Nền chính trị Séc sẽ không còn bị chủ nghĩa dân túy chi phối?
Ngày 9/3, ông Petr Pavel (giữa) tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống của Cộng hòa Séc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Việc ông Petr Pavel tuyên thệ nhậm chức tại Lâu đài Prague (Phủ tổng thống) và chính thức trở thành tổng thống thứ tư của Cộng hòa Séc được kỳ vọng sẽ đánh dấu sự thay đổi trong nền chính trị Séc và mở ra một chương mới trong chính sách đối ngoại của quốc gia Trung Âu với hơn 10 triệu dân này.
Chính thức tuyên bố tham gia tranh cử chỉ hơn 3 tháng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Séc (ngày 6/9/2022) nhưng ông Pavel đã nhanh chóng gây được sự chú ý với bản lý lịch ấn tượng.
Vị cựu tướng lĩnh quân đội, từng nắm giữ chức vụ tổng tham mưu trưởng Quân đội Séc và chủ tịch Ủy ban Quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngay lập tức vươn lên là một trong 3 ứng cử viên hàng đầu cùng với cựu Thủ tướng Andrej Babis và Giáo sư kinh tế học Danuse Nerudova.
Xuất thân và sự nghiệp quân ngũ của ông Pavel tỏ ra là một lợi thế trong bối cảnh xung đột ở Ukraine trở thành một trong những chủ đề nóng của cuộc bầu cử.
Bên cạnh đó, ông Pavel cũng nhận được sự ủng hộ của liên minh cầm quyền do Thủ tướng Petr Fiala lãnh đạo.
Khi cuộc vận động tranh cử bước vào giai đoạn nước rút, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy vị cựu tướng quân đội 61 tuổi có cơ hội lớn để giành chiến thắng.
Sau khi dẫn đầu trong vòng 1, ông Pavel đã vượt qua cựu Thủ tướng Andrej Babis trong vòng bầu cử thứ hai với gần 58% số phiếu ủng hộ.
Lần đầu tiên kể từ thời nhà lãnh đạo Vaclav Havel, Cộng hòa Séc có một tổng thống không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp. Những người tiền nhiệm của ông Pavel, như các cựu tổng thống Vaclav Klaus và Milos Zeman, trước khi bước vào Lâu đài Prague đều trải qua cương vị thủ tướng Séc.
Giới phân tích cho rằng kinh nghiệm của một cựu lãnh đạo quân đội giúp ông thu hút cử tri dễ dàng hơn giới tinh hoa chính trị.
Với một quốc gia có thể chế cộng hòa nghị viện, chức vụ tổng thống không thực sự nổi bật, song lịch sử Tiệp Khắc cũ (từ năm 1918) cho tới Cộng hòa Séc ngày nay đã chứng kiến nhiều tổng thống đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng.
Ngay sau khi đắc cử (ngày 28/1), ông Pavel đã có lịch trình dày đặc đi thăm các vùng trong cả nước, trong đó có những khu vực nghèo vốn được coi là cơ sở ủng hộ của cựu Thủ tướng Babis, Chủ tịch phong trào ANO.
Ông muốn thảo luận về các giải pháp khả thi nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội, như tình trạng thiếu nhà ở, giá cả tăng cao, cơ hội việc làm hạn chế và trình độ học vấn thấp.
Đây là các khu vực dọc theo biên giới Séc với Đức và Ba Lan, nơi mà việc trục xuất người nói tiếng Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã để lại những vết sẹo lâu dài.
Chiến thắng của ông Pavel cũng được đánh giá mang ý nghĩa biểu tượng, cho thấy nền chính trị Séc không còn bị chủ nghĩa dân túy chi phối, đồng thời thể hiện nền chính trị của quốc gia Trung Âu này đã tự “hòa giải” với quá khứ của chính mình.
Đáng chú ý hơn, giới phân tích nhấn mạnh việc ông Pavel trở thành Tổng thống Séc sẽ giúp Phủ Tổng thống và Chính phủ Séc thống nhất trong các chính sách đối nội và đối ngoại.
Cố vấn của ông Pavel, cựu Đại sứ Séc tại Mỹ và Nga Petr Kolar nhấn mạnh tân tổng thống sẽ phối hợp chặt chẽ với nội các.
Đây là điều mà Séc không có được dưới thời cựu Tổng thống Milos Zeman khi nguyên thủ quốc gia thường phản đối các đề xuất của chính phủ.
Về đối ngoại, ông Pavel nhất quán thể hiện quan điểm ủng hộ châu Âu, thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ NATO và các đồng minh, nhất là Mỹ. Tân Tổng thống Séc được đánh giá có kinh nghiệm phong phú với các cấu trúc phương Tây.
Ông từng theo học tại Trường Cao đẳng Tình báo quốc phòng ở Bethesda (Mỹ), Trường Cao đẳng Tham mưu ở Camberley (Anh), Trường Cao đẳng Nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Anh, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kingʼs ở London.
Trong vai trò một quân nhân, ông Pavel đã tham gia một loạt chiến dịch quân sự do các nước phương Tây tiến hành, bao gồm tại Nam Tư và Iraq.
Năm 2012, ông trở thành quan chức quân sự đầu tiên từ một quốc gia từng thuộc khối Hiệp ước Warsaw được bầu giữ chức chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, nhân vật chỉ đứng sau tổng thư ký của liên minh quân sự này.
Ứng viên tranh cử Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở làng Cernoucek, ngày 27/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giống như Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc Vaclav Havel, ông Pavel nhậm chức vào thời điểm mọi con mắt đều đổ dồn vào Đông Âu khi cuộc chiến tại Ukraine diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Cộng hòa Séc hiện là quốc gia tiếp nhận số lượng người tị nạn Ukraine nhiều nhất tính theo tỷ lệ dân số.
Ông Pavel trở thành chủ nhân Lâu đài Prague sẽ càng củng cố quan điểm cứng rắn của Séc đối với cuộc chiến này.
Một trong những cuộc điện đàm đầu tiên của ông Pavel trên cương vị tổng thống đắc cử với các nhà lãnh đạo nước ngoài là với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tân Tổng thống Pavel được dự báo sẽ tích cực phối hợp với các đồng minh nhằm tăng cường viện trợ cho Ukraine.
Chuyên gia Pavel Havlicek, nhà phân tích tại Hiệp hội các vấn đề quốc tế Prague, đánh giá ông Pavel trên cương vị tổng thống thứ tư của Séc “sẽ mang lại sức mạnh và tiếng nói cho vị thế của Séc ở châu Âu và thế giới,” trong khi “định hướng châu Âu-Đại Tây Dương vững chắc” đối với EU và NATO của ông sẽ dẫn dắt nước Séc thể hiện cách tiếp cận mới./.
(vietnamplus)