mẹ khác trong nhóm của mình. Cô ấy có bảy lon sữa công thức mà tôi cần nhưng hiện con cô ấy không cần dùng tới. Vì vậy, tôi đã lái xe khoảng 20 phút tới nhà cô ấy và mua lại số sữa công thức đó. Quả thật là một kỳ tích”, Maddox hân hoan chia sẻ.

Tuy nhiên, có nhiều bà mẹ không may mắn như vậy, dù đã nỗ lực tìm kiếm nhưng họ vẫn không tìm được loại sữa công thức phù hợp cho con mình, thậm chí còn bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến. Một bà mẹ ở Michigan nói với New York Times rằng tình huống này là “một cơn ác mộng”. Một người khác thì cho biết cô đã khóc khi không thể tìm sữa công thức phù hợp cho con và buộc phải cho cô con gái 6 tháng tuổi uống loại sữa không phù hợp.

Nhiều bang tại Mỹ đã ghi nhận những trường hợp trẻ phải nhập viện do bố mẹ không tìm mua được sữa hoặc không đủ khả năng mua trên mạng vì giá “trên trời”. Thậm chí, sữa bột đã trở thành mặt hàng có nguy cơ bị đánh cắp số một tại Mỹ trong thời gian gần đây, bên cạnh những nhu yếu phẩm như lương thực và đồ uống.

Theo Wall Streer Journal, tình trạng này xảy ra khi thu nhập của người dân đi xuống, lạm phát tăng cao. Một loạt nhu cầu thiết yếu như xăng dầu, hàng tạp hóa và tiền thuê nhà đều tăng giá. Giá xăng ở Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, tăng khoảng 50% so với cuối năm 2021, khiến việc lái xe hàng km từ cửa hàng này sang cửa hàng khác để tìm mua sữa trở nên tốn kém hơn bao giờ hết.

Nguyên nhân do đâu?
Tình trạng thiếu hụt sữa công thức cho trẻ em ở Mỹ đã manh nha từ tháng 2 nhưng diễn biến nghiêm trọng từ đầu tháng 5. Thống kê cho thấy hơn 40% nhà bán lẻ lớn tại Mỹ đã hết sữa công thức cho trẻ em. Ban đầu, tình trạng thiếu sữa công thức xuất hiện do ảnh hưởng của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu nhân công do đại dịch Covid-19. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi nhà sản xuất sữa hàng đầu của Mỹ là Abbott tuyên bố tự nguyện thu hồi loại sữa công thức được sản xuất tại nhà máy ở Michigan và đóng cửa nhà máy này sau khi hai trẻ sơ sinh tử vong với nguyên nhân bị nghi là liên quan đến sản phẩm của hãng.

Hiện, 90% thị trường sữa công thức trẻ em ở Mỹ được nắm giữ bởi 4 cái tên gồm Abbott (chiếm gần một nửa thị trường), Mead Johnson Nutrition, Nestlé USA và Perrigo. Chỉ có khoảng 2% là lượng sữa nhập khẩu và chịu mức thuế cao và các quy định của FDA khiến các công ty mới tham gia thị trường rất khó khăn.

Các tập đoàn như Abbott lại chỉ vận hành một số ít nhà máy sản xuất với quy mô lớn nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động, giảm thiểu giá thành. Tuy nhiên, điều này gây ra nhiều rủi ro đối với nguồn cung. Nếu như một tập đoàn hoặc chỉ một nhà máy gặp sự cố, sản lượng sẽ suy giảm rõ rệt. Nhà máy của Abbott bị đóng cửa ở Michigan không chỉ sản xuất các loại sữa bột thông thường mà còn cho ra cả những sản phẩm chuyên biệt cho trẻ em bị dị ứng hoặc những vấn đề về sức khỏe khác. Do vậy, khi tình trạng thiếu sữa xảy ra, nếu như mua sữa công thức loại thông thường đã khó thì mua những hộp sữa đặc biệt lại càng gian nan hơn.

Kích hoạt “đạo luật thời chiến” để giải quyết khủng hoảng
Ngày 1/6, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 5 nhà sản xuất thực phẩm trẻ em hàng đầu của Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã thừa nhận rằng ban đầu ông không ý thức được hết mức độ nghiêm trọng của việc một nhà máy sữa phải đóng cửa từ tháng 2. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết khi chính phủ được thông báo về tình trạng thiếu hụt sữa trầm trọng vào đầu tháng 4 thì mọi việc đã rồi. Ông khẳng định các cơ quan chức năng đã lập tức sử dụng mọi phương thức có thể để nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng chưa từng có này.

Do tình trạng khan hiếm sữa công thức quá nghiêm trọng, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đồng ý để cho Abbott sớm mở cửa trở lại nhà máy ở bang Michigan từ ngày 4/6. Tuy nhiên, Ủy viên FDA Robert Califf cho biết ngay cả khi hoạt động sản xuất tại nhà máy trên được nối lại, nhà máy này cần 6-8 tuần để đạt tối đa công suất và có thể mất thêm cả tháng để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng dẫn Luật Sản xuất quốc phòng để ưu tiên nguồn cung cho các nhà máy sản xuất sữa công thức cho trẻ em. Theo đó, các công ty sẽ được ưu tiên và phân bổ sản xuất nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sữa công thức trẻ em để tăng sản lượng, đẩy nhanh chuỗi cung ứng. Lần gần nhất đạo luật trên được kích hoạt nhằm thúc đẩy sản xuất vật tư y tế và vắc xin tại Mỹ trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19.

Cho tới nay, đã có 6 chuyến bay chở sữa công thức trẻ em từ nước ngoài tới Mỹ, nằm trong chiến dịch không vận mang tên “Operation Fly Formula” do Tổng thống Mỹ Joe Biden phát động nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt sữa bột.

Ông Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, cho biết lượng sữa bột này sẽ giải tỏa phần nào “cơn khát” sữa công thức tại Mỹ. Tuy nhiên, về lâu dài, ông Deese cho rằng Mỹ cần nhiều nhà cung cấp sữa công thức hơn để không xảy ra tình trạng một công ty riêng lẻ có nhiều quyền kiểm soát chuỗi cung ứng như vậy.