“NÉ BẪY TRUYỀN KỲ” CHO DU HỌC SINH

Đời sống du học sinh gian truân đủ bề chưa nói, nhịn ăn, nhịn uống, nhịn chơi, nhịn mặc… đã vậy, còn phải luôn đề cao cảnh giác trước những bẫy ngầm xung quanh. Mà mấy cái bẫy này có ở đâu xa, nó tiềm ẩn ngay trong những “truyền thuyết” mà ai ai cũng đua nhau truyền tụng cả ngoài đời lẫn đầy ra trên mạng, chẳng hạn như này nè.

“Mới qua thì nên ở cùng cộng đồng người Việt cho dễ”

Người Việt tại đây hầu như đều là công dân Mỹ, từ 18 tuổi trở lên đã có thể đi làm, sau đó mua xe, mua nhà… dưới chính sách hỗ trợ của chính phủ. Do đó, thông thường, thanh thiếu niên Mỹ gốc Việt sẽ chọn cách này, vì đây là con đường tắt dễ đi và đi nhanh hơn rất nhiều so với việc học 4-6 năm đại học rồi mới đi làm, bắt đầu kiếm tiền. Du học sinh nếu không kiên định sẽ rất dễ bị cuốn theo vòng xoáy này mà quên mất luôn mục đích đi học ban đầu.

Hơn nữa, đa số những trường đại học hàng đầu của Mỹ tập trung ở các tiểu bang có khí hậu lạnh, trong khi cộng đồng người Việt thường chọn những tiểu bang có khí hậu ôn hòa, ấm áp hơn như California, Florida, Texas… Nếu ưu tiên chọn cộng đồng người Việt, có thể bạn sẽ để bỏ qua những trường chất lượng hơn cho ngành học của mình.

“Việc làm ở Mỹ thiếu gì, qua đó vừa học vừa làm dư sức trang trải chi phí”

Hầu như ai cũng nghe qua câu “trời ơi, Mỹ dễ sống lắm, kiếm việc dễ ợt, qua vài tháng là dư sức tự lo luôn tiền ăn ở khỏi xin ba mẹ”. Đừng tin, lừa đấy! Thực tế, chính phủ Mỹ chỉ cho phép du học sinh làm việc tại trường, với thời gian tối đa 40h/tuần. Tuy nhiên, công việc này không phải “muốn là có”, nên đa số du học sinh Việt Nam đều chọn làm chui ở ngoài (bất chấp việc sẽ được tặng vé một chiều về nhà nếu bị phát hiện).

Vấn đề là nếu muốn làm cho các doanh nghiệp của Mỹ hoặc Nhật, bạn bắt buộc phải có thẻ an sinh xã hội, mà thẻ này chỉ cấp riêng cho công dân Mỹ, thế nên đây sẽ là “mission impossible” đối với bạn. Do đó, bạn chỉ có thể làm chui tại các doanh nghiệp, cửa hàng của người Việt và người Trung Quốc. Tại đây, mức lương của bạn có khi bị ép xuống chỉ còn 2,5$/h (trong khi công dân Mỹ được luật pháp bảo hộ nhận lương tối thiểu 9$/h). Bạn có thể làm gì đây? Tủi thân chấp nhận thôi chứ làm gì! Làm chui mà… Đó là còn chưa kể đến những rủi ro khác như bị quỵt luôn tiền công, bóc lột lao động, quá tải giữa việc làm và học…

“Học là con đường sinh tồn duy nhất! Hãy học đi!! Học, học nữa, học mãi!!!”

Cơ chế dành cho du học sinh ở Mỹ như thế này. Để visa không bị rơi vào tình trạng “out of status” (hay còn gọi là hết khả năng ở Mỹ hợp pháp), bạn phải pass tối thiểu 12 tín chỉ mỗi học kỳ – tương đương 3-5 môn học. Bị ám ảnh bởi điều này, những đối tượng nhạy cảm luôn tâm niệm “học đi, không là chết”. Nói thiệt nha! Dẹp sách vở sang bên một bữa cũng không chết được đâu! Bạn hãy mở cửa phòng, ra ngoài kết bạn, trải nghiệm văn hóa để sau này trở về còn có cái mà kể, chứ chẳng lẽ chỉ kể chuyện học à.

Mặt khác, những du học sinh lên đường với tâm thế “ráng học giỏi rồi kiếm việc làm, ở lại Mỹ luôn” lại phải đối mặt với thách thức khác. Mọi người chỉ bảo bạn là miễn học giỏi sẽ được giữ lại Mỹ, nhưng không ai cho bạn biết, điều kiện và thời gian để giấc mơ này trở thành hiện thực là gì và mất bao lâu (rất phức tạp và rất lâu). Bạn phải cực kỳ bền bỉ và kiên nhẫn, nếu không sớm muộn gì cũng rơi vào con đường “kết hôn giả” cho nhanh, gọn, lẹ mà thôi. Mà nguy cơ từ việc này thì thôi khỏi nói, ai cũng biết.

Du học là con đường để bạn chạm đến nhiều hoài bão và ước mơ, kiểu như “trời ơi không làm được chỉ có chết”. Nhưng nếu đi sai hoặc đi gấp, đi hấp tấp mà không chọn lọc, những cạm bẫy trên đường đó sẽ biến ước mơ của bạn hóa thành mây khói. Tới đó mới chết thiệt đó nha!