Ngành y: Học lực giỏi đã đủ để thành danh?
Y là ngành học hấp dẫn nhiều bạn trẻ nhờ cơ hội việc làm rộng mở và thu nhập cao sau khi ra trường. Tuy nhiên, để khẳng định vị trí trong lĩnh vực này, học lực giỏi là chưa đủ.
Ngành y mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn nhưng cũng chứa đựng nhiều gian nan.
Điều kiện xét tuyển vào ngành y
Để theo học ngành y ở một trường quốc tế tại Việt Nam như Đại học Tân Tạo (TTU), sinh viên phải trải qua cuộc cạnh tranh rất khốc liệt. Ngoài việc xét chọn điểm học bạ THPT, tiêu chí tuyển sinh 2017 của trường quốc tế rất khắt khe và theo tiêu chuẩn của các trường đại học y ở Mỹ. Theo đó, các giảng viên sẽ yêu cầu ứng viên viết bài tiểu luận, chuẩn bị thư giới thiệu từ trường mà ứng viên đã học và bắt buộc tất cả ứng viên phải trải qua cuộc phỏng vấn cam go.
Trong đó, bài luận mô tả nguyện vọng của ứng viên là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng nhất. Thông thường, TTU không gò bó về cấu trúc bài luận, nhằm giúp sinh viên thỏa sức sáng tạo và linh hoạt trong cách viết. Sinh viên phải biết cách làm nổi bật điểm mạnh cá nhân, qua những trải nghiệm và thách thức của bản thân. Sau đó, cuộc phỏng vấn sẽ giúp nhà trường biết được thế mạnh hay điểm độc đáo của sinh viên ứng tuyển.
Sinh viên khoa y Đại học Tân Tạo cùng bạn bè quốc tế trong chuyến thực tập hè hàng năm tại Mỹ.
Ngoài những tiêu chí trên, niềm đam mê trở thành bác sĩ là điều các giảng viên mong chờ nhất ở một ứng viên. Nếu không có đam mê, khát khao theo nghề, sinh viên sẽ không có động lực để trải qua nhiều năm học tập gian khổ hay những đêm mất ngủ, thực tập, trực bệnh viện và quan trọng nhất là cứu người.
Ngoài ứng viên là học sinh THPT, TTU còn xét tuyển đối tượng đã có bằng cử nhân. Ứng viên có bằng cử nhân ngành sinh học là một lợi thế trong quá trình học y.
GS. Thạch Nguyễn cùng 13 sinh viên Đại học Tân Tạo gặp gỡ và trò chuyện cùng Nghị sĩ Raja Krishnamoorthi của quận 8, TP. Chicago, Illinois trong chuyến thực tập hè tại Mỹ.
“Khi bạn học y khoa, hãy theo đuổi nó với niềm đam mê” – GS. Thạch Nguyễn chia sẻ. “Học y khoa không nên là một lối mòn hay một sự bắt buộc. Nó phải là niềm đam mê khởi phát từ chính mình. Hãy dùng nó để truyền cảm hứng, trở thành một nhà lãnh đạo kết nối mọi người xung quanh”, GS. Thạch Nguyễn nói thêm.
Đam mê và đạo đức trong ngành y
Với mô hình giáo dục khai phóng và điều kiện thực tập tốt, sinh viên y khoa Đại học Tân Tạo được chú trọng bồi dưỡng tính nhân văn, theo tinh thần “y học Hoa Kỳ, y đức Hải Thượng” để trở thành những người bác sĩ hội đủ tài – đức.
Hải Thượng Lãn Ông từng nói: “Suy cho cùng tôi hiểu rằng, sống chết trong một tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ” . Vì vậy, ngành y không có chỗ cho những ai chưa hoàn thiện về tri thức, đạo đức hay tâm hồn.
Hàng năm, sinh viên y Đại học Tân Tạo sẽ được thực tập tại Mỹ.
Hoàng Quốc Bảo, sinh viên y khoa Đại học Tân Tạo đã thực tập tại Bệnh viện St Mary, Mỹ chia sẻ: “Tại Mỹ, bác sĩ phải giới thiệu bản thân với bệnh nhân, giải thích các thủ thuật cần thực hiện. Sau đó, bác sĩ sẽ tóm tắt và kết luận với người bệnh. Khi làm bệnh sử và khám bệnh, bác sĩ cần chú ý tới cảm xúc của bệnh nhân để họ cảm thấy thoải mái nhất”.
Bảo chia sẻ: “Sau chuyến đi em cảm thấy rất vui sướng vì những gì mình đã học được và thêm quyết tâm theo đuổi ngành y”.
Đam mê và đạo đức là hai yếu tố quan trọng trong ngành y, bởi nghề nghiệp này có thể nắm giữ sinh mạng của rất nhiều người, đó cũng là tâm niệm của Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến khi thành lập khoa y Đại học Tân Tạo.
Theo Mộc Trà/ Tri thức trực tuyến